Nông dân kiệt sức: Chơi vơi với tiềm năng

Nông dân kiệt sức: Chơi vơi với tiềm năng
TP - Giữa vựa lúa quốc gia, mấy năm nay nhiều nông dân có vốn liếng mạnh dạn đầu tư nuôi cá, heo, gà để phát huy tiềm năng thế mạnh, mong thoát khỏi thế độc canh cây lúa, thoát khỏi vòng luẩn quẩn đói nghèo, nhưng kết quả lại thêm nợ nần, cuộc sống thêm chơi vơi.

> Nông dân kiệt sức
> Nông dân như nhạc sỹ

Cá Tra “tối như đêm 30”

Chủ nhiệm Đinh Thừa Tự thở ngắn than dài, HTX nuôi cá tra Vĩnh Bình (Thoại Sơn, An Giang) hai năm trước có 11 xã viên với 12 ha ao, nay chỉ còn 9 xã viên với 4 ha ao. Ông nói: “Ao chừng đó thì HTX chỉ mang danh thôi, không biết sẽ tan nốt lúc nào. Ngày 11 và 12/6, chúng tôi bán 200 tấn cá cho Cty T&T Đồng Tháp, giá mỗi ký chỉ 19.500 đồng trong khi giá thành nuôi là 23.000 đồng mà phải tháng sau mới lấy tiền”.

Một trong hai xã viên đã nghỉ nuôi cá tra, ông Nguyễn Văn Nhi ngồi nhìn mông lung vào mây trời, kể rằng ông từng nuôi gần một héc-ta, suốt năm qua liên tục lỗ, tổng cộng lỗ trên 200 triệu đồng. Hiện, ông còn nợ Ngân hàng NN&PTNT Thoại Sơn 300 triệu đồng, chưa biết cách nào trả được. Giọng ông mệt mỏi: “Nghỉ nuôi cá tra, chưa biết làm gì để sinh sống, đang phải sống bám vào tiệm thuốc tây nhỏ của vợ”.

Bên tỉnh Hậu Giang, HTX nuôi cá tra Đại Thắng ở xã Đại Thành (TX Ngã Bảy) hẩm hiu hơn, trước đây có 65 xã viên, nay chỉ còn 18. Phó chủ nhiệm Phan Văn Thắng kể: “Tôi vừa bán 50 tấn cá tra vào ngày 9/6, lỗ 150 triệu đồng”. Xã viên Dương Chí Tâm 32 tuổi, được tiếng trẻ trung và nhạy bén, có gần nửa héc-ta ao cá mà than: “Lo cho hai đứa con ăn học rất khó khăn”. Ông Tâm thả 170.000 con cá giống, nuôi 6 tháng rồi, chưa biết bán chác thế nào, trong lúc nợ ngân hàng đã hơn 300 triệu đồng.

Người nuôi cá tra thịt lao đao thì người sản xuất giống cũng khốn đốn. Ông Hoàng Đức Cát ngồi bên mép ao, dùng vợt vớt lên những con cá giống đã quá lứa, ngẩn ngơ nhìn ngắm rồi nói: “42 tấn cả thảy, muốn bán lỗ cũng không có người mua vì người nuôi cá treo ao gần hết rồi. Vốn liếng bỏ xuống đây gần 1 tỷ đồng, trong đó vay ngân hàng hơn một nửa, tình hình đang tối như đêm 30”.

Ông Hoàng Đức Cát với cá tra giống đã quá lứa mà chưa bán được. ẢNH: Trường ca
Ông Hoàng Đức Cát với cá tra giống đã quá lứa mà chưa bán được. ẢNH: Trường ca.

Khu ao cá giống ông Cát đang quản lý rộng 22 ha, ở Viện lúa ĐBSCL và Nông trường Sông Hậu, của Công ty TNHH Công nghệ Aquafish Việt Nam- Chi nhánh Cần Thơ, chuyên làm dịch vụ đào tạo và tư vấn nuôi trồng thủy sản. Ông Cát là cán bộ kỹ thuật vẫn tư vấn cho thiên hạ nuôi cá nhưng nay đứng ngồi không yên với cá.

Còn ông Lê Thành Long ở ấp 2, Nông trường Sông Hậu (xã Thới Hưng, Cờ Đỏ, Cần Thơ), có 7,5 ha sản xuất cá tra giống đã phải bỏ hoang, để cho cò đậu mỗi buổi hoàng hôn. Ông sản xuất cá tra giống từ chục năm trước, nay thẫn thờ đứng nhìn ao nước mênh mông hoang tàn, tâm sự nỗi lo lớn nhất bây giờ là chưa biết làm gì để sống. “Ban ao ra để trồng lúa thì lúa cũng đang rối như cá”, ông Long nói.

Cơ sở cá tra giống bỏ hoang của ông Lê Thành Long ẢNH: Trường ca
Cơ sở cá tra giống bỏ hoang của ông Lê Thành Long. Ảnh: Trường ca.

Nuôi heo lỗ hoài

Ông Bảy Cao vừa coi cân heo, vừa tâm sự: “Nuôi nhiều lỗ nhiều, càng nuôi càng lỗ vì mất giá. Đây là lứa heo thứ 3 tôi liên tiếp bị lỗ, tổng cộng hàng trăm triệu đồng rồi”. Tên thật của ông là Ông Nguyễn Văn Út, 59 tuổi, ở ấp Tân Hóa, xã Hòa Thành (TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau).

Vợ chồng ông Bảy Cao khá giả hồi trồng lúa và nuôi tôm, xây được nhà cửa khang trang, lập vườn cây xanh tốt. Vợ chồng ông có 5 người con, hầu hết ra riêng, chỉ còn con trai út Nguyễn Chí Cường học trung học thú y để cùng ông nuôi chí xây dựng trang trại nuôi heo công nghiệp.

Ông Bảy Cao trong trại heo hiện đại càng nuôi càng lỗ ẢNH: TIẾN HƯNG
Ông Bảy Cao trong trại heo hiện đại càng nuôi càng lỗ. Ảnh: Tiến Hưng.

Ở xứ này, người dân nuôi heo thường nhỏ lẻ, chưa ai xây dựng trang trại qui mô như ông Bảy Cao. Chuồng trại có lắp đặt máng ăn, thùng nước hứng vòi cho heo uống, heo nái đẻ có lồng bằng kim loại không rỉ sét, khả năng nuôi vài trăm con heo thịt và vài chục heo nái. Tiền làm chuồng trại hơn 200 triệu đồng.

Lứa đầu, cha con ông Bảy Cao mua 100 con heo giống, thêm 14 con heo nái, thực hiện qui trình tiêm ngừa, thụ tinh nhân tạo bài bản. Sau hơn 3 tháng nuôi, mỗi con được hơn 100 kg, nhưng giá bán chỉ 34.000 đ/kg nên lỗ nặng. Lứa tiếp theo, ông Bảy Cao nuôi 110 con heo, cũng lớn nhanh, bình quân 110 kg/con, nhưng giá bán vẫn thấp, chỉ 35.000 đ/kg trong lúc giá thức ăn đã tăng hơn 10% so với trước.

Ông Bảy Cao nói, giá thành heo hơi đã 38.000 đ/kg, chưa tính công chăm sóc, thuốc men, khấu hao chuồng trại. Sau 2 lứa heo liên tiếp thua lỗ, đến lứa thứ 3, ông Bảy Cao nuôi ít lại, chỉ vài chục con, tìm thương lái ở TP Cà Mau để bán dần. Nhưng ông vẫn không thoát được lỗ mà “cứ lỗ hoài”.

Trang trại nuôi heo của ông Bảy Cao nổi tiếng trong xã kể từ khi xây dựng, được bà con chòm xóm trông chờ kết quả chăn nuôi để làm theo, hy vọng đổi đời, thoát khỏi độc canh cây lúa và dịch bệnh tôm. Nay trang trại của ông vẫn nổi tiếng trong vùng nhưng như ông Bảy Cao chua chát “vì thua lỗ dài dài”.

Sau khi bán heo đợt thứ 3 trong vòng lận đận, ông Bảy Cao cho con trai út Nguyễn Chí Cường liên hệ học kinh nghiệm một trại nuôi heo nái ở Bến Tre. Nguyễn Chí Cường nói: “Tôi đã liên hệ được, họ nhận cho học nghề và chuyển giao heo giống để chăn nuôi. Nhưng cũng lo vì xứ Bến Tre, Tiền Giang, Hậu Giang đang khốn đốn với heo”.

Ở ấp Xẻo Vông C, xã Hiệp Lợi (Ngã Bảy, Hậu Giang) bà Nguyễn Thị Tú Trinh, 28 tuổi, có tiếng tính toán giỏi giang. Năm 2008, bà hùn vốn với anh trai mở trang trại nuôi trên 100 con heo thịt, 12 con heo nái.

Mấy năm đầu, doanh thu khá, nhưng hơn một năm nay giá heo luôn ở mức thấp nên rất khó khăn. Bà Trinh kể: “Ngày 10/6 mới rồi, tôi bán 15 con heo thịt, tiếp tục lỗ nặng”. Gắn bó với nghề nuôi heo nhiều năm, bà Trinh nói chưa lúc nào ngán ngẩm như hơn một năm nay. “Nuôi heo chăm sóc rất cực, mỗi ngày cho ăn ba bốn lần, phải vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Tôi mong giá heo hơi ổn định ở mức không lỗ, chứ cứ như thế này, chắc phải nghỉ vì không cầm cự được”, bà nói.

Nuôi gà bế tắc

Ông Đào Tự Chịa, cán bộ thú y xã Hiệp Lợi (Ngã Bảy, Hậu Giang), cho biết, xã từng có phong trào nuôi gà khá mạnh. Ba năm trước, toàn xã có chục hộ nuôi với tổng đàn hơn 15.000 con, nhưng lỗ liên miên nên hiện chỉ còn 3 hộ nuôi hơn 3.000 con gà.

Một trong những người ham mê nuôi gà của xã Hiệp Lợi là ông Dương Văn Khởi, 36 tuổi, ở ấp Xẻo Vông A. Với suy nghĩ có gan làm giàu, ông Khởi đem hết vốn liếng tích luỹ cùng với vay ngân hàng trăm triệu đồng để đầu tư chuồng trại hồi cuối năm 2010. Ngờ đâu, giá gà bán ra không ổn định, luôn ở mức thấp, nên cuộc sống từ khá giả, gia đình ông Khởi lâm cảnh nợ nần, phải loay hoay gỡ nợ mà chưa ra.

Ông Khởi kể, lứa đầu, ông nuôi 2.000 con, bán ra giá 55.000 đ/kg, lỗ gần 18 triệu đồng. Không nản, ông đầu tư nuôi tiếp với hy vọng giá tăng lên sẽ gỡ được nợ, nhưng khi bán ra giá còn thấp hơn trước.

Ông Khởi suy nghĩ, kiên trì sẽ được đền đáp, giá không thể thấp hoài nên tiếp tục nuôi. Có một thời điểm ngắn bán giá cao là dạo tháng 1/2013, giá 65.000 đ/kg, lời được chút đỉnh. Nhưng niềm vui mới nhóm lên đã lập tức tắt ngấm khi từ sau Tết 2013 đến nay, giá loanh quanh mức 55.000 đ/kg, liên tục thua lỗ.

“Trong gần ba năm qua, tôi xuất chuồng tổng cộng hơn 10.000 con gà, hầu hết lỗ, gộp lỗ đã 60 triệu đồng”, ông Khởi ngậm ngùi. Nuôi gà bế tắc, ông Khởi đầu tư nuôi thêm hơn 100 con trăn thịt (có con đã gần 20 kg) với hy vọng kiếm tiền lãi bù lỗ cho gà. Nhưng hy vọng rất mong manh, ông Khởi bộc bạch: “Nông dân làm ăn phập phồng như đi mò giữa đêm, lo lắm vì không biết cách gì để thoát khỏi nợ nần”.

Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Cty Cổ phần VINAMIT, người tạo thương hiệu cho mít và chuối Việt Nam đứng ở thị trường Singapore, Thái Lan, Đài Loan, Trung Quốc, Philippines, mới đây trả lời báo chí nói rằng, lãi suất cho vay nếu cào bằng giữa sản xuất với thương mại, áp phe thì đất nước không có hàng hoá.

Nhà sản xuất phải bỏ tiền túi để kinh doanh, vắt kiệt sức mình một cách đơn thương độc mã thì sẽ tụt hậu. Ông nói: “Tới một ngày nào đó, chúng ta chỉ còn các thương hiệu mang tên Việt Nam, nguyên liệu Việt Nam, con người làm ra là Việt Nam nhưng thu tiền lời không phải người Việt”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG