Chiêu thức chế xăng rởm

Chiêu thức chế xăng rởm
TP - Có rất nhiều phương thức để phù phép xăng thật thành xăng rởm nhằm thu lợi nhuận khổng lồ.

> Mẫu ở cây xăng bị dân bao vây không đạt chuẩn

TS Lê Cảnh Hòa, nguyên Phó Giám đốc Cty Phụ gia Dầu mỏ cho biết, các chiêu thức biến xăng thật thành xăng rởm đều dễ thực hiện. Cụ thể để giảm giá thành thực tế, tăng lợi nhuận khi bán ra, cơ sở kinh doanh có thể pha cồn vào xăng với hàm lượng cao khoảng 15, 20%.

Về tính chất hóa học, cồn có thể hòa tan trong xăng nên khi pha trộn hai hóa chất này không thể phát hiện bằng mắt thường.

“Để tăng lợi nhuận hơn nữa, người ta có thể không sử dụng loại cồn tinh khiết mà dùng cồn nồng độ thấp khoảng 70, 80%. (thường có màu trắng đục và giá thành cực rẻ)”.

Tuy nhiên, chiêu thức này chủ yếu được sử dụng ở miền Nam bởi cồn pha vào xăng với hàm lượng cao, trong điều kiện thời tiết lạnh sẽ bị tách lớp.

Hiện nay, tiêu chuẩn VN chỉ cho phép 3-5% cồn trong xăng. Nếu cho cồn với hàm lượng cao khoảng 15-20%, với thế hệ động cơ xe mới, sẽ bị hư hại hệ thống máy móc và đường dẫn.

Một chiêu thức khác là pha xăng A83 với xăng A92 để được xăng A86 hoặc A87. Từ đó pha thêm cồn ở một hàm lượng nhất định sẽ được xăng có RON 92 bởi cồn có trị số octan lên tới 110, 120. Một cách nữa là pha trực tiếp xăng A83 vào xăng A92.

Tuy nhiên, xăng A83 có màu vàng, khi A92 lại có màu xanh, nên để tạo màu chuẩn giống xăng A92, người ta có thể cho thêm một loại bột màu.

Để các sản phẩm xăng, dầu bị phù phép như trên có thể bán ra thị trường, theo TS Hòa phải có sự “hợp tác” giữa đơn vị cung cấp và cơ sở phân phối, bán lẻ xăng dầu bởi thực tế việc xăng pha tạp chất sẽ dễ dàng bị phát hiện nếu được kiểm tra đúng nguyên tắc.

Là người từng công tác nhiều năm tại Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an) với chức vụ Phó viện trưởng, PGS.TS Hoàng Mạnh Hùng cho hay, thực tế từ những vụ án liên quan có thể rút ra rất nhiều phương thức khác nhau để biến xăng thật thành rởm.

Ông Hùng đưa ra một số chiêu thức như pha dầu hỏa hoặc các hỗn hợp chất tương tự vào xăng. Do dầu hỏa có nhiệt độ sôi cao hơn xăng nên khi pha vào xăng ở hàm lượng thấp, xe vẫn có thể chạy bình thường. Một chiêu thức khác là cho thêm vào xăng một số chất oxygenat như MTBE để nâng chỉ số octan.

Ông Trần Minh Dũng, Chánh thanh tra Bộ Khoa học & Công nghệ cho hay, đợt tổng kiểm tra xăng dầu trên toàn quốc (bắt đầu từ tháng 6) sắp kết thúc. “Cuối tháng 8, các tỉnh thành trong cả nước sẽ gửi báo cáo về để tổng hợp. Dự kiến trong tháng 9 sẽ công bố kết quả”, ông Dũng nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG