90 năm Xô viết Nghệ Tĩnh: Can Lộc“rũ bùn đứng dậy”…

Toàn cảnh huyện Can Lộc (Hà Tĩnh)
Toàn cảnh huyện Can Lộc (Hà Tĩnh)
TP - Can Lộc (Hà Tĩnh), mảnh đất một thời là “chảo lửa” trong chiến tranh nay khoác lên mình màu xanh ngút ngàn của bưởi, cam. Đời sống người dân được cải thiện. Những ngôi làng thay da đổi thịt... 

Tháo gỡ “điểm nghẽn” nông nghiệp

Can Lộc (Hà Tĩnh), địa danh tiên phong, lá cờ đầu trong phong trào đấu tranh 1930-1931 và cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Sau ngày đất nước thống nhất, với tư tưởng “lấy dân làm gốc”, chính quyền địa phương đã có những định hướng, chiến lược giúp nông dân phát triển, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Một trong những chiến lược đưa lại chuyển biến rõ nét về kinh tế nông nghiệp là đưa ứng dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển sản xuất, tạo tiền đề cho việc giải phóng sức lao động, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Trong công cuộc đổi mới quê hương, Đảng bộ và Nhân dân địa phương đã chung sức đồng lòng, nỗ lực vươn lên, luôn trăn trở, tìm tòi những cách làm sáng tạo, hiệu quả, tiếp tục đạt kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Đó cũng chính là kết quả tất yếu của việc phát huy cao độ những truyền thống tốt đẹp của tỉnh nhà, trong đó có truyền thống Xô viết Nghệ - Tĩnh anh hùng”.
Ông Võ Hồng Hải - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tĩnh, Nguyên Bí thư Huyện ủy Can Lộc

Chuyển đổi ruộng đất, dồn điền đổi thửa, tái cơ cấu ngành nông nghiệp được Can Lộc xác định là nhiệm vụ trọng yếu, hàng đầu. Từ những đồng ruộng manh mún, nhỏ lẻ, toàn huyện phát động thí điểm mô hình ruộng đất tập trung. Mô hình có sự liên kết giữa doanh nghiệp, HTX và người dân bằng kỹ thuật công nghiệp nhằm giảm chi phí, tiết kiệm nhân lực, tăng năng suất lao động. Năm 2019, Can Lộc đã thực hiện thí điểm mô hình này tại thôn Hạ Vàng, xã Vượng Lộc với diện tích trên 8ha. Mô hình đã mang lại năng suất cao, đồng thời giảm thiểu sức lao động của người dân.

Chia sẻ về cách làm mới, bà Nguyễn Thị Liên, xã Vượng Lộc (Can Lộc) phấn khởi cho biết, những năm trước, mỗi mùa thu hoạch lúa rất vất vả do ruộng phân tán, mật độ lúa rời rạc nên rất khó khăn trong việc thuê máy. Nhưng đến thời điểm này, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, năng suất cao lại tiết kiệm được thời gian và công sức cho nông dân. “Dân giờ sướng lắm, từ thu hoạch đến gieo cấy đều có máy móc hỗ trợ. Nhờ đó mà kinh tế cũng phát triển hơn, có thời gian nghỉ ngơi, không mất sức lao động nhiều”, bà Liên vui vẻ nói.

90 năm Xô viết Nghệ Tĩnh: Can Lộc“rũ bùn đứng dậy”… ảnh 1 Mô hình trồng dưa lưới của vợ chồng anh Võ Thúc Đồng đã cho thu hoạch trên mảnh đất nông nghiệp bỏ hoang 

Thừa thắng xông lên, trong năm 2020, huyện Can Lộc căng sức dồn điền đổi thửa, chuyển đổi hàng loạt diện tích ruộng sang sản xuất tập trung trên các xã trong toàn huyện, dự tính đến năm 2025 sẽ chuyển đổi xong 5.000 ha. “Chúng tôi luôn lấy dân làm gốc, phát huy sức mạnh từ nhân dân nhằm tìm ra điểm nghẽn để tháo gỡ. Dù đưa ra chính sách nào, cũng phải đặt lợi ích cho người dân lên làm đầu”, Phó chủ tịch UBND huyện Can Lộc - Bùi Huy Cường chia sẻ. Bên cạnh cạnh cây lúa, trong những năm qua huyện Can Lộc tìm tòi nhiều hướng đi mới cho người dân bằng việc phát triển kinh tế vườn đồi. Nhận thấy một số địa phương có điều kiện thuận lợi về khí hậu, thổ nhưỡng, chính quyền nơi đây đã ưu tiên phát triển mô hình kinh tế vườn đồi trong đó cam bưởi là giống cây trồng chủ lực. Thực tế, trong gần 10 năm qua, hướng đi chiến lược đã mang lại hiệu quả cao, thay đổi diện mạo nhiều vùng quê Can Lộc.

Làm giàu từ cách mạng xanh

Tự hào về truyền thống quê hương Cách mạng, trong thời kỳ mới, các thế hệ nhân dân Can Lộc luôn đề cao ý thức, trách nhiệm xây dựng quê hương. Gắn với việc chuyển đổi, cải cách ruộng đất, ở Can Lộc đã có sự chuyển dịch nông nghiệp theo hướng từ số lượng sang chất lượng và giá trị. Đến nay, ngoài 9.000ha trồng lúa hàng năm, Can Lộc có hơn 800ha cam bưởi, thu nhập đạt 300 triệu đồng/ha; các mô hình sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao. Về với vùng Trà Sơn (Can Lộc), không ai nghĩ mảnh đất “chảo lửa” trong chiến tranh nay lại thay đổi bằng vườn bưởi, cam xanh tốt ngút ngàn. Đời sống nhân dân được cải thiện, những ngôi làng thay da đổi thịt nhờ phát triển kinh tế vườn đồi.

Tại xã Thượng Lộc, “thủ phủ” của cam và bưởi, nơi đây có tới 600 hộ dân trồng hơn 300ha. Lấy kinh tế vườn đồi làm chủ lực, trong 10 năm qua, cam và bưởi đã cho lợi nhuận lớn, bình quân mỗi năm thu trên 2.300 tấn. Nhiều hộ dân cũng trở thành tỷ phú như anh Trần Văn Thạch, chị Phan Thị Hiền mỗi năm kinh tế vườn đồi mang lại khoảng 1,5 tỷ đồng. Là một trong những hộ dân vào khai hoang trồng cam đầu tiên trên mảnh đất cằn Thượng Lộc, vựa cam của vợ chồng anh Võ Thúc Đồng (thôn Sơn Bình, xã Thượng Lộc) có tiếng cho quả ngon, thu nhập cao. Không thỏa mãn với cách làm cũ, năm 2019 anh lại rẽ hướng sang thử nghiệm mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao. Sau khi đi học hỏi tại nhiều địa phương, vợ chồng anh Đồng đã đầu tư 850 triệu đồng xây dựng hai nhà màn với tổng diện tích 1.500m2. Đặc biệt, loại cây này cũng mau chóng bén duyên với mảnh đất cằn khô, cho quả ngọt, to và đảm bảo chất lượng.

Sau 6 tháng trồng và chăm sóc, anh Võ Thúc Đồng đã thu hoạch 2 lứa đầu tiên 7.000 quả, giá bán mỗi quả dưa từ 80.000 đồng đến 120.000 đồng. Trong nửa năm vợ chồng anh Đồng thu về hơn 200 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí phân bón, giống, công chăm sóc. “Ngoài cam, bưởi là giống cây chủ lực, tôi nhận thấy dưa lưới cũng là loại quả cho thu nhập cao với thời gian ngắn ngày hơn. Hiện nay tôi đã thu hoạch 3 đợt dưa lưới đều cho chất lượng cao, được bày bán tại nhiều chuỗi cửa hàng hoa quả sạch trong tỉnh. Trong thời gian tới, chúng tôi triển khai đưa dưa lưới vào đăng ký sản phẩm Ocop”, anh Đồng hào hứng. 

   Chủ tịch UBND xã Thượng Lộc Nguyễn Xuân Diệu cho hay, bưởi và cam là cây giống chủ lực, phát triển kinh tế tại địa phương. Hằng năm, tổng thu nhập trên toàn xã đạt hơn 80 tỷ đồng. Mặc dù cam, bưởi là cây trồng cho thu nhập cao, nhưng để đảm bảo giá trị thương hiệu cam Thượng Lộc, địa phương không mở rộng, trồng tràn lan mà phát triển theo hướng chuỗi sản phẩm. “Chúng tôi đang khuyến khích người dân trồng thử nghiệm nhiều mô hình cây trồng mới theo hướng hữu cơ vừa mang lại hiệu quả, vừa an toàn cho người tiêu dùng, gọi là hoa quả sạch”, ông Diệu nói.

Từ một huyện nghèo giữa mảnh đất miền Trung nhọc nhằn, đầy gió mưa bão bùng, Can Lộc đã “rũ bùn đứng dậy”, là một trong những huyện đầu tiên của Hà Tĩnh cán đích nông thôn mới. Những mái nhà tranh dột nát cũ xưa, nay được kiên cố hóa bằng các ngôi nhà cao tầng khang trang, đời sống người dân từng bước được cải thiện, nâng cao…      (Còn nữa)

 
MỚI - NÓNG