Nghệ An khô hạn nặng

Nghệ An khô hạn nặng
TP - Thực trạng thiếu nước gay gắt đang làm cho diện tích lúa chưa thu hoạch trên địa bàn tỉnh Nghệ An khó phát triển.

> Khát nước trên 'cổng trời'
> Dân thiếu nước sinh hoạt trầm trọng

Nhiều công trình thủy lợi trên địa bàn huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) cạn khô và hư hỏng
Nhiều công trình thủy lợi trên địa bàn huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) cạn khô và hư hỏng.

Mặc dù lúa đông - xuân chưa đến kỳ thu hoạch, nhưng nhiều nơi ở Nghệ An có nguy cơ thiếu nước gây ảnh hưởng đến quá trình sản xuất lúa của bà con nông dân. Riêng địa bàn huyện Quế Phong có 400 ha lúa bị khô hạn.

Một số địa bàn bị khô hạn nặng như: xã Mường Nọc, xã Tiền Phong. Để sản xuất lúa, bà con phải làm guồng quay, nhưng nước quá ít nên không có hiệu quả. Ngoài ra, Quế Phong còn có 200ha mía cũng bị khô héo vì thiếu nước, nếu nắng hạn tiếp tục kéo dài, có nguy cơ mía chết đồng loạt.

Tại vùng núi Kỳ Sơn, khô hạn còn làm đảo lộn cuộc sống người dân. Tại bản Xiêng Tắm, xã biên giới Mỹ Lý khô hạn đến mức các em học sinh đi học không cần phải đi đò nữa mà dắt xe lội qua khe suối không hề hấn gì. Xã Mường Lống có độ cao hơn 1.500 m so với mực nước biển dịp này cũng khô hạn nặng.

Ông Lầu Giống Cải, Chủ tịch UBND xã Mường Lống cho biết, có trên 830 hộ, hơn 4.100 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, đời sống còn nhiều khó khăn.

Ngay ở khu vực trung tâm xã vẫn bị thiếu nước, bà con phải đi xa mới có nước để cõng về sử dụng cho việc sinh hoạt hằng ngày. Hầu hết các gia đình ở Mường Lống tuy có đất nông nghiệp nhưng đành bỏ hoang, và chỉ trông chờ vào gạo cứu đói của Nhà nước.

Được biết, huyện Kỳ Sơn đã có kế hoạch xây dựng và sửa chữa các công trình nước sạch theo nguồn vốn từ Chương trình 135/CP, nhưng với điều kiện của huyện biên giới Kỳ Sơn, gần như xã nào cũng “khát” nước về mùa này nên việc đầu tư một lúc cho các xã là rất khó, vì bà con các bản làng sống rải rác.

Theo báo cáo của Chi cục Thủy lợi Nghệ An, nếu thời điểm này của năm ngoái, toàn tỉnh Nghệ An có 25/50 hồ lớn do các doanh nghiệp quản lý vẫn còn đầy nước thì năm nay chỉ còn 7 hồ. Có 32 hồ còn 70% dung tích thiết kế; 10 hồ chỉ còn 50 đến dưới 70% dung tích, số còn lại dưới 50% dung tích.

Các hồ đập do địa phương quản lý (600 hồ đập), mức nước chỉ còn lại khoảng 60%. Mực nước sông Lam và các sông khác đều ở dưới mức trung bình so với hàng chục năm qua. Không ít đoạn trên dòng sông Lam đã bị phơi đáy.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG