160 năm Pháp tấn công Đà Nẵng. Kỳ 1:

Thêm hiện vật “giải mã” về một cuộc chiến

Nhà nghiên cứu Hồ Trung Tú bên tấm bản đồ chiến sự Đà Nẵng 160 năm về trước. Ảnh: Nguyễn Thành
Nhà nghiên cứu Hồ Trung Tú bên tấm bản đồ chiến sự Đà Nẵng 160 năm về trước. Ảnh: Nguyễn Thành
TP - Bảo tàng lịch sử Đà Nẵng vừa mới bổ sung trưng bày 2 hiện vật quan trọng liên quan  đến cuộc chiến bảo vệ của quân và dân triều Nguyễn cách đây 160 năm. Từ hai hiện vật quý này, câu chuyện về những năm đầu kháng Pháp giúp người xem có thêm cái nhìn mới với bằng chứng cụ thể về của cuộc chiến bảo vệ chủ quyền trước đội quân viễn chinh hùng mạnh.  

Món quà quý

Tầng 2 của Bảo tàng Đà Nẵng, có một gian trưng bày về cuộc kháng chiến chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha thời kỳ 1858 - 1860 thu hút đông đảo người xem. Bên cạnh những bức vẽ của người Pháp về những trận đánh chiếm, về thành Điện Hải, về binh lính của họ những ngày đầu của cuộc xâm chiếm là tấm sắc phong Thử thủ thành Điện Hải đã hoen ố. Ngoài trưng bày tại đây, để giới thiệu về bức sắc phong quý giá này, bảo tàng đã sao chép nhiều bản nhằm phục vụ việc tuyên truyền, giáo dục cho giới trẻ thành phố về truyền thống lịch sử.

Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử thành phố Đà Nẵng cho biết: “tấm sắc phong Thử thủ thành Điện Hải là một tư liệu hiếm và hết sức quý giá”. Cơ duyên và số phận của bức sắc phong này cũng ly kỳ và huyền bí như chính nội dung của nó. Không rõ vì lý do nào, sắc phong này lưu lạc đến tận Nam Định. Ông Tiếng kể, từ năm 2009, ông Bùi Văn Quang, một chuyên gia nghiên cứu cổ vật ở Nam Định đã mua được tấm bản đồ này tại chợ Viềng. Ba năm sau, trong dịp vào Đà Nẵng xem lễ hội pháo hoa ông Quang đã mang theo sắc phong này và hiến tặng tấm sắc phong cho bảo tàng Đà Nẵng.

Thêm hiện vật “giải mã” về một cuộc chiến ảnh 1 Sắc phong Thử thủ thành Điện Hải trưng bày tại bảo tàng Đà Nẵng Ảnh: Nguyễn Thành

Tấm sắc phong không còn lành lặn nhưng dấu ấn “Sắc Mạng chi bảo” vẫn còn đỏ chót, y nguyên với nội dung: “Sắc thần Cơ doanh, Tiền vệ, Nhật đội, Cai đội Tông…tùng bộ vụ hữu công trạng tư Binh Bộ nghị bổ đề chuẩn nhi thăng Thư Điện Hải Thành Thủ úy…thuộc biền binh tùng cai quản viên kỷ chư công vụ phụng hành nhược khuyết chức phất kiền minh chương cụ tại…Minh Mạng nhị thập nhất niên thất nguyệt nhị thập tứ nhất” (Tạm dịch nghĩa: sắc phong Cai đội, Đội nhất, Vệ tiền Doanh Thần Cơ Tông…có công trạng truy bắt tội phạm, tư cho Bộ Binh nghị bàn chuẩn chi thăng viên này làm Thự Thành Thủ úy thành Điện Hải…thuộc biền binh, cùng viên cai quản các công vụ tuân phụng thi hành, nhược bằng sai sót chức vụ, không cung kính làm rõ…Minh Mạng năm thứ 21, tháng 7 ngày 24”. Người được phong chức trong sắc phong là một người thuộc dòng họ Tôn thất, tên đã bị khuyết.

“Có thể thời Pháp thuộc, gia đình của người được vua ban sắc phong họ không muốn lộ tung tích của người đã từng tham gia vào các chiến cuộc 1858 - 1860 và đánh thắng Pháp nên đã làm khuyết mất tên tuổi”, ông Tiếng nhận định.

Theo ông Tiếng nếu nói về ngôn ngữ hiện nay, đây là một quyết định bổ nhiệm một hạ sỹ quan quân đội. Chức Thử thủ thành Điện Hải là chỉ huy một lực lượng vệ binh thường trú tại thành này. Qua sắc phong này, là một bằng chứng hiếm hoi mà chúng ta còn giữ được để khẳng định thành điện Hải từ triều Nguyễn thường xuyên được quan tâm và có lực lượng bố phòng nhất định ở khu vực này. Cùng với những cứ liệu, có thể nói sắc phong này có ý nghĩa hết sức quan trọng để dần giải mã về công cuộc chiến đấu của quân dân Đà Năng, quan quân triều Nguyễn của 160 năm về trước.

Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho biết:  Việc bảo tàng có được tấm sắc phong Thủ thủ thành Điện Hải và bản đồ chiến sự Đà Nẵng 1858 - 1860 làm phong phú thêm kho tàng tư liệu hình ảnh, hiện vật cho bảo tàng. Ngoài phục vụ nhu cầu tham quan của du khách, đây sẽ là những tư liệu quý giá để phục vụ cho hoạt động giáo dục giới trẻ về truyền thống đấu tranh bảo vệ chủ quyền của cha ông một cách sinh động nhất”.  

Bản đồ chiến sự độc nhất
Tháng 9/2013, tại hội thảo “Vai trò Nguyễn Tri Phương trên mặt trận Đà Nẵng trong kháng chiến chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha 1858 - 1860” nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử có mặt tại hội nghị hết sức ngỡ ngàng khi nhà nghiên cứu Hồ Trung Tú công bố tấm bản đồ chiến sự tại Đà Nẵng 1858 do ông sưu tầm được từ thư khố Viện Viễn Đông Bác Cổ ở Paris, một tấm bản đồ với tên tiếng Pháp là “Positions de Tourane”, tức “Vị trí Đà Nẵng”, với dòng chú thích bằng tiếng Pháp nghĩa là “Bản đồ Đà Nẵng tìm được trong nhà một ông quan ngày 15/9/1859”. Tấm bản đồ gốc đầy đủ vừa được bảo tàng Đà Nẵng sưu tầm trưng bày.

Theo giải thích của nhà nghiên cứu Hồ Trung Tú, điểm đặc biệt quý giá của tấm bản đồ này là qua đó hình dung được thế trận quân và dân Đà Nẵng chống lại quân xâm lược, các chiến hào, công sự, thành, đồn... đã được đánh dấu và mô tả khá rõ. Điểm đặc biệt quan trọng là bản đồ giúp nhận ra các địa danh Đà Nẵng xưa. Có hơn 100 chú thích nhưng gần 80% số đó là chú thích vị trí các đồn, thành, trạm, lũy, điếm canh, vọng lâu, hào, nhà tù, công quán, tuần binh... tức các vị trí quân sự. Hầu như toàn bộ Đà Nẵng xưa là thành lũy, chiến hào chiến đấu.

Ông Hồ Trung Tú chia sẻ, chiến sự 1858 - 1860 là một cuộc chiến vĩ đại, khi liên quân Pháp - Tây Ban Nha đổ bộ vào Đà Nẵng với lực lượng gần 3.000 quân nhưng giằng dai ở Đà Nẵng gần 1 năm rưỡi không chiếm được. Nhưng sau đó vào Đông Nam bộ hay ra Bắc thì trong vòng 1 tháng chiếm hầu như toàn bộ. Trong một năm rưỡi đó, liên quân Pháp với những vũ khi rất hùng hậu đi dọc bờ sông Hàn và liên tục bắn lên trên bờ. Sau khi liên quân đánh sập thành Điện Hải toàn bộ lực lượng dân quân lùi về các phòng tuyến. Nếu mất phòng tuyến 1 thì lui về phòng tuyến 2, mất phòng tuyến 2 thì lui về phòng tuyến 3 như thế nào, bản đồ vẽ rất rõ. Cái hay là tấm bản đồ người xem có thể thấy được toàn bộ hệ thống phòng tuyến của ta cũng như tàu thuyền liên quân bài bố trên biển.

“Hiện nay, đây tấm bản đồ duy nhất do người Việt vẽ chiến sự Đà Nẵng 1858 - 1860. Lâu nay giới nghiên cứu tìm hiểu về cuộc chiến này chỉ có chữ viết và tư liệu của cuốn Đại Nam Thực lục của nhà Nguyễn cùng những tư liệu của quân Pháp ghi lại. Tuy nhiên có tấm bản đồ này thì hình dung mọi chuyện rõ hơn rất nhiều”, ông Tú cho biết. Tấm bản đồ rất sát với thực tế địa hình Đà Nẵng, theo ông Tú có thể vị quan An Nam đã lên núi Phước Tường và đỉnh núi Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn quan sát, nghiên cứu kỹ trước khi đặt bút vẽ tấm bản đồ hết sức tỷ mỷ và chi tiết, rõ ràng.

(còn nữa)

MỚI - NÓNG