Gạc Ma - 28 năm vẫn nóng câu chuyện chủ quyền - Kỳ cuối:

Tác nghiệp tại Trường Sa

Viếng mộ liệt sĩ tại đảo Sinh Tồn. Ảnh: Đình Trân
Viếng mộ liệt sĩ tại đảo Sinh Tồn. Ảnh: Đình Trân
TP - Trước tình hình nóng bỏng tại Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao, một đoàn nhà báo được cử tới tác nghiệp tại Trường Sa. Tại đây, họ có dịp đối mặt với tàu chiến Trung Quốc, đồng thời thấy được sự bình tĩnh, can trường của những người lính Hải quân Việt Nam khi quyết bám trụ để bảo vệ chủ quyền.

Đối mặt tàu chiến Trung Quốc

Khi xảy ra sự kiện Gạc Ma ngày 14/3/1988, tin tức được truyền về khiến không khí cả nước sôi sục. Một đoàn nhà báo nhận lệnh ra Trường Sa để thông tin về sự kiện này. Nhà báo Hoàng Như Thính, nguyên phóng viên báo Quân đội Nhân dân cho biết: “Ban đầu, ta định mời cả các nhà báo quốc tế ra đảo để chứng kiến việc Trung Quốc chiếm đảo và bắn cháy, bắn chìm tàu Việt Nam. Tuy nhiên, khi chúng ta yêu cầu Trung Quốc ngừng bắn nhưng phía họ không trả lời nên vì sự an toàn, các nhà báo nước ngoài không ra đảo nữa. Thành phần chuyến đi thời đó gồm các nhà báo Trần Bình Minh, Lê Trang Liêm, Nguyễn Văn Vinh (Đài Truyền hình Việt Nam); Lê Mạnh Thích (Xưởng phim Tài liệu Khoa học Trung ương); Hồ Anh Thắng, Hoàng Như Thính (báo Quân đội Nhân Dân); Ngọc Đản (báo Nhân dân); Trung Hiền (báo Tiền Phong); Đình Trân (Thông tấn xã Việt Nam); Lê Phức, Vinh Quang (Báo ảnh Việt Nam)…”.

Tháng 4/1988, tàu cứu hộ Mỹ Á mang cờ Chữ thập đỏ chở các nhà báo ra Trường Sa. Lên tàu, các anh được thuyền trưởng tàu Mỹ Á phổ biến: Nếu gặp tàu Trung Quốc, những ai sử dụng máy quay, máy ảnh có ống kính tê-lê thì phải che kín, nếu không lính Trung Quốc tưởng đó là súng họ sẽ bắn. Quả nhiên, khi tàu tới Cô Lin thì bị tàu chiến Trung Quốc mang số hiệu 854 từ Gạc Ma tiến ra ngăn cản. Nhà báo Trung Hiền kể: Thấy tàu chiến đến, các phóng viên rất bình tĩnh. Phóng viên ảnh Đình Trân, trước đó bị say sóng rất nặng đã vùng dậy chạy vội lên boong. Anh chọn một góc kín đáo cạnh buồng lái, hướng ống kính vào chiếc tàu chiến đang hùng hổ lao tới. Thấy tình hình nguy hiểm, thuyền trưởng tàu Mỹ Á yêu cầu mọi người không lên boong. Đình Trân khẩn khoản: “Anh cứ để em lên, phải có tài liệu để mọi người hiểu sự thật về sự tàn bạo, hung hãn này”. Sau đó, Đình Trân đứng trên boong tàu, nép mình vào mạn, khôn khéo đưa ống kính lên. Ngay khi pháo trên tàu chiến Trung Quốc rê nòng hướng về tàu Mỹ Á như sắp nhả đạn, Đình Trân vẫn rê máy chụp. “Khi đó, cách Đình Trân không xa, tôi thấy nhóm phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam gồm Trần Bình Minh, Lê Trang Liêm, Nguyễn Văn Vinh cũng đang khẩn trương, bí mật ghi hình. Bên mạn tàu, lấp ló mái đầu bạc của nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Phức, cạnh đó là mái tóc dài của Vinh Quang (Báo ảnh Việt Nam) cũng đang bình tĩnh tác nghiệp”- Nhà báo Trung Hiền cho biết.

Biểu tượng HQ 505

Sau khi tàu chiến Trung Quốc rời đi, tàu Mỹ Á cập vào Cô Lin. Tại đây, mọi người xúc động khi nhìn thấy tàu HQ 505 nằm hiên ngang trên bãi đá. Cảnh tượng này được Thiếu tướng Hồ Anh Thắng, khi đó là phóng viên trong đoàn, mô tả lai: “Hình ảnh con tàu HQ 505 lao lên bãi đá ngầm Cô Lin như một con cá voi khổng lồ để giữ gìn chủ quyền biển đảo. Bên phải tàu HQ 505 tôi đếm được hơn 20 phát đạn đại bác, trên boong tàu là 30 phát đạn”. Còn nhà báo Trung Hiền bàng hoàng xúc động khi nhận ra HQ 505 chính là con tàu vào tháng 4/1984 đã đưa anh và các đồng nghiệp ra Trường Sa. Anh lặng lẽ bước tới mạn tàu, nơi mình đã mắc võng nằm trong chuyến đi dài ngày năm ấy. Cạnh buồng lái, nơi anh từng ngồi đọc những bài thơ về biển cho các thủy thủ nghe trong những đêm trăng thanh, biển lặng giờ đây là một vết đạn pháo rộng hoác…

Tác nghiệp tại Trường Sa ảnh 1

(Từ trái sang)  Các nhà báo Nguyễn Văn Vinh, Hồ Anh Thắng, Lê Trang Liêm trao đổi về những kỷ niệm tại Trường Sa. Ảnh: Kiến Nghĩa

Đặt chân lên Cô Lin, các phóng viên thấy tại đây chỉ có khoảng chục cán bộ, chiến sĩ nhưng các anh vẫn bình tĩnh giữ đảo trước sự lượn lờ, khiêu khích liên tục của tàu chiến Trung Quốc. Thuyền trưởng tàu HQ 505 Vũ Huy Lễ với vóc người gầy nhỏ, tác phong nhanh nhẹn ra đón. Cách đây chưa lâu, con người giản dị đó đã có một quyết định dứt khoát để tàu HQ 505 trở thành một biểu tượng giữ gìn biển đảo. Khi được hỏi về khoảnh khắc lịch sử này, thuyền trưởng Vũ Huy Lễ (sau này được phong Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân-PV) kể: Ngày 14/3, sau khi bắn chìm tàu HQ 604, 3 tàu chiến của Trung Quốc chạy đến Cô Lin liên tục nã pháo vào tàu HQ 505. Tàu bị trúng đạn vào buồng máy bên phải, dần trôi khỏi Cô Lin gần 1 hải lý. Một phần tàu bốc cháy, một số chỗ bị thủng, nước tràn vào khiến tàu nghiêng dần. Chúng tôi nhận định, nếu để tàu HQ 505 chìm, ngoài việc mọi người sẽ hy sinh hết, Cô Lin cũng không thể giữ được. Chỉ huy tàu tập trung lính kỹ thuật, yêu cầu cấp tốc sửa máy. May trong thời gian ngắn, máy đã sửa được. Thuyền trưởng hạ lệnh cho tàu chạy bằng cả hai máy mở hết tốc lực để tàu lao thẳng lên bãi đá ngầm Cô Lin. HQ 505 trở thành một pháo đài kiên cố giữ đảo.  

Viếng mộ tại Sinh Tồn

Khi tàu cứu hộ Mỹ Á tới Sinh Tồn, đại úy Thái Văn Khôi, đảo trưởng Sinh Tồn cho biết: Ngày 14/3, ngoài tàu HQ 505 lao được vào Cô Lin, còn tàu HQ 604 tại Gạc Ma, tàu HQ 605 tại Len Đao đều bị bắn chìm. Sau đó, các chiến sĩ ta tại tàu HQ 604, HQ 605 được đưa về đảo Sinh Tồn. Những chiến sĩ hy sinh của hai tàu còn giữ được thi thể an nghỉ tại đây, trong đó có anh Trần Văn Phương, người đã dũng cảm bảo vệ cờ Tổ quốc tại Gạc Ma.

Các nhà báo ra viếng mộ những liệt sĩ tại đảo Sinh Tồn. Những người lính nơi đây cho biết, do mộ mới được chôn nên chiều chiều họ thường nhặt từng con ốc nón xếp lên những nấm mồ đồng đội tránh bị sóng biển đánh trôi.

Tại Sinh Tồn, chỉ một số ít ngôi mộ được chôn tại đây sau sự kiện 14/3. Thi thể phần lớn các liệt sĩ hy sinh hôm đó đã nằm lại biển khơi. Nhà báo Nguyễn Văn Vinh cho biết: Khi tàu Mỹ Á ra đây, chúng tôi có gặp tàu Đại Lãnh. Qua trò chuyện với các thành viên tàu cứu hộ, được biết tàu Đại Lãnh ra đây chỉ sau ít ngày khi sự kiện 14/3 xảy ra. Một thành viên đội thợ lặn tàu Đại Lãnh cho biết, khi tới Gạc Ma để tìm xác các chiến sĩ, nhưng bị các tàu Trung Quốc đóng tại đây ngăn cản”…

Ca mổ trước họng súng ở Gạc Ma

Trong chùm ảnh Trường Sa sau năm 1988 của nhà báo Nguyễn Viết Thái, có một tấm ảnh chụp ca mổ ruột thừa trên đảo. Ca mổ đó thực hiện trong điều kiện thiếu thuốc men, cả đơn vị đang trong vòng vây của tàu hộ vệ Trung Quốc sau sự kiện Gạc Ma.

Nhà báo Nguyễn Viết Thái, kể: Đoàn công tác bí mật đặt chân lên đảo Phan Vinh đúng vào lúc cả đảo đang triển khai công tác sẵn sàng chiến đấu. Thời điểm nước sôi lửa bỏng thì chiến sĩ Nguyễn Văn Trung bị đau ruột thừa. Quân y trên đảo hội chẩn và ra quyết định cần phải mổ gấp. Hộp đồ nghề giải phẫu được trang bị nhưng là lần đầu tiên được mang ra sử dụng.

Bác sĩ mới ra trường tên là Năng phụ trách mổ. Nhà báo Nguyễn Viết Thái đã bước vào phòng mổ và bấm máy ghi lại ca giải phẫu trong căn phòng bằng gỗ trên đảo.

Chàng trung úy trẻ trong tấm ảnh đen trắng chụp tại Trường Sa, hiện nay là Thượng tá Nguyễn Đinh Năng, Chủ nhiệm Quân y Học viện Hải quân Nha Trang. Gia đình anh hiện ở khu Dã Tượng, TP Nha Trang tỉnh Khánh Hòa. Thời gian trôi qua, nhưng nhắc lại câu chuyện về ca mổ trên đảo diễn ra ngay trước họng súng những kẻ cướp đảo, anh vẫn bồi hồi.

Thượng tá Nguyễn Đinh Năng, quê ở xã Hưng Khánh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, nhập ngũ tháng 7/1979. Sau khi tốt nghiệp ngành y năm 1986, anh được phân công công tác về Vùng 4 Hải quân, đóng tại Nha Trang.           

Lê Văn Chương

MỚI - NÓNG