‘Nữ tướng’ dẹp loạn ma tuý

‘Nữ tướng’ dẹp loạn ma tuý
Đôi khi một mình vào nhà đối tượng nghiện khuyên bảo họ từ bỏ ma túy suýt bị nổi khùng, dọa đánh nhưng nhưng bà vẫn kiên trì và đã cảm hóa, giúp đỡ bao nhiêu người trong xã từ bỏ được ma túy.

‘Nữ tướng’ dẹp loạn ma tuý

> Nữ tướng cướp hoàn lương
> Đứng dậy từ Hố Sâu

Đó là bà Đặng Hồng Nhân ở xã Thủ Sỹ, huyện Tiên Lữ - Hưng Yên là một điển hình, con người dũng cảm đấu tranh với ma túy,

‘Nữ tướng’ dẹp loạn ma tuý ảnh 1

Rất nhiều người đã bị ma túy biến thành kẻ thân tàn ma dại. Rất nhiều người vì ma túy mà đã phải trả giá bằng cái chết, hoặc trong chốn lao tù. Rất nhiều người dù đã cưỡng lại, nhưng không thể đoạn tuyệt ma túy. Song, lại cũng có có những con người dũng cảm đấu tranh với ma túy, bà Đặng Hồng Nhân ở xã Thủ Sỹ, huyện Tiên Lữ - Hưng Yên là một điển hình. 

Người phụ nữ dũng cảm

Xã Thủ Sỹ có thời điểm là tụ điểm nhức nhối về ma túy, cả trăm con nghiện từ các vùng xung quanh tụ về tụ tập hút chích, buôn bán ma túy. Họ chích hút, nằm la liệt vạ vật như đống giẻ rách, rồi vứt bơm kim tiêm bừa bãi khắp chợ, bờ sông, khiến những người dân sống ở đây hết sức lo lắng về an ninh trật tự. Nhiều người lúc nào cũng nơm nớp sợ mấy thằng nghiện vào nhà, có người còn không dám cho con cái ra đường vì sợ chạm mặt đám nghiện ngập không sinh hư thì cũng tai vạ. Từ một địa điểm phức tạp như vậy, nhưng giờ đây xã Thủ Sỹ đã được trả lại sự yên bình. Anh Đào Văn Sỹ - cán bộ văn phòng xã dẫn tôi đến “vùng đất chết” một thời, vừa đi vừa trò chuyện, anh bảo: “Từ ngày có bà Nhân tuyên truyền hiệu quả, dứt khoát, đã giúp cho lãnh đạo xã tìm ra phương pháp và cùng với các cơ quan chức năng đẩy lùi tệ nạn này”.

Từng chứng kiến nhiều “vùng đất chết” xác xơ vì ma túy, và tận mắt chứng kiến vẻ thanh bình của xã Thủ Sỹ được trả lại, tôi càng cảm phục nghị lực của “nữ tướng” chống tệ nạn. Vâng, thật không ngoa khi gọi bà Nhân là “nữ tướng”, một phụ nữ, ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng thì có nhiều, nhưng dấn thân vào công việc không ai dám làm với những tình huống vô cùng khó xử thì không có nhiều. Để làm được điều đó, phải là người biết hy sinh.

Theo lời Chủ tịch UBND xã, ông Hoàn Văn Bảy, khoảng từ năm 1987 đến 2000, rất nhiều thanh niên trai tráng trong vùng không có công ăn việc làm. Nghe nói ở các vùng như Na Rì (Bắc Cạn), Quỳ Châu (Nghệ An)… có những bãi đào vàng, họ rủ nhau lên đó kiếm ăn nhưng tiền chưa thấy đâu lại “bập” vào ma túy. Biết bao nhiêu người ở các làng quê khác cũng vậy, coi những bãi vàng là “vùng đất hứa”, như là con đường để đổi đời. Khi trở về từ bãi vàng cũng có những người giàu có nhưng họ cũng mang về bệnh tật, nghiện hút và nhiều tệ nạn khác. Tiền vàng, tệ nạn, nghiện ngập… thi nhau quậy phá, khiến cho sự thanh bình của làng quê bị tước đoạt. Những “mầm họa” này làm ảnh hưởng đến các thanh niên khác, “nhân rộng” gương xấu khiến cho những nô lệ của “ả phù dung” trở thành đàn đàn lớp lớp. Có cầu thì có cung. Địa bàn xã lại trở thành nơi các đối tượng cung cấp, buôn bán chất ma túy. Thủ Sỹ thành điểm nóng ma túy trong toàn tỉnh, sinh ra kẻ tù, người tội, một số chết vì sốc thuốc. Đã có hàng chục gia đình nhúng tay vào buôn bán ma túy và cho đến thời điểm này vẫn nhiều người đang phải trả án trong tù. Không ít gia đình cả anh lẫn em đều nghiện, cả mẹ lẫn con đều buôn bán ma túy, mà điển hình là năm mẹ con của người đàn bà nổi tiếng Vũ Huệ, hiện ở trại giam Thanh Phong (Thanh Hóa).

Giữa lúc làng quê điêu đứng vì ma túy ấy thì bà Nhân xuất hiện. Vốn là một Tuyên truyền viên giỏi, hăng hái hoạt động trong Hội Phụ nữ, bà đã suy nghĩ rất nhiều để “làm sạch” tội phạm, trả lại môi trường cho thôn xóm. Nghĩ và làm là hai việc hoàn toàn khác nhau. Phải hành động thế nào là điều không đơn giản. Lãnh đạo xã, công an xã ngày đó cũng đã có các biện pháp quyết liệt, thành lập cả đội cơ động bài trừ ma túy, nhưng vẫn chưa đủ để dẹp tận gốc tệ nạn. Bà Nhân cho rằng, nhiều người nghiện cũng vì túng quẫn, cũng vì bị lôi kéo, chứ bản thân họ cũng đã nhận ra được nỗi khổ của một kẻ nghiện ngập nên nếu biết cách “đánh” sâu vào tâm lý may ra cảm phục được số đối tượng này.

Năm 2005, bà Nhân đề xuất ý tưởng thành lập Câu lạc bộ (CLB) Phòng chống tệ nạn và tội phạm xã hội, do bà Nhân làm chủ nhiệm. CLB có 29 thành viên tích cực, gồm 6 nữ, còn lại là công an viên, cán bộ Hội Nông dân. CLB có nhiệm vụ kết hợp cùng với nhân dân phát hiện những ổ, nhóm tội phạm, những đối tượng nghiện hút báo với lãnh đạo, tuyên truyền để nhân dân cùng bài trừ tệ nạn. Đặc biệt, CLB đã góp hàng trăm tin báo, trong đó có hơn 10 tin báo bắt được đối tượng truy nã. CLB cũng xây dựng 5 hòm thư, đặt rải rác trên địa bàn, để nhân dân cùng phát hiện, tố giác đến các cơ quan chức năng. Tôi hỏi: “Bà không sợ bị trả thù?”. Bà Nhân trả lời: “Nói không sợ thì cũng chẳng phải. Nhưng làm việc này phải dũng cảm, không dũng cảm không được, không rắn mặt không xong. Với lại, quan trọng hơn nữa là phải có phương pháp. Thành công hay không là ở phương pháp đúng anh ạ”.

Suýt bị “xử” vì cản đường làm ăn của người khác

Bà Nhân sinh năm 1954 ở thôn Thống Nhất. Trước đây, bà từng là công nhân ở một nhà máy chế biến đay. Do có chất giọng tốt, hát hay nên bà được cấp trên cử vào đội văn nghệ. Từ đó, bà luôn là người gây dựng phong trào ca hát của nhà máy rất sôi nổi, thường biểu diễn trong các đêm văn nghệ, kỷ niệm ở nhà máy. Nhiều năm liền bà được cử đi thi hát, giao lưu trong lực lượng vũ trang. Năm 1989, nhà máy đay giải thể, bà về tham gia Hội Phụ nữ xã, rồi tiếp tục chuyển sang làm truyền thanh xã Thủ Sỹ. Khi tham gia chống tệ nạn, bà chứng tỏ mình là người có khả năng và kinh nghiệm.

“Phương pháp” hiệu quả của bà, tưởng gì cao siêu, thực ra rất bình thường, rất gần gũi. Hàng ngày, bà Nhân cùng các cộng sự khoác “đồ nghề”, gồm chiếc loa, văn bản tuyên truyền đi đến từng xóm. Hễ thấy nhà nào có cây cao, hoặc nhà gác thì xin vào, trèo lên bắc loa. Chính bà Nhân lại đọc phát tuyên truyền, vận động bà con “nói không” với ma túy, chích hút…

Sau đó, bà lại tìm đến nhà có người nghiện hút, hoặc buôn bán để vận động. Trong số đó, có người hợp tác, người cương quyết không cho cán bộ vào. Đôi khi một mình vào nhà đối tượng khuyên bảo, cán bộ đứng bên ngoài, nhiều lần đối tượng nổi khùng, dọa đánh. Có lần, bà suýt bị một người “xử” ngay tại vườn nhà vì dám cản đường làm ăn của gã. Không ít lần bà và cộng sự lao vào điểm nóng, kết hợp bắt được đối tượng buôn bán ma túy đang chôn hàng, đem giao công an. “Chuyện đó thực ra rất tế nhị, nếu làm không khéo là “ăn choảng” ngay. Việc của chúng tôi làm ảnh hưởng đến nồi cơm nhà họ, kinh tế nhà họ, nên nếu còn giấu được là họ giấu tiệt. Còn nếu bị phát giác, không thể giấu nổi nữa thì họ mới chịu cùng chúng tôi tìm biện pháp giải quyết. Độ đó, có những người bị đưa ra ánh sáng, phải đi tù nên còn dọa nếu được ra tù sẽ tìm tôi để trả thù. Nếu là người yếu tim thì đã sợ không dám làm tiếp. Nhưng tôi cần phải tạo khí thế hơn nữa, tích cực hơn nữa”, bà Nhân nói.

Không những thế bà Nhân cũng khéo léo xin các lãnh đạo xã cho được vào các buổi họp, các hội nghị của các đoàn thể khác mà tuyên truyền, phát tờ rơi, diễn kịch. Do nhiều năm hoạt động văn nghệ, khả năng sáng tác kịch, diễn kịch và chèo của bà rất tốt, nên bà cũng coi đó là “vũ khí” để chiến đấu với các loại tệ nạn.

Về điều này, bà Nhân tiết lộ, lâu nay người ta tuyên truyền, cứ dùng các văn bản khô cứng đưa xuống, ép người ta phải theo mà không biện pháp hợp lý. Bà nói, bản thân ai cũng vậy thôi, đều là con người, có tình cảm, biết đi sâu vào tâm lý họ, làm họ xúc động thì họ sẽ thức tỉnh mà nghĩ lại những việc làm sai trái của mình. Thơ ca, hò vè, kịch… vốn dễ đi vào lòng người, đã làm được điều đó.

Nắm được thế mạnh, bà Nhân đã sáng tác cả trăm bài thơ, kịch, vè… và làm đạo diễn chương trình để tuyên truyền. Rất nhiều người đã khóc đỏ cả mắt khi thấy nhân vật trên sân khấu diễn đạt quá, làm cho sự khốc liệt của ma túy trở thành nỗi ám ảnh, đến nỗi có người tuyên bố ngay sau khi xem kịch là “cắt đứt không chơi với ma túy nữa”. Rất nhiều bài học từ thực tế, được bà Nhân “chế biến” đưa lên sân khấu, tạo được hiệu ứng ngay. Bà Nhân cho biết: “Nhìn vào thành quả của mình, CLB chúng tôi thấy vui, từ đó tạo động lực cho chúng tôi tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong công tác này”.

Thế bà có từng thất bại trước trường hợp nào? - tôi hỏi.

Có thất bại chứ. Cả một xã là điểm nóng, dù làm hết sức mình đến mấy, thì chúng tôi, những người không chuyên cũng chẳng tránh được hạn chế. Nhưng phải khẳng định, chúng tôi đã hoạt động hết “công suất” rồi.

Thành quả của những tháng ngày nỗ lực ấy, những năm gần đây xã không phát sinh trường hợp nghiện hút nào. Tình trạng trộm cắp tài sản đã bị đẩy lùi. Người dân không phải nơm nớp lo mất trộm.

Hiện nay, CLB Phòng chống tệ nạn và tội phạm xã hội Thủ Sỹ vẫn phối hợp với Ban Tư pháp của xã trong tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, giúp nhân dân có ý thức chấp hành luật pháp, không đi vào con đường tệ nạn, nghiện hút. Bà Nhân được UBND xã ghi nhận là người phụ nữ với tấm gương sáng, đáng nể, còn người dân thì vẫn ghi nhận bà là “nữ tướng dẹp ma túy”.

Theo Hải Miên
An ninh thủ đô

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG