“Gặp gỡ Việt Nam” diễn đàn học thuật đỉnh cao

“Gặp gỡ Việt Nam” diễn đàn học thuật đỉnh cao
TP - Sáng 29/7, tại khách sạn Hải Âu trên bờ biển Quy Nhơn, 80 nhà khoa học quốc tế cùng nhiều chuyên gia trong nước chính thức khởi động “Gặp gỡ Việt Nam” IX (diễn ra từ 28/7 đến 7/8) bằng 2 hội nghị “Vũ trụ học trong kỷ nguyên Planck” và “Thuyết tương đối rộng và lực hấp dẫn”.

> Tôi không màng lên Wikipedia

Các hội nghị trên sẽ khép lại vào ngày 3/8. GS Trần Thanh Vân (Pháp) nhấn mạnh: Khác biệt lớn nhất so với những sinh hoạt khoa học quốc tế do chúng tôi tổ chức trước đây, chính là quy mô, tầm vóc của sự kiện.

Ngay ở Pháp - nơi chúng tôi có nửa thế kỷ kết nối những trí tuệ lỗi lạc của khoa học Vật lý - một cảnh tượng “nhộn nhịp” như thế này là hết sức hiếm hoi. Năm 2009, khi kỷ niệm 20 năm “Gặp gỡ Blois”, chúng tôi cũng chỉ tập hợp được 6 người đoạt giải Nobel. Và đó, đến giờ hãy còn là con số “kỷ lục”.

“Gặp gỡ Việt Nam” không chỉ là diễn đàn học thuật đỉnh cao hiếm có tại châu Á, mà còn là sự kiện khoa học lớn của cả thế giới. Từ tuần thứ 2, các nhà bác học đoạt giải Nobel sẽ xuất hiện để cùng đồng nghiệp điểm lại kết quả đặc sắc nhất của khoa học Vật lý trong năm qua; nghe bài giảng của hai nhà bác học Seldon Glashow và Klaus Von Klitzing; nghe thông báo kết quả nghiên cứu mới nhất về Vật lý hạt, Vật lý thiên văn - Vũ trụ học bắt đầu từ Big Bang (mô hình nổi bật miêu tả giai đoạn sơ khai của sự hình thành vũ trụ) cho đến nay…

Theo GS. Trần Thanh Vân - người khởi xướng “Gặp gỡ Việt Nam”, đây là dịp kiến tạo không gian cần thiết cho các nhà khoa học trên thế giới gặp gỡ, trao đổi một cách thân tình, gần gũi. Họ cần có nơi để trò chuyện với nhau; có nói chuyện được lâu thì mới nảy nở tình thân. Và đó phải là nơi phù hợp cho những bộ óc lớn nghỉ ngơi, suy tưởng. Quy Nhơn là nơi thích hợp cho điều này.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG