Rừng và kiểm lâm: Tiếng gọi nơi hoang dã

Cổ thụ nghìn năm tuổi trên đỉnh Cư Yang Sin
Cổ thụ nghìn năm tuổi trên đỉnh Cư Yang Sin
TP - Khó gìn giữ rừng toàn vẹn, nếu lực lượng bảo vệ rừng không được bảo đảm các quyền lợi chính đáng. 

Trên đỉnh sương mù 

Địa hình núi non hiểm trở là yếu tố thuận lợi để Vườn quốc gia (VQG) Cư Yang Sin bảo tồn được quần thể cổ thụ lá kim quý hiếm. Với những cây pơ-mu, thông 2 lá khổng lồ nghìn tuổi phủ đầy rêu xanh, xen lẫn các vạt rừng hoa bạch trà, hồng trà tuyệt đẹp từ bình độ 1.900m trở lên đến 2.400m, nơi cao nhất trong toàn bộ hệ thống núi vùng cực Nam trung bộ. Nhưng cũng vì hiểm trở, mà các chặng đường tuần tra trèo núi băng sông của lực lượng kiểm lâm càng vất vả, nhọc nhằn.

Công lao của đội ngũ quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) nơi đây không ai phủ nhận được. Thế nhưng, thu nhập và chế độ, chính sách của cán bộ nhân viên (CBNV) VQG này lại kém hẳn so với các đồng nghiệp làm việc cho VQG Yok Đôn, dù 2 VQG này đều nằm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Nguyên nhân: VQG Cư Yang Sin nằm trên địa giới 2 huyện Krông Bông, Lắk do tỉnh quản lý, còn VQG Yok Đôn ở huyện Buôn Đôn đến nay vẫn thuộc Cục Lâm nghiệp- Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT).

Hàng trăm cán bộ nhân viên ngành Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk liên tục kiến nghị, âu lo vì thiệt thòi về chế độ chính sách, dù họ đã nỗ lực suốt phần đời trai trẻ cho việc bảo vệ những vùng rừng tự nhiên hiếm quý còn lại trên cao nguyên.

Trong hơn 100 CBNV Cư Yang Sin, có tới 34 người do Sở NN&PTNT tỉnh ký hợp đồng tuyển dụng vào VQG từ những năm 1999-2005, tới giữa năm 2020 vẫn chưa được xếp vào ngạch viên chức. Trong đó có cả giám đốc, kế toán trưởng, 9 trạm trưởng và đội trưởng đội kiểm lâm. VQG Cư Yang Sin còn có 2 nhân viên bị lâm tặc bắn trọng thương, nhiều năm qua chưa được nhận chế độ thương tật dành cho người thi hành công vụ.

Nhà chức trách giải thích không giải quyết được do các quy định bất cập, chồng chéo. Từ tháng 10/2018, 34 CBNV được thông báo sẽ mất một số chế độ vì chưa được công nhận là viên chức nên họ kiến nghị liên tục, cho tới đầu năm 2020 thì bị cắt hẳn các khoản phụ cấp ngành, thâm niên phục vụ, ưu đãi nghề kiểm lâm, lương giảm tới 30-40%.

Nhiều cán bộ tâm huyết với sự nghiệp quản  lý bảo vệ rừng (QLBVR) gặp chúng tôi tâm sự: Sau hơn 20 năm thành lập VQG Cư Yang Sin, chế độ chính sách của Nhà nước đối với người lao động tại đây có cải thiện, nhưng vẫn chưa tương xứng với sự cống hiến. Mấy năm trước nhờ khoản tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, VQG mua sắm được trang thiết bị và trả công làm việc ngoài giờ. Từ năm 2019 khi Nghị định 156 về lâm nghiệp có hiệu lực, nguồn này không còn nữa. Với 300 nghìn đồng công tác phí khoán mỗi tháng, vỏn vẹn 2 bộ quần áo bảo hộ lao động mỗi năm, CBNV 10 trạm kiểm lâm được giao bảo vệ gần 59.000 ha rừng Cư Yang Sin phải tự mua thêm trang phục, giày mũ, lương thực cho những chuyến xuyên rừng dài ngày để tuần tra.

Một trong những lá đơn kêu cứu từ Cư Yang Sin gửi đến báo Tiền Phong có đoạn viết “Hơn ai hết, 34 lao động ngoài biên chế này hiểu rõ giá trị về đa dạng sinh học, sự phân bố của những loài động thực vật quý hiếm của VQG Cư Yang Sin. Khi thu nhập không còn đủ trang trải chi phí sinh hoạt, không đủ nuôi con, họ có thể bắt tay với lâm tặc, sẽ đành bán rẻ cả mồ hôi lẫn máu đã đổ suốt 15-20 năm qua để có thể tồn tại giữa cuộc sống luôn áp lực này...”

Giữ rừng, sao không phải kiểm lâm ?                                           

Từ mức trên dưới 10 triệu đồng/tháng, đầu năm 2020 tới nay lương của 34 CBNV chủ chốt tại VQG Cư Yang Sin rơi xuống 6-7 triệu đồng/tháng. “Xa nhà biền biệt, đêm ngày phải đối mặt với lâm tặc nguy hiểm, bằng cấp chứng chỉ đầy mình mà tiền gửi về không đủ nuôi vợ con. Nghèo so với đồng nghiệp ở VQG Bi Doup Núi Bà giáp ranh thuộc tỉnh Lâm Đồng đã đành, mà lương còn thấp hơn công nhân may chỉ cần biết đọc biết viết, mới vào nghề ở Khu công nghiệp Hòa Phú của tỉnh!”- Một đội trưởng Đội kiểm lâm than.

Rừng và kiểm lâm: Tiếng gọi nơi hoang dã ảnh 2 Công việc của người kiểm lâm

Nhưng VQG Cư Yang Sin còn may mắn hơn một số đơn vị khác. Trước đó, từ năm 2015-2016, lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk đã nhiều lần gửi công văn đến các Bộ liên quan, đề nghị xem xét tình trạng hơn 30 CBNV của Trung tâm Bảo tồn voi và Ban quản lý Khu bảo tồn loài-sinh cảnh (BQL KBT) thông nước, đều phải làm việc giữa rừng mà không được xếp vào ngạch Kiểm lâm. Cả voi lẫn thông nước đều đang có nguy cơ tuyệt chủng, cần có lực lượng bảo vệ chặt chẽ quanh năm suốt tháng. 

Tới nay, mức lương của hơn 30 CBNV này vẫn thấp nhất ngành. Thông nước tức thủy tùng, loài thực vật cổ sinh cực hiếm đã mất khả năng sinh sản tự nhiên, chỉ còn vài cây mọc rải rác ở Lào và Trung Quốc, và 2 quần thể ở Việt Nam tổng cộng 162 cây tại vùng sâu tỉnh Đắk Lắk. 13 thành viên BQL KBT thông nước phải thường xuyên băng đầm lầy, kiểm đếm từng gốc, không để mất cây nào. Phóng viên đến, chứng kiến cảnh những người bảo vệ 2 quần thể thủy tùng quý giá này sống quá đơn sơ thiếu thốn, quanh năm “muỗi bay vãi trấu, đỉa lềnh bánh canh”.

“Đầu xuân, trong khi lao động các ngành nghề khác thảnh thơi đón Tết thì đội ngũ QLBVR chúng tôi phải truy quét dài ngày xuyên rừng. Chỉ 30% được về với gia đình. Số còn lại luân phiên túc trực ở những điểm nóng để ngăn chặn các hành vi khai thác gỗ; bẫy, bắn động vật hoang dã; gây cháy rừng... Sau Tết mới nghỉ bù, nhưng không được chi trả tiền làm thêm giờ trong dịp Tết như quy định. Lý do muôn thuở là tỉnh không có kinh phí...”- Trạm trưởng một trạm QLBVR cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột hơn 100km kể.

Tôi hỏi những CBNV học hành bằng cấp bài bản, gắn bó cả thời trai trẻ với 2 vùng đầm lầy Ea Ral- Ea H’Leo và Trấp Ksơr -Krông Năng, vừa từ chối cơ hội chuyển qua đơn vị thuận lợi hơn ở tỉnh kề bên : Điều gì khiến các bạn chấp nhận xa gia đình vào nơi heo hút này để canh giữ ngày đêm từng gốc thủy tùng, với mức lương bé mọn đến thế ? Trả lời: Chúng tôi yêu rừng và đã quen sống với rừng. Tiếng gọi thân thương từ đại ngàn hoang dã luôn níu giữ hơn những lời mời hấp dẫn khác.

Ngày 21/7/2020, ông Bạch Văn Mạnh-Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đắk Lắk xác nhận việc chăm lo chế độ chính sách cho lực lượng QLBVR của tỉnh có nhiều sai sót từ các nhiệm kỳ trước, nay phải cố gắng khắc phục. 153 người trình độ từ Trung cấp đến Thạc sĩ có trên dưới 20 năm cống hiến vừa được công nhận trúng tuyển vào ngạch viên chức Kiểm lâm sau đợt xét tuyển mới đây. Tuy nhiên, những khoản phụ cấp mà họ bị cắt từ đầu năm 2020 tới nay sẽ không được tỉnh cấp bổ sung.

MỚI - NÓNG