Ám ảnh những chuyến xe du lịch 'tử thần'

Ám ảnh những chuyến xe du lịch 'tử thần'
TP - Vụ tai nạn giao thông (TNGT) thảm khốc trên chuyến du lịch định mệnh của các giáo viên, thân nhân trường tiểu học số 2 (Hòa Phước, Hòa Vang, TP Đà Nẵng) dấy lên cảnh báo về thực trạng hợp đồng du lịch nhiều bất cập, ẩn họa trong mùa cao điểm du lịch hiện nay.

> Tai nạn thảm khốc ở Khánh Hòa: Xé lòng người ở lại
> Xé lòng đón các thi thể giáo viên gặp nạn

Tiền nào của nấy

Sau 3 năm tích góp (mỗi người đóng 100 ngàn đồng/tháng), thầy cô trường tiểu học số 2 Hòa Phước mới có được chuyến du lịch hè. Nhưng ai nấy chưa kịp đi hết hành trình.

Ngày 7/6, chiếc xe 43S 6420 của Cty TNHH Du lịch và dịch vụ Hoàng Hải Tùng (Đà Nẵng) đâm vào vách đá trên đoạn đường Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) khiến gần 30 người thương vong. Trong đó 6 giáo viên và người thân tử nạn.

Thầy Trần Sơn, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết trước khi tổ chức, trường mời các hãng du lịch chào giá. Nhiều đơn vị báo giá trọn gói tour Đà Nẵng- Nha Trang- Đà Lạt, nhưng riêng Cty Hoàng Hải Tùng có giá “mềm” hơn 100 ngàn đồng/người (khoảng hơn 2,6 triệu đồng/người-PV).

Thấy điều kiện đi lại, lưu trú khá tương đồng, nhà trường đồng ý. Sáng 3/6, xe chạy từ Cẩm Lệ vào Miếu Bông (Hòa Phước) đón hơn 30 người nhưng chỉ bố trí xe 24 chỗ ngồi, chật cứng. Mọi người phản ứng, đơn vị này mới miễn cưỡng đổi xe giường nằm, nhưng yêu cầu mỗi người trong đoàn đóng thêm 250.000đồng.

Tính ra giá tour nâng lên tổng cộng 2.850.000 đồng/người. Tưởng rẻ, nào ngờ lại đắt hơn vài giá. “Nhưng cái giá đắt nhất, đó là cái chết đau lòng của các giáo viên, người thân, cũng như những thương tật mà nhiều thầy cô giáo phải gánh chịu suốt đời”, thầy Sơn ngậm ngùi.

Thầy Phan Sĩ Tuấn, Hiệu trưởng trường THCS bán trú Lê Văn Tám (xã Ba, Đông Giang, Quảng Nam), kể: Trường vừa tổ chức chuyến thăm quan, dã ngoại tại Bà Nà (Đà Nẵng) cho cán bộ giáo viên. Cty Hoàng Hải Tùng đến chào giá “mềm” hơn.

Tuy nhiên, “tiền nào của nấy”, khi trực tiếp tham gia mới thấy cung cách phục vụ không chu đáo. Tôi linh cảm có điều chi đó không lành. Theo thầy Nguyễn Tấn Sĩ, Hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng (Tam Kỳ, Quảng Nam), trường mới đi du lịch Đà Lạt về.

Khúc cua xe chở đoàn du lịch trường tiểu học số 2 Hòa Phước gặp nạn rất nguy hiểm, sáng sớm sương mù dày đặc. Nếu tài xế không kinh nghiệm, phương tiện không đảm bảo dễ dẫn đến hậu quả khó lường.

Ở thời điểm xảy ra tai nạn, bằng lái xe của tài xế Nguyễn Hải chưa được tìm thấy. Ông Nguyễn Hương, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Đà Nẵng, cho hay: Chưa có kết luận chính thức về vụ tai nạn thảm khốc này, nhưng ngày xảy ra tai nạn (7/6), xe 43S 6420 hết hạn lưu hành phải có mặt ở trung tâm để kiểm định.

Đúng ra, Cty du lịch khi huy động xe phải tính đến điều này để hạn chế các nguy cơ kỹ thuật có thể phát sinh. Lãnh đạo Phòng Quản lý vận tải - phương tiện (Sở GTVT Đà Nẵng) xác nhận: Điều tra ban đầu, xe 43S 6420 hết hạn thiết bị giám sát hành trình. Cty Hoàng Hải Tùng chưa đóng cước quản lý và không trình được password (mật khẩu) để báo tốc độ hành trình của chiếc xe này.

Khó quản

Theo thầy Trần Sơn, đơn vị du lịch thể hiện điều kiện hợp đồng chung về ngày, giờ, giá cả... mà không rõ các quy định về phương tiện, đội ngũ tài xế có đảm bảo hay không. Khi lên xe rồi mọi chuyện hầu như phó mặc. Đây là kinh nghiệm cần thiết cho các đơn vị muốn hợp đồng đi du lịch.

Ông Bùi Thanh Thiện, Trưởng phòng Quản lý vận tải- phương tiện, Sở GTVT Đà Nẵng, nhận định: Hệ thống giám sát hành trình trên các phương tiện rất cần thiết, bởi giám sát chặt tốc độ sẽ điều chỉnh kịp thời đối với tài xế nếu họ chạy quá tốc độ. Tuy nhiên, thực tế nhiêu doanh nghiệp lơ là vấn đề sử dụng hệ thống giám sát hành trình này.

Theo lãnh đạo Sở GTVT Đà Nẵng, nhiều Cty du lịch đều hợp đồng phương tiện với các đơn vị vận tải. Việc thỏa thuận giữa các bên chỉ bằng “niềm tin”. Bộ GTVT quy định nếu chạy đường dài trên 400km thì bắt buộc phải có hai tài xế thay nhau.

Ngành chức năng theo dõi việc này khi giám sát lộ trình, nếu suốt toàn tuyến mà không thay sim đổi thẻ ghi tên người lái vào hộp đen, sẽ bị xử phạt. Tuy nhiên, để tiết kiệm chi phí đầu vào, chào giá tour “mềm” cạnh tranh với các hãng khác, đôi khi họ không sử dụng đội ngũ tài xế đúng quy định.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:

Phải tìm ra nguyên nhân những vụ tai nạn gần đây

TP - Trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp Quốc hội sáng 11/6, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc – Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết đã giao Bộ trưởng Đinh La Thăng họp với các nhà khoa học, nhà quản lý, các cơ quan chức năng tìm ra nguyên nhân chính thức của các vụ tai nạn giao thông gần đây để có giải pháp thiết thực, cụ thể, quyết liệt hơn.

Theo Phó Thủ tướng, trước hết, phải rà soát lại việc tuyên truyền về an toàn giao thông (ATGT) đã đến với lái xe, chủ xe, người sử dụng phương tiện hay chưa? Phải tổ chức lại giao thông, gắn các thiết bị hành trình, kiểm tra thường xuyên những người sử dụng phương tiện để biết được những hành vi vi phạm. Ví dụ, lái xe khách từ 2 đến 4 giờ trong ngày phải được nghỉ, một ngày lái xe được điều khiển phương tiện bao nhiêu tiếng… phải được quy định, thực hiện nghiêm túc.

Hồng Phúc
ghi

Trả giá tour như đi chợ

Khảo sát “chợ” giá tour Cù Lao Chàm (Quảng Nam) tại các đơn vị du lịch trên địa bàn Đà Nẵng, mỗi công ty ra giá khác nhau. Ở Cty du lịch có tiếng trên địa bàn, mức giá này chỉ 520 ngàn đồng/người, nhưng ở hãng lữ hành khách, tour này đẩy giá 580 ngàn đồng/người.

Trong khi, nhiều đơn vị làm tour nhỏ chỉ phát giá trên dưới 500 ngàn đồng/người. “Khó để chọn tour đảm bảo chất lượng. Chúng tôi mới đi dọc hành trình di sản miền Trung, chọn đơn vị giá thấp hơn 500 ngàn đồng/người so với các hãng khác. Nhưng khi đi rồi mới biết mình bị ghép đoàn, ghép tour, thay đổi lịch trình liên tục”, chị Nguyễn Thị Hồng Nhưng (quê Nam Định, làm việc Cty nước ngoài tại Hà Nội) kể.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG