Tàn phá rừng phòng hộ

Ông Phạm Văn Triển, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đông Triều vào tận nơi rừng phòng hộ bị chặt phá.
Ông Phạm Văn Triển, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đông Triều vào tận nơi rừng phòng hộ bị chặt phá.
TP - Hàng trăm héc - ta rừng phòng hộ ở xã An Sinh, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh trơ gốc bởi nạn phá rừng để trồng cây nguyên liệu.

Ai có sức…cứ phá!

Theo chân một người dân bản địa, phóng viên Tiền Phong đã có dịp xâm nhập thâm sơn cùng cốc ở xã An Sinh, nơi đang xảy ra tình trạng người dân ồ ạt phá rừng phòng hộ để trồng cây nguyên liệu.

Trên chiếc xe máy cà tàng đóng giả làm công nhân lâm trường, anh N.V.T chở tôi đi sâu theo con đường nối từ quốc lộ 18 sang tỉnh lộ 293 (Bắc Giang) vào đến thôn Chân Hồ, xã An Sinh. Đứng trên đỉnh dốc, phóng tầm mắt ra xa thấy bạt ngàn màu xanh của rừng núi. “Thôn này dân sinh sống rải rác nhưng diện tích rừng bao phủ gần 100%. Trong đó có cả rừng trồng và xen kẽ rừng phòng hộ. Nhìn bề ngoài thì cây cối um tùm thế thôi, nhưng đi vào sâu một tí thì chẳng còn cây nào”, anh T. chỉ tay về phía xa nói.

Men theo con đường mòn hằn sâu vết bánh ô tô cỡ nhỏ mà anh T. giải thích là do xe chở gỗ gây ra, đi sâu chừng 2km về phía Bắc Giang, trước mắt chúng tôi là một khung cảnh tan hoang, trơ trọi. Những gốc cây bị chặt hạ sát đất, lộ màu xám bạc của đất đá. “Trước đây, cả dãy núi này thuộc rừng phòng hộ. Nhưng vài năm trở lại đây biến thành rừng trồng hoặc đất trống đồi núi trọc bởi nạn phá rừng vô tội vạ của người dân sống trong khu vực”, anh T. nói.

Theo lời anh T., đấy chỉ là một phần nhỏ của nạn phá rừng nơi đây. Hơn 3.000 ha rừng phòng hộ nằm ở thôn Chân Hồ và Tân Tiến đang bị tàn phá một cách nghiêm trọng. Rừng bị chặt hạ, phá hoại, thậm chí người dân đốt cháy cả một ngọn đồi không hề thương tiếc để trồng cây nguyên liệu. Do nhu cầu chống lò của các mỏ than tăng cao nên bạch đàn được chọn làm cây trồng chủ lực. Chỉ cần trồng một vài năm là có thể thu hoạch ngay vài chục triệu đồng/ha.

Là rừng phòng hộ hơn chục năm nay, các loại cây đều đạt kích cỡ khá lớn, chủ yếu là bạch đàn, keo và một số loại cây gỗ tạp có đường kính từ 20-40cm. Việc phá rừng phòng hộ còn đem lại cho người dân một khoản thu nhập kha khá trước khi trồng cây lượt mới. “Tính sơ qua, mỗi khối gỗ tạp kia cũng vài trăm nghìn đồng, tính ra mỗi héc ta rừng phòng hộ họ cũng bán được lên đến vài trăm triệu. Gỗ bị chặt hạ chủ yếu bán làm dăm gỗ hoặc bán cho các lò vôi trong vùng. Vì món hời này, người dân lũ lượt kéo nhau đi phá rừng. Ai có sức đến đâu thì phá đến đấy”, anh T giải thích.

Kiểm lâm không biết

Dẫn tôi đi sâu hơn vào thôn Tân Tiến, thôn có diện tích rừng phòng hộ lớn nhất huyện nằm giáp với tỉnh Bắc Giang. Đây là điểm nóng của nạn phá rừng vô tội vạ diễn ra nhiều năm nay. Đi trên con đường bê tông để qua tỉnh lộ 293 (đoạn đi qua thôn Tân Tiến), nhìn xung quanh đâu cũng thấy những ngọn đồi trọc lóc nằm trơ trọi hai bên đường. Những khoảnh rừng bị cháy sém, để lại những vạt đất đen kịt còn vương mùi khói.

“Tất cả rừng ở đây đều thuộc về Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đông Triều, họ giao đất, giao rừng cho các hộ dân sống trong vùng để sản xuất. Không chỉ rừng sản xuất mà họ cũng giao luôn rừng phòng hộ. Ban đầu, chỉ một vài người lấn thêm đất rừng phòng hộ để mở rộng diện tích nhưng không thấy ai hỏi han gì nên càng ngày họ càng ồ ạt thi nhau phá”, anh T. nói.

Tàn phá rừng phòng hộ ảnh 1

Hàng trăm héc ta rừng phòng hộ bị chặt phá, đốt trụi để trồng cây nguyên liệu.

Gặp một người đàn ông đang vác củi từ trên đồi đi xuống, chúng tôi bắt chuyện và ngỏ ý muốn tìm mua gỗ về làm cốp-pha. Người này hỏi lại: “Mua được giá bao nhiêu và cần mấy khối?”. Sau một hồi trò chuyện mới biết, nếu cần số lượng lớn thì ông phải đi thuê thêm người và giá cao hơn bình thường vì phải khai thác sâu hơn, công vận chuyển gần bằng giá gỗ. “Có đi hỏi ở đâu cũng vậy, vì rừng phòng hộ hai ven đường dân đã chặt hết gỗ để trồng bạch đàn”, ông nói.

Sau nhiều ngày đi thực tế về tình trạng phá rừng phòng hộ tại xã An Sinh, chúng tôi tìm đến UBND xã An Sinh để tìm hiểu sự việc. Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Phạm Duy Khiêm, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã, nói: “Chúng tôi đang có đoàn kiểm tra nên cán bộ chuyên trách đang phải đón tiếp và dẫn đoàn đi khảo sát lại diện tích rừng. Sau khi kiểm tra, khảo sát chúng tôi mới đưa ra con số cụ thể. Còn việc cấp đất, cấp rừng thì các anh phải hỏi lâm trường hoặc kiểm lâm”.

Tàn phá rừng phòng hộ ảnh 2

Có hàng chục quả đồi “trọc lóc” vì nạn chặt phá rừng vô tội vạ.

Sau nhiều lần đến trụ sở và gọi điện đặt lịch cho Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đông Triều, chúng tôi mới tiếp cận được vị này. Theo Hạt trưởng Phạm Văn Triển, việc giao đất, giao rừng thuộc về trách nhiệm của lâm trường và của thị xã. “Chúng tôi chỉ là đơn vị quản lý nhà nước, việc cấp rừng không phải do chúng tôi. Mà theo báo cáo, chỉ có 35,8 ha rừng phòng hộ bị chuyển đổi chứ không nhiều như các anh chị nói”, ông Triển phân trần.

Trong khi đó, Hạt phó Ngô Đức Hậu, nói: “Tôi không hiểu tại sao bên trên lại quyết định đây là rừng phòng hộ. Theo các quy chuẩn thì toàn bộ khu này không đủ điều kiện để công nhận là rừng phòng hộ. Hơn nữa, rừng này chả có tác dụng gì cho Đông Triều mà đa số là cho Bắc Giang”. Sau đó, vị quan chức này đưa ra một loạt chứng cứ, luận điểm cho rằng hơn 3.000 ha rừng phòng hộ tại Đông Triều không đủ tiêu chí gọi là rừng phòng hộ.

Tàn phá rừng phòng hộ ảnh 3

Những mảng đất rừng bạc thếch do người dân tự ý chặt phá rừng phòng hộ.

Sau khi được phóng viên cho xem những hình ảnh về cảnh rừng bị tàn phá nghiêm trọng, cả Hạt Kiểm lâm mới lục đục kéo nhau lên xe để nhờ phóng viên dẫn vào chỉ tận nơi. Ông Triển chỉ tay về phía cánh rừng bị đốt trụi còn nguyên tro và cho rằng đây là 1 trong 3 điểm mà lâm trường có báo cho Hạt về việc giao đất cho 7 hộ dân khai thác. Sự việc này đã được Hạt làm báo cáo gửi lên cấp trên.

Theo chân phóng viên, đoàn công tác của Hạt Kiểm lâm cũng ngớ người khi càng vào sâu, rừng bị tàn phá càng nặng nề. Ông Triển còn thú thực không nghĩ là nhiều chỗ bị phá như vậy. “Chúng tôi sẽ cho anh em dùng máy chuyên dụng để đo cụ thể diện tích mà người dân đã tự ý chuyển đổi và cả diện tích rừng của 7 hộ dân được lâm trường giao đất sản xuất để báo cáo cụ thể”, ông nói.

“Tôi không hiểu tại sao bên trên lại quyết định đây là rừng phòng hộ. Theo các quy chuẩn thì toàn bộ khu này không đủ điều kiện để công nhận là rừng phòng hộ. Hơn nữa, rừng này chả có tác dụng gì cho Đông Triều mà đa số là cho Bắc Giang”

Hạt phó Hạt Kiểm lâm Đông Triều Ngô Đức Hậu

 Sự việc người dân tự ý chặt phá, đốt rừng phòng hộ để trồng cây nguyên liệu xảy ra ở Đông Triều rất nghiêm trọng, ảnh hưởng tài nguyên môi trường. Đây là hành vi vi phạm pháp luật về việc quản lý, sử dụng đất rừng.
MỚI - NÓNG