21 người chết, mất tích do mưa lũ

Ảnh; Internet
Ảnh; Internet
TP - Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai cho biết, đến chiều 20/7, mưa lũ đã làm 21 người chết, mất tích ở Yên Bái và Thanh Hóa. Trong đó, có 10 người chết (Yên Bái 8 người, Thanh Hóa 2 người); mất tích 11 người (Yên Bái 9 người và Thanh Hóa 2 người).

Theo Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), đến chiều 20/7, mưa lớn đã làm trên 500 hồ chứa nhỏ (trong số gần 2.700 hồ chứa) ở khu vực phía Bắc đầy nước, chủ yếu ở Hòa Bình, Lào Cai, Hà Giang. Khu vực phía Bắc cũng có gần 140 hồ nước xung yếu tiềm ẩn nguy cơ rủi ro khi tiếp tục có mưa. Ở Bắc Trung bộ, đến nay gần 950 trong số gần 1.800 hồ chứa nhỏ đã đầy nước (Thanh Hóa 370 hồ, Nghệ An 431 hồ và Hà Tĩnh 142) phải xả tràn và tới 95 hồ xung yếu nằm rải rác các địa phương nói trên, cần theo dõi đặc biệt.

Theo ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng Cục trưởng Thủy lợi, mưa lũ đã gây ra sự cố ở đập Lim (xã Ðồng Thành) và đập Lùng (xã Thịnh Thành), thuộc huyện Yên Thanh, Nghệ An.

Ông Tỉnh cũng lưu ý, tại Quảng Trị, công trình đầu mối Nam Thạch Hãn (bị sự cố xói hạ lưu tràn từ năm 2016) và đập hồ chứa nước Triệu Thượng 2 (bị sự cố sạt trượt mái hạ lưu đập năm 2017), cần theo dõi sát diễn biến an toàn, sẵn sàng triển khai phương án ứng phó thiên tai của công trình.

Lãnh đạo Tổng cục Thủy lợi cũng đề nghị các địa phương xem xét hạ thấp mực nước các hồ chứa nước có cửa van xuống mức chủ động đón mưa, lũ, bảo đảm an toàn công trình và không xả lũ bất thường làm ảnh hưởng đến vùng hạ du. Cùng đó, cần xả nước khẩn cấp ở các hồ chứa có nguy cơ xảy ra sự cố. Sẵn sàng triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân vùng hạ du đập.

Nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất và lũ quét ở Nghệ An, Thanh Hóa và vùng núi phía Bắc, đặc biệt các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Ðiện Biên, Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh. Còn nhiều nơi thuộc tỉnh Hòa Bình và Yên Bái nguy cơ được xếp mức đặc biệt cao.

MỚI - NÓNG