'Người đi qua cuộc chiến' và nỗi oan khuất

Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (lề trái, hàng đầu) thăm và chúc thọ cụ Vũ Linh 90 tuổi.
Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (lề trái, hàng đầu) thăm và chúc thọ cụ Vũ Linh 90 tuổi.
TP - Chuyên án F101 do Đại tá Vũ Linh trực tiếp chỉ huy đánh án đã trở thành huyền thoại về chiến công của công an trong cuộc đấu tranh với Fulro, là chất liệu ngồn ngộn cho bộ phim “Cao nguyên F101”, hiện tượng điện ảnh một thời. Cuộc đời của nhà tình báo tài ba nhưng có số phận éo le này cũng đã được tái hiện sinh động trong cuốn sách “Người đi qua cuộc chiến”.

“Nợ máu khó trả lắm!”

Tuổi đã ngoài 90, nhưng mảng ký ức về thời kỳ đấu tranh với Fulro kéo dài 17 năm (1975-1992) ở Tây Nguyên trong ông vẫn còn rõ nét lắm. Đại tá Vũ Linh tên thật là Nguyễn Trọng Cảnh, sinh năm 1927 tại thôn Phụng Tường, xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa, Phú Yên. Năm 1980, khi đang là Phó Trưởng ty Công an Lâm Đồng ông được giao nhiệm vụ Phó ban Thường trực chuyên án F101. 

Ông kể, năm 1979, Nahria Ya Duck được cử làm Phó Thủ tướng thứ nhất của Fulro. Mặc dù là cấp phó nhưng tất cả quyền lực nằm trong tay Ya Duck, biệt danh “Hùm xám Tây Nguyên”. Sào huyệt của “Trung ương Fulro” ở vùng núi rừng Bidoup (Lâm Đồng).

Chứng kiến cảnh giết chóc tàn bạo của Fulro đối với cán bộ, chiến sĩ của ta và dân lành, ai mà không căm giận? Tuy nhiên, xét cho cùng phần lớn những người theo Fulro ở Tây Nguyên là người dân tộc thiểu số trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam nên phải làm thế nào để cuộc đấu tranh này ít đổ máu nhất nhưng mang lại kết quả cao. Cuối cùng Ban chuyên án chọn giải pháp “Điệu hổ ly sơn”.

Nhận được tin mật báo, Ya Duck vừa liên lạc với một đường dây để cùng nhóm Fulro thân cận bí mật tìm đường trốn ra nước ngoài với mục đích tìm sự viện trợ cho cuộc đấu tranh của Fulro ở Tây Nguyên, chúng tôi quyết định tiến hành “trò chơi nghiệp vụ” nhằm câu nhử, giăng bẫy để bắt trùm Fulro.

Sau khi bắt giữ và thuyết phục nữ liên lạc của đường dây này ngã về phía ta, chúng tôi huấn luyện kỹ năng cho một số cán bộ, chiến sĩ để có thể thâm nhập vào hội Caritas, bày tỏ rằng, sẵn sàng tài trợ mọi chi phí đưa nhóm Fulro ra nước ngoài tiếp tục huấn luyện, đào tạo, sau này trở về “giải phóng Tây Nguyên” (?!) Mắc mưu Ban chuyên án F101, giữa tháng 8/1980, Ya Duck cùng 3 Trung tá, hai Thiếu tá và bốn cấp úy rời sào huyệt để xuất ngoại và bị bắt tại bờ sông Tùng Nghĩa (huyện Đức Trọng).

'Người đi qua cuộc chiến' và nỗi oan khuất ảnh 1 Chân dung Đại tá Vũ Linh.

Ngừng một lúc để nhấp ngụm trà, cụ Vũ Linh tiếp tục mạch chuyện: Ta chủ trương thuyết phục Ya Duck phối hợp để tiếp tục câu nhử số Trung ương Fulro còn lại. Tuy nhiên, những ngày đầu “Hùm xám” tỏ ra kiên cường lắm, ông ta thẳng thừng tuyên bố: “Tôi bây giờ đã trong tay các ông, các ông muốn xử sao tôi cũng chấp nhận, kể cả xử tử. Nhưng các ông bắt tôi phản bội đồng đội, phản lại đồng tộc của mình thì không bao giờ”.

Cuộc đấu lý diễn ra mấy ngày liền. Đến khi ông ta bảo “tôi cũng là người làm cách mạng, nhưng theo cách của tôi. Fulro là con đường do tôi tự chọn để đi đến mục đích cuối cùng là giải phóng các dân tộc Tây Nguyên, mang lại cơm no áo ấm cho bà con”. Trước lập luận của Ya Duck tôi phản biện: “Làm cách mạng là tốt, nhưng con đường mà anh chọn là sai rồi, anh Ya Duck à... Vẫn có con đường khác để anh làm cách mạng, đó là con đường hợp tác với chúng tôi để đưa anh em Fulro lầm đường đang đói khát trong rừng sâu trở về với buôn làng, với đồng tộc, để xây dựng cuộc sống mới...”.

Sau nhiều ngày tranh luận, nói cho cạn nhẽ, Phó thủ tướng Fulro chấp nhận hợp tác với ta. Nhờ vậy mà chúng tôi đã tổ chức thành công 7 chuyến câu nhử nữa, bắt thêm hơn 60 sĩ quan cầm đầu, gần như làm tê liệt hệ thống tổ chức, chỉ huy của chúng ở khu vực Nam Tây Nguyên.

“Mỗi chuyến đi vào sào huyệt Fulro đều có những tình tiết ly kỳ; đều cam go, nguy hiểm, thử thách bản lĩnh can trường. Thật đau xót khi có hai sỹ quan công an tài trí là Lâm Văn Thạnh và Nguyễn Ngọc Diêu hy sinh. Khi bị lộ, các đồng chí ấy đã dũng cảm chống trả để đồng đội trốn thoát”, giọng cụ Linh chùng xuống, mắt nhìn xa xăm.

Rồi cụ tiếp mạch: Chúng tôi thuyết phục Ya Duck cùng một số nhân vật cộm cán viết thư kêu gọi đồng bọn ra đầu thú và gọi về hàng hàng ngàn tên, góp phần giải quyết cơ bản vấn đề Fulro, đem lại cuộc sống bình yên cho cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

Chia tay chúng tôi, cụ nói như đúc kết: Ở đời nợ gì cũng có thể trả nhưng nợ máu thì khó lắm, do đó phải có cách “dụ hổ ra khỏi rừng” để bắt, cảm hóa và thuyết phục họ cộng tác với ta, chăm lo cho cuộc sống của họ, kéo họ trở về với đại đoàn kết dân tộc thì mới tránh được hận thù lâu dài.

Oan khuất

Chuyên án F101 được đánh giá là chuyên án lớn, thành công nhất trong cuộc đấu tranh với Fulro. Thế nhưng một số người lại dựng chuyện là có bàn tay của CIA nhúng vào khiến Đại tá Vũ Linh phải chịu nhiều oan trái.

Trung tướng Trịnh Lương Hy (quyền Tổng Cục trưởng Tổng cục An ninh, nay đã nghỉ hưu) cho biết tháng 8/1985, Lâm Đồng thành lập “Chuyên án HT86” nhằm phanh phui hoạt động của CIA ở Lâm Đồng giai đoạn trước và sau 1975; trong đó có nội dung làm rõ Đại tá Vũ Linh (lúc này là Giám đốc Công an tỉnh) có phải là gián điệp hai mang, là tình báo của CIA hay không?

 Tôi lúc đó là Phó Giám đốc Công an Lâm Đồng, được cử làm Phó ban chuyên án. Tôi đã thực hiện nhiệm vụ hết sức chặt chẽ, phối hợp với cả bên An ninh quân đội nhưng không có chứng cứ nào để kết tội. Ngược lại, càng điều tra thì càng khâm phục tài năng, đức độ của ông. Đại tá Vũ Linh quả là nhà tình báo xuất sắc của Công an Việt Nam.

'Người đi qua cuộc chiến' và nỗi oan khuất ảnh 2 Về hưu, ông thường xuyên trở lại chiến trường xưa tìm mộ đồng đội.

Vị tướng về hưu khẳng khái cho biết, ông nhận ra nguyên nhân vụ việc xuất phát từ cái nhìn ấu trĩ và mang tính cá nhân là muốn “diệt” ông Vũ Linh của một vài cá nhân cơ hội. Thêm vào đó là kiểu háo danh rằng, Lâm Đồng cũng phá được án liên quan đến CIA… Trong khi, qua nghiên cứu cho thấy hồi đó CIA ở Đông Dương hay ở Việt Nam, họ chưa tổ chức đến cơ sở, tỉnh, huyện.

Vậy mà Tỉnh ủy vẫn lập hồ sơ kỷ luật “cảnh cáo” Đại tá Vũ Linh; Ban Bí thư Trung ương Đảng ra quyết định cách chức Tỉnh ủy viên. Riêng Bộ Công an không đồng tình nên không cách chức ông. Bộ vẫn để cho ông làm  Giám đốc Công an tỉnh hơn một năm nữa, sau đó điều về làm Phó Cục trưởng A16 cho đến khi về hưu.

Thiếu tướng Bùi Minh Hớn, nguyên là Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự Ninh Thuận khẳng định: Tôi với Vũ Linh gắn bó mật thiết như môi với răng. Cái nghề của anh là dụ địch, dùng địch, lợi dụng địch để đánh địch… Đó là chiến lược, là sách lược của người chỉ huy, của người làm nghề tình báo, chứ không phải như một số người dựng chuyện không đâu, lũng đoạn nội bộ.

Trong lời giới thiệu cuốn sách “Người đi qua cuộc chiến” kể về cuộc đời của đại tá Vũ Linh, Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh (Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Nguyên phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị Bộ Công an) viết: Một con người từng vào sinh ra tử, dẫu có lúc bị hiểu lầm, bị vu oan, nhưng vẫn một mực tin tưởng và lạc quan về những gì mà mình đã làm cho quê hương, đất nước mà chưa bao giờ đòi hỏi quyền lợi riêng tư. Vượt lên trên những oan trái, anh vẫn bình thản, lạc quan và lưu lại mãi hình ảnh đẹp trong lòng đồng bào, đồng đội.

Thiếu tướng Minh bao lần gửi thư lên trung ương trình bày, chứng minh sự trong sáng, ý chí kiên cường, bản lĩnh chính trị của ông Vũ Linh. Ông kiến nghị cơ quan chức năng lập hồ sơ đề nghị phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Đại tá Vũ Linh.

Một con người từng vào sinh ra tử, dẫu có lúc bị hiểu lầm, bị vu oan, nhưng vẫn một mực tin tưởng và lạc quan về những gì mà mình đã làm cho quê hương, đất nước mà chưa bao giờ đòi hỏi quyền lợi riêng tư. Vượt lên trên những oan trái, anh vẫn bình thản, lạc quan và lưu lại mãi hình ảnh đẹp trong lòng đồng bào, đồng đội.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh

MỚI - NÓNG
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
TPO - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: "SCB là một trong các ngân hàng có quy mô lớn, tổng tài sản lớn nên giải pháp để thực hiện và xử lý cũng đòi hỏi phải đủ vốn. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục xây dựng một lộ trình để tái cơ cấu ngân hàng này từng bước và nghiên cứu khẩn trương giải pháp, cơ chế tạo điều kiện cho ngân hàng này từng bước ổn định, phục hồi hoạt động".