Tầm nã mai rừng

“Lão mai” đọ sắc với mai ghép
“Lão mai” đọ sắc với mai ghép
TP - Rạo rực từ đầu tháng Chạp, thanh niên ở các huyện thuộc tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai ới nhau chuẩn bị nồi niêu, cuốc xẻng vượt chặng đường gần trăm cây số vào rừng săn mai. Vừa có mai chưng Tết lấy lộc đầu năm lại có thứ bán được nhiều tiền nên ai cũng hăm hở tham gia.

Đạp núi tìm mai

Vừa trở về sau chuyến săn mai nguyên tuần trong khu rừng thuộc huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk (nơi một thời từng là thánh địa mai rừng được giới thợ săn lui tới mòn cả gót giày), anh Nguyễn Sơn 35 tuổi, nhà ở chân đồi Giang Sơn, huyện Cư Kuin, cho biết: “Cứ gần Tết, dân trong làng đều vác cuốc, gùi cơm, nước vào rừng lùng mai. Họ chọn vài cành ưng ý chưng Tết, còn lại đem bán. Thấy nghề săn mai kiếm được tiền, người làng lũ lượt kéo đi, cả dân ngoại huyện cũng đổ về khiến mai rừng giảm chóng mặt. Mấy năm trước chỉ cần đi vài ba chục cây số là chặt được một mớ, giờ hiếm lắm, đi cả tuần về tay không là chuyện thường”. 

“Người dân ở đây rất chuộng mai rừng. Nhà nào không vào rừng lấy được thì cố gắng mua một cành chơi Tết. Giá cũng không đắt lắm. Có mai chưng trong nhà là biết xuân đến rồi”.

Ông Đỗ Kim Sơn, 

Phó Chủ tịch 

UBND xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk

Băng rừng, lội suối vất vả, lại nguy hiểm nên nghề này chỉ dành cho cánh mày râu có sức khỏe dẻo dai. Họ thường đi theo nhóm, từ 3-4 người/nhóm hỗ trợ nhau khi gặp sự cố trong rừng. Sự thành bại của cuộc săn mai phụ thuộc vào tài thao lược của người dẫn đầu. Họ phải là “thổ địa” trong vùng, thông thạo địa hình, biết nơi mai “ẩn náu”, chỉ đúng hướng săn. Hơn 5 năm xuyên rừng tìm mai, anh Hậu nhà ở huyện Ea Súp (Đắk Lắk), tiết lộ: “Mai rừng thường mọc ở đồi đất trắng, ven suối, nơi có tiết trời nóng ẩm. Các khu rừng khộp thuộc huyện Ea Súp, Krông Ana, Ea Hleo,… mai tập trung nhiều, có khi cả rừng mai luôn. Nhưng giờ hết rồi, dân chặt nhiều quá, kiếm lòi cả mắt mới ra”.

Thợ săn mai phải kiên nhẫn mang dụng cụ, lương thực vào rừng ăn nằm cả tháng để lùng của quý.

Mọi chuyện ở chốn thâm sơn cùng cốc đều có thể xẩy ra. Từ chuyện đói khát, trượt gẫy chân tay, mắc bệnh sốt rét… đến chuyện đụng độ giành lãnh địa giữa các nhóm thợ săn. Nhẹ chỉ trầy da tróc vẩy, nặng thì mang tật suốt đời. Nguyên cớ cũng vì mai rừng khan hiếm, giá cả tăng cao. Thợ săn bất chấp hiểm nguy vào tận rừng sâu hàng trăm cây số lùng tìm. Không có, họ sang cả tỉnh Gia Lai, Phú Yên lùng cho bằng được. Tìm được rồi họ dựng chòi sát bên canh chừng.

Dẫu ăn uống kham khổ, có khi đêm rét căm căm, họ vẫn bám trụ. Chăm giữ cẩn thận đôi lúc cũng bị người khác tranh mất. Nhiều nhóm đến sau giở trò luật rừng, cướp công nhóm trước. Có nhóm bấm bụng nín nhường giữ mạng. Cũng có nhóm quyết chiến giành lại miếng ăn. Trận đấu diễn ra và đương nhiên, kẻ đông hả hê hưởng chiến lợi phẩm. Người yếu đành mang mặt máu bỏ đi, uất ức, tức nghẹn.

Thành quả đổi bằng máu nếu không biết cách chăm quản cũng bằng không. Sợ chặt mai sớm bị chết hoặc nở không đúng dịp. Thợ săn tuốt lá, chăm sóc mai trong rừng đến sát Tết mới chặt về. Hành trình đưa mai khỏi núi sâu vực thẳm cũng gian truân không kém. Họ phải thật khéo léo luồn rừng, giữ cho mai còn nguyên vẹn. Lỡ cành gãy, hoa rơi phải bỏ thì uổng. Công sức ăn rừng ở rú cả tháng của họ đổ sông bể hết.

“Mai rừng mộc mạc đẹp tự nhiên lại lâu tàn. Nên cứ giáp Tết là tôi gác mọi việc vào rừng tìm mai. Tuy khổ một chút nhưng tự tay mình chọn bao giờ cũng vừa ý hơn. Ngoài ra, tôi cũng tranh thủ kiếm thêm một ít bán lấy tiêu Tết”, anh Sơn nói thêm.

Mai rừng lượn phố

Ngoài các loại cây cảnh góp mặt truyền thống ở hội chợ xuân như quất, lan, ly… mai rừng cũng “hành hương” xuống phố đọ sắc cùng “chị, em”.

Dọc khắp các nẻo đường phố thị, mai rừng được bày bán to bé đủ loại. Khách đến xem mua rất đông khiến chợ xuân nhộn nhịp hẳn lên. Giá cả cũng đa dạng, tùy thuộc vào kích cỡ, dáng đẹp… Cành nhỏ xinh xinh dưới 1m, có giá từ 300-500 nghìn đồng/ cành; cành tầm trung dao động từ 600-800 nghìn/cành. Riêng cành cao to, sum suê đầy nụ, thuộc hàng “của hiếm” có giá trên dưới chục triệu đồng.

Ngắm gốc “lão mai” to bự, một vị khách căng mắt tròn xoe, trầm trồ khen đẹp: “Hàng độc này chí ít cũng vài chục chai (triệu), chỉ có đại gia mới dám sờ chơi thôi”. Tuy nhiên, loại này cực hiếm. Những gốc mai rừng có tuổi đời cao hầu như được lấy trong rừng rồi trồng ở nhà. Người chơi, chăm bón tự nhiên cho hoa nở đẹp, cánh to nguyên thủy. Cũng có người thích ghép thêm nhiều loại mai vào gốc mai rừng cho cây thêm sum suê, bề thế. Giá những gốc mai này không dưới trăm triệu.

Nhấc cành mai dài hơn sải tay, bà chủ bán mai đảo miệng rao rôm rả: “Mai đây mai đây, mai rừng chính hiệu, mua dzô mua dzô bà con ơi!”. Thấy khách ghé coi, bà tung hết mỹ từ chào mời. Khách truy hỏi nguồn gốc bà đều đáp trả giòn tan. Dù cuộc mua bán không thành, khách bỏ đi nhưng bà vẫn tự tin: “Biết chắc trong bụng ưng lắm, nhưng sợ mua hớ, đi khảo sát chỗ khác, riết rồi cũng quay lại thôi. Mai rừng giờ hiếm, giá vậy được rồi còn đòi bớt gì nữa”.

Lựa được cành mai ưng ý với giá 500 nghìn đồng, anh Võ Tấn Hoàng, nhà ở huyện Cư Kuin cho biết: Giá mai rừng năm nay cao hơn năm trước từ 100-200 nghìn đồng/cành. Vậy cũng được miễn là nó đẹp, chắc khỏe, có đắt chút cũng không sao. Mỗi năm anh đều tậu một cành về chưng Tết. Khi tàn đem trồng ngoài đất, chúng vẫn sống và sinh trưởng bình thường. “Mai giờ quý hiếm, người chơi muốn sở hữu một cành đẹp phải đặt hàng từ trước. Đúng hẹn lo lấy chứ không, thuận giá người khác rinh mất thì tiếc lắm”, anh Hoàng nói thêm.

Sở dĩ mai rừng thắng thế mai ghép là nhờ đặc tính “tự sinh, tự dưỡng”. Mai rừng dễ trồng lại trổ dày bông, lâu tàn và cho hoa năm cánh có mùi thơm ngào ngạt. Còn mai ghép đòi hỏi kỹ thuật cao, chăm tưới, cắt tỉa liên tục nên kén khách. Mặt khác quan niệm, vật chưng tế phải tự nhiên, hoang dã, khuôn nép, cắt ghép quá sẽ mất linh càng khiến mai rừng đắt giá trong Tết.

Tầm nã mai rừng ảnh 1

Mai rừng xuống phố

Là dân chuyên chơi cây cảnh, anh Hoàng Long ở Buôn Mê Thuột (Đắk Lắk) phân tích: Nhìn cành cây khẳng khiu trông có vẻ như củi khô ấy vậy mà hay. Chỉ cần đem về đốt cho gốc cháy xém, cứa cành, ngâm nước để ấm ngoài trời, ban đêm khiêng vào nhà tránh sương lạnh là chúng nứt mầm, bung nụ ngay.

Còn chuyện mai mở đúng dịp hay không là tùy vào thời tiết và “nghệ thuật” chăm của người chơi. Ngoài việc chọn được cây to, dáng đẹp, người chơi phải biết cách tuốt lá, tưới phân cho mai mọc thêm chồi… Nếu mai nở trúng lúc giao thừa thì năm đó gia chủ làm ăn phát tài, gặp nhiều may mắn; còn nếu không nở thì sẽ… kém vui.

Người chơi thường cắm cành mai vào lục bình gỗ, gắn đèn màu chớp nháy, treo phong bao lì xì, dây phúc lộc... để tô điểm. Có người còn đặt thêm vài chậu cúc bên cạnh, làm tôn thêm vẻ khỏe khoắn, đầy quyến rũ của mai rừng.

Thú chơi tận diệt mai rừng!

Trước đây, mai rừng mọc khắp nơi. Người dân chỉ việc vào rừng chọn vài cành chặt chưng Tết, lấy lộc đầu năm. Dần dà thú chơi dân dã phát triển thành phong trào. Mai rừng trở thành món hàng đắt giá. Nhiều người đổ xô vào rừng săn tìm, chặt bán vô tội vạ. Cành to không chừa, nhỏ cũng không tha. Cành nào không thích thì bỏ, tìm chặt cành khác. Cả nguồn tái sinh cuối cùng như gốc mai hay cây bé tí bằng ngón chân cái “nấp” kỹ trong hốc đá, dân cũng đào về. Cách khai thác theo kiểu tận diệt, khiến mai rừng đứng trước nguy cơ bị xóa sổ.

Mai càng khan hiếm, giá càng cao bao nhiêu thì số lượng thợ săn càng nhiều bấy nhiêu. Bởi phần đông họ xuất thân nông dân, thu nhập chính nhờ vào ngô lúa. Xong mùa vụ họ nhàn rỗi, tìm việc làm kiếm tiền tiêu Tết. Thấy nghề chặt mai kiếm nhiều tiền, họ chẳng ngại gian khổ. Vào rừng chặt tận gốc, ra chợ bán ngọn. Mỗi chuyến đi trúng họ thu về trên dưới chục triệu. Số tiền này tuy không nhiều nhưng với nông dân cũng đủ cho một cái Tết sung túc.

Nắm bắt được thị hiếu, nhiều nhà vườn trồng mai ở Háo Đức (Bình Định) và Tuy Hòa (Phú Yên) đã đưa cây mai vào hàng hóa thương phẩm. Chúng được trồng chuyên biệt, chăm sóc theo hướng công nghiệp nên mai chậu (mai nhà) có giá “mềm” hơn, mọi giới yêu mai đều chơi được. Mua chậu mai xong, họ lấy địa chỉ người bán. Hết Tết, họ chở mai đến gửi nhà người bán chăm sóc với giá 300 nghìn đồng đến 1triệu đồng / năm. Mùa Tết sau, họ mang về lại, đảm bảo hoa nở đúng Tết.

Sửa gốc mai hỏng bán thu chục triệu

Những gốc mai bỏ đi được chăm, tỉa trở thành những cây mai thế trị giá vài chục triệu đồng. Những gốc mai với bộ đế độc nâng giá mai lên tới hàng trăm triệu đồng. Mới đây, lão nông Lưu Quang Trực (60 tuổi, thôn Hưng Trị, xã Cát Thắng, huyện Phù Cát, Bình Định) bán 7 cây mai tổng cộng gần 500 triệu đồng. Trong đó cặp cây gốc lớn 18 năm tuổi bán với giá 200 triệu đồng. Nhiều năm nay ông Trực được biết đến với vườn mai 4.000 gốc. Nhiều người mê mai ông Trực là bởi bộ đế đồ sộ, vững, đẹp. 

Hoài Văn

Chưng mai ngày Tết vừa là phong tục cổ truyền vừa là nhu cầu làm đẹp ngôi nhà của con người. Nếu con người biết khai thác đi đôi bảo vệ nguồn mai thì thật đáng quý biết bao. Bằng không chỉ vài năm nữa, mai rừng cạn kiệt, người chơi có bỏ đống tiền cũng không tìm được cành mai tự nhiên nào nữa.

Post by Báo Tiền Phong.

MỚI - NÓNG