Ai chịu trách nhiệm vụ xóa sổ ngôi đình 300 tuổi?

Ngôi đình bằng bê tông cốt thép mọc lên trên nền cũ. Ảnh: Nguyên Khánh.
Ngôi đình bằng bê tông cốt thép mọc lên trên nền cũ. Ảnh: Nguyên Khánh.
TP - Ngôi đình cổ Lương Xá, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) nay trở thành công trình bê tông hiện đại khá đồ sộ. Câu chuyện trùng tu, tôn tạo di tích theo kiểu đập đi xây mới một lần nữa làm nóng dư luận.

KHÔNG ÐỢI PHÉP

Nguyễn Hoài Nam, thành viên nhóm yêu di sản truyền thống Đình làng Việt xót xa trước cảnh đình Lương Xá, thôn Lương Xá, xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa bỗng thành công trình bê tông cốt thép. Anh Nam từng chụp lại nhiều hình ảnh ngôi đình cũ với những mảng chạm gỗ có giá trị nghệ thuật. Ngôi đình này xây dựng từ khoảng thế kỷ 17, trải qua nhiều lần trùng tu tôn tạo - trong ký ức nhiều người cao tuổi, chứa đựng đậm giá trị Việt.

Ngôi đình nằm sát quốc lộ 21B ngổn ngang vật liệu xây dựng. Biên bản của đoàn thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội nêu rõ thực trạng: “Người dân đã hạ giải hạng mục đại bái, hậu cung”. Ghi nhận của phóng viên sáng 31/7, tại vị trí đình cũ mọc lên công trình kết cấu bê tông với hệ cột, bộ vì và phần mái đang được hoàn thiện. Một số cấu kiện gỗ, chi tiết mảng chạm, hoành phi câu đối được bảo quản trong Nhà văn hoá thôn Lương Xá. Số gỗ còn lại theo lời ông trưởng thôn Phạm Tự Khải đều là gỗ xà cừ, nhiều phần tiêu tâm, mục ruỗng nên được chất đống ở ngoài sân và có che bạt.

Trao đổi với báo chí sáng 31/7, ông Lương Ngọc Hoàng, Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Ứng Hòa cho biết, ngày 13/12/2017, UBND xã Liên Bạt có tờ trình số 58 về việc xin chủ trương tôn tạo đình Lương Xá, tuy nhiên tờ trình này không hội đủ thủ tục về tu bổ di tích. “Ngày 3/1/2018, tôi ký văn bản 02 về tu bổ tôn tạo đình Lương Xá. Tôi có một số lưu ý, đề nghị UBND xã Liên Bạt tổ chức lập hồ sơ báo cáo kinh tế kỹ thuật tu bổ tôn tạo đình Lương Xá theo quy định, đặc biệt xã phải xác định rõ nguồn vốn làm cơ sở tu bổ di tích”, ông Hoàng nói.

Sau tờ trình này, UBND xã Liên Bạt không gửi báo cáo kinh tế kỹ thuật, cũng chẳng có bất cứ văn bản nào gửi huyện nữa. Phòng Văn hóa và Thông tin huyện xuống di tích ngày 14/4 khi được hạ giải xong. Đại diện phòng chỉ trao đổi với lãnh đạo xã, không có thêm văn bản nào đề xuất phương án xử lý. Chỉ tới khi Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội vào cuộc ngày 30/7, ông Lương Ngọc Hoàng mới nói sẽ xin ý kiến Sở về những cấu kiện gỗ của ngôi đình cũ. Ông cũng đinh ninh cho đình chỉ công trình từ chiều 30/7, tuy nhiên nhóm công nhân vẫn thi công tới trưa 31/7 như chưa có chuyện gì xảy ra.

XÂY MỚI VÌ THIẾU TIỀN?

Hỏi trưởng thôn Phạm Tự Khải về lí do cho hạ giải và xây mới đình Lương Xá, ông lí luận: Nếu không dỡ nhanh, đợt mưa vừa rồi gây nguy hại do đình xuống cấp, mục nát. Ông cho biết Ban khánh tiết gồm 15 người đủ các thành viên của chính quyền và đoàn thể địa phương tổ chức họp bàn với dân. Sau khi có tờ trình và nhận được yêu cầu bổ sung thủ tục, chính quyền và người dân Lương Xá tự bàn bạc, tự lên phương án tháo dỡ và cho xây mới. Ông Khải cho rằng đình chưa được xếp hạng di tích, không chờ được nguồn vốn ngân sách nên nhân dân phải đứng lên thôi. “Đình chưa được xếp hạng di tích tuy nhiên nằm trong danh mục kiểm kê nên được phân cấp cho UBND xã Liên Bạt quản lý. Về nguyên tắc UBND xã phải thực hiện đúng thủ tục, xin ý kiến Sở. Đến nay Sở chưa nhận được bất cứ văn bản xin phép nào”, ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội nói.

Ai chịu trách nhiệm vụ xóa sổ ngôi đình 300 tuổi? ảnh 1

Những mảng chạm gỗ trở thành phế liệu. Ảnh: Nguyên Khánh.

Chính quyền xã Liên Bạt không thực hiện được các yêu cầu đối với trùng tu, tôn tạo một di tích như báo cáo kinh tế kỹ thuật, lựa chọn đơn vị có tư cách pháp nhân về tu bổ di tích tham gia khảo sát đánh giá, xác định nguồn vốn tu bổ. Giải pháp đơn giản và nhanh gọn nhất với họ là dỡ xuống, xây mới bằng bê tông cốt thép. “Cơ bản diện tích và hình dáng tổng thể chúng tôi làm như cũ không thay đổi gì, chỉ có thay gỗ bằng bê tông”, ông Khải cho hay.

Kinh phí dự kiến dựng ngôi đình mới hết khoảng 5 tỷ đồng, thôn nhận được sự tài trợ của một mạnh thường quân khoảng 2 tỷ. Số tiền còn lại chính quyền sau khi họp phân bổ 800 ngàn đồng/khẩu. Làng Lương Xá khoảng 1.200 nhân khẩu, chính quyền hy vọng thu 1,5 tỷ đồng. Quanh số tiền 800 ngàn đồng/người cũng không đơn giản, ông Khải cho rằng đó là số tiền người dân tự nguyện đóng góp. Tạt vào hàng tạp hoá của chị Nguyễn Thị Th, chị này cho hay “được quán triệt” nộp đủ, trẻ con mới sinh ra cũng được bổ đầu người. Gia đình nào có điều kiện nộp cả, nhà nào khó thì nộp trước một nửa.

Huy động nhân dân đóng góp vào công trình tâm linh của làng là việc nên làm, nhưng e rằng việc phân bổ theo đầu người có phần gượng ép và không đúng với bất cứ quy định nào.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ Nguyễn Ðức Bình xuống thôn Lương Xá chiều 31/7, thậm chí tìm gặp phòng VHTT huyện để tìm hiểu nguồn cơn nhưng bất thành. “Dân luôn muốn đình phải to không dột nát, đó là mong muốn chính đáng về không gian tâm linh. Tuy nhiên người dân không hiểu đặc trưng, cái hay của kiến trúc gỗ và đặc biệt là giá trị của di sản cha ông họ tạo ra. Tôi thấy nhiều mảng chạm khắc rất đẹp, quý hiếm và có giá trị của ngôi đình này”, ông Bình nói. Ông cũng chỉ ra sự bất cập của công tác quản lý di sản, nhất là việc chưa có sự sâu sát của cán bộ quản lý địa phương, trong khi văn bản quy phạm pháp luật như Luật Di sản lại chưa đi vào đời sống. Không riêng Lương Xá, nhiều ngôi đình khác đang chạm ngưỡng di sản bị làm mới toàn bộ vì người dân mơ hồ thiếu kiến thức về di sản và pháp luật, cán bộ quản lý cũng mơ hồ và thiếu hiểu biết. “Phải truy rõ trách nhiệm, không thể để lâu cứt trâu hóa bùn”, ông Bình nói. 

“Ðình chưa được xếp hạng di tích tuy nhiên nằm trong danh mục kiểm kê nên được phân cấp cho UBND xã Liên Bạt quản lý. Về nguyên tắc UBND xã phải thực hiện đúng thủ tục, xin ý kiến Sở. Ðến nay Sở chưa nhận được bất cứ văn bản xin phép nào”

                        Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội

MỚI - NÓNG