Tan hoang rừng đầu nguồn biên giới Việt-Lào

Rừng đầu nguồn biên giới bị tàn phá
Rừng đầu nguồn biên giới bị tàn phá
TP - Hàng trăm mét khối gỗ bị đốn hạ tại rừng đầu nguồn biên giới, vụ việc được phát hiện hơn nửa năm nhưng các cơ quan chức năng cấp tỉnh không biết.

> Khi kiểm lâm hộ tống lâm tặc

Những ngày cuối tháng hai, Văn phòng thường trú báo Tiền Phong tại Hà Tĩnh liên tiếp nhận được điện thoại của người dân huyện Hương Sơn cho biết, cả trăm khối gỗ quý đang được tập kết ngổn ngang tại Trạm kiểm soát Biên phòng Đá Gân, thuộc Đồn Biên phòng 565, Hạt kiểm lâm Hương Sơn và tại Trạm kiểm soát Sơn Lĩnh. (Xem thêm ảnh).

La liệt điểm tập kết gỗ

Từ thị trấn Hương Sơn ngược về phía Khu kinh tế Cửa khẩu Cầu Treo đến xã Sơn Hồng khoảng 40km nhưng phải đi hàng giờ đồng hồ vì sương mù mịt.

Vừa qua địa bàn xã Sơn Lĩnh, nơi có Trạm kiểm soát lâm sản Sơn Lĩnh thuộc Hạt Kiểm lâm Hương Sơn, một đống gỗ tấm và lóng chất cao vài mét, kéo dài gần 50 m nằm ngổn ngang bên đường, phía trước trạm.

Đi sâu thêm khoảng gần chục ki lô mét đến Trạm kiểm soát Biên phòng Đá Gân, đóng tại xã Sơn Hồng, nằm trong vùng biên giới Việt-Lào.

Có 2 chiếc xe vừa chở gỗ từ trong rừng ra đang dùng máy tời đưa gỗ xuống, chiếc sào chắn được hạ xuống để ngăn không cho người lạ và xe vào bên trong.

Tại trạm kiểm soát này, một đống gỗ to khoảng gần 40m3 nằm hai bên vệ đường và phía trong trạm.

Tại đây, các cán bộ biên phòng cho biết, gỗ bị chặt hạ trong rừng biên giới sát nước bạn Lào. “Phải đến hàng trăm khối. Mưa gió thế này chưa biết đến bao giờ mới đưa hết số gỗ trong rừng ra”, một chiến sỹ cho biết.

Gỗ chủ yếu được đốn hạ tại các tiểu khu 2, 12, 22 và 21 thuộc rừng đầu nguồn biên giới khe Sinh, xã Sơn Hồng, huyện Hương Sơn, do Cty Lâm nghiệp và Dịch vụ Hương Sơn quản lý.

Từ Trạm kiểm soát Đá Gân để vào được tiểu khu 2, nơi đang tập trung gỗ nhiều nhất phải gần 15km đường rừng. Giữa trưa, vùng biên giới lạnh tê người, trời mưa mù mịt.

Vừa đi cách trạm khoảng 5km, ngay bên đường, từng đống gỗ được lâm tặc phủ lá cây tập kết. Lần theo những vết trượt do gỗ để lại, chúng tôi luồn rừng đi sâu vào khoảng hơn 100 m.

Tại đây, gỗ nằm ngổn ngang, khắp các phía là những con đường nhỏ rộng hơn 1 m do lâm tặc mở ra để vận chuyển gỗ từ trên núi xuống đường. Càng đi sâu vào rừng, càng dễ thấy gỗ nằm la liệt dọc các con đường.

Tại tiểu khu 2, sát biên giới Lào, ngay mép đường một chiếc lán được lâm tặc dựng lên, gỗ thanh, gỗ lóng nằm dọc hai hành lang đường được phủ lá cây phía trên.

Nhìn qua, rất khó phát hiện gỗ được tập kết tại khu vực này, bởi hai bên rừng cây âm u như chưa có sự tác động của con người.Đi sâu khoảng 30 m nữa, trước mắt chúng tôi như một đại công trường, gỗ ngổn ngang nằm chồng lên nhau từng đống.

Dầu nhớt từ các máy cưa thải ra làm đen ngòm cả khu vực, dây thép tời gỗ vứt lẩn bên trong bùn. Bên cạnh các gốc gỗ táu vừa bị đốn hạ là những gốc cây bị đốn trước đây đã mọc rêu, các gốc có đường kính từ 40 đến 70cm.

Các phiến gỗ lâm tặc vứt từng đống ven các gốc cây. Theo quan sát của chúng tôi, để đốn hạ được một cây, lâm tặc phải đốn hạ 3 đến 4 cây gỗ xung quanh.

Men theo một con đường do lâm tặc mở để vận chuyển gỗ ra, đi sâu vào khoảng 400 m, chúng tôi bắt gặp hàng chục gốc táu, dổi bị chặt trơ gốc. Nhiều cây bị đốn hạ nằm chắn ngang đường.

Tại bốn tiểu khu 2, 12, 22 và 21 có 5 điểm lâm tặc tập kết gỗ. Tại mỗi điểm tập kết có 3 đến 5 con đường nhỏ đi sâu vào rừng.

Vắng bóng kiểm lâm

Thu hồi gỗ bị lâm tặc phá
Thu hồi gỗ bị lâm tặc phá.
 

Theo quan sát của chúng tôi, tại một số điểm gỗ tập kết, lực lượng Biên phòng Hà Tĩnh đang bốc gỗ lên xe để chở về trạm.

Không có bóng dáng của lực lượng kiểm lâm. “Chúng tôi nhận lệnh của cấp trên bắt đầu tiếp cận số gỗ này từ ngày 1-3 và đang vận chuyển”, Trung uý Lê Tuấn Anh, Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh cho biết.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, từ tháng 6-2011, chủ rừng là Cty Lâm nghiệp và Dịch vụ Hương Sơn đã phát hiện gần 100 khối gỗ do lâm tặc chặt hạ tại bốn tiểu khu trên.

Tuy nhiên, đến cuối tháng 2-2012, Cty mới ra quyết định thu hồi số gỗ trên dưới sự giám sát của Hạt kiểm lâm Hương Sơn, chính quyền xã Sơn Hồng và Trạm kiểm soát biên phòng Đá Gân. Sau 2 tuần Cty đã thu hồi được 105 khối gỗ các loại.

Phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Hương Sơn Lê Ngọc Danh cho biết, lực lượng kiểm lâm Hương Sơn và Cty Lâm nghiệp và Dịch vụ Hương Sơn đang thu hồi gỗ thì ngày 1-3, lực lượng Biên phòng tỉnh này lên yêu cầu ngừng thu hồi để một mình lực lượng Biên phòng thu hồi.

Trung tá Võ Trọng Hải, Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự chỉ đạo lực lượng Biên phòng Hà Tĩnh thu hồi số gỗ trên.

“Lực lượng Biên phòng đã thu hồi được hơn 30 khối gỗ các loại. Số gỗ lâm tặc cất giấu trong rừng rất nhiều, có thể lên tới vài trăm khối. Chúng tôi đang điều tra chủ số gỗ trên là của đối tượng nào”, Trung tá Võ Trọng Hải cho biết.

Hàng trăm khối gỗ được phát hiện hơn nửa năm trời không được báo cáo và thu hồi. Vì sao lực lượng kiểm lâm và chủ rừng đang tiến hành thu hồi lại phải ngừng để biên phòng thu hồi?.

Ai là chủ số gỗ khai thác trái phép trên, vì sao lực lượng Biên phòng, kiểm lâm địa bàn, Ban quản lý Cty Lâm nghiệp và Dịch vụ Hương Sơn lại để lâm tặc triệt hạ hàng trăm khối gỗ ở rừng biên giới đầu nguồn? Những câu hỏi trên sẽ được PV Tiền Phong làm rõ trong các số báo tới.

Theo báo cáo từ Hạt kiểm lâm Hương Sơn và Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh, đến ngày 3-3, hai lực lượng này đã thu hồi được gần 140m3 gỗ từ rừng đầu nguồn biên giới. Hiện chủ nhân số gỗ trên vẫn chưa được làm rõ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG