Ba tỉnh Đông Nam Bộ lên phương án ứng phó bão số 9

Ba tỉnh Đông Nam Bộ lên phương án ứng phó bão số 9
TPO - Ứng phó với cơn bão số 9, tỉnh Bình Định, Bình Thuận và Bà Rịa Vũng Tàu đã chuẩn bị các phương án neo đậu tàu thuyền tránh bão, di dời dân cư khỏi vùng bị ảnh hưởng bão.

Tại Bình Định, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng đã có công điện khẩn yêu cầu các địa phương, ngành chức năng chủ động ứng phó với cơn bão số 9 dự kiến ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh này.

Ba tỉnh Đông Nam Bộ lên phương án ứng phó bão số 9 ảnh 1 Nhiều tàu thuyền đã tập trung về nơi neo đậu Cảng cá Quy Nhơn để tránh bão số 9. Ảnh: Tr.Định
Ba tỉnh Đông Nam Bộ lên phương án ứng phó bão số 9 ảnh 2 Ngư dân tranh thủ xuống cá để kịp neo đậu tàu thuyền tránh bão. Ảnh: Tr.Định

Đối với khu vực trên biển ven bờ, ông Hồ Quốc Dũng yêu cầu thường xuyên cập nhập thông tin, thông báo đến các tàu thuyền biết vị trí và diễn biến cơn bão số 9 để chủ động phòng tránh.

Bên cạnh đó, tổ chức theo dõi, kiểm đếm số lượng tàu thuyền đang hoạt động trên biển, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với các chủ tàu, sẵn sàng ứng phó các tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Đồng thời, hướng dẫn ngư dân neo đậu tàu thuyền nơi an toàn. Đặc biệt phải đảm bảo an toàn cho người dân và khách du lịch đang lưu trú ở những nơi ven biển.   

Ông Phan Văn Triều, chủ tàu BĐ 98169 TS (ở huyện Hoài Nhơn, Bình Định), cho biết: “Ngư dân luôn cập nhật tình hình thời tiết với người nhà ở đất liền thông qua Icom để nắm bắt thông tin mưa bão. Sau khi nhận thông tin có cơn bão số 9, anh em chúng tôi đã nhanh chóng cho thuyền cập vào bờ để tránh báo. Bắt đầu vào bờ là ngày 19/11 đên sáng ngày 23/11 mới cập cảng cá Quy Nhơn”.

Trong khi đó, ngày 23/11, Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo các địa phương sẵn sàng các phương tiện, lực lượng sơ tán, di dời dân cư khi có lệnh và thực hiện theo phương châm 4 tại chỗ để ứng phó với các tình huống, sự cố có thể xảy ra.

Theo kế hoạch, tỉnh Bình Thuận sẽ di dời dân tại tại các khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 9 là 37 điểm/11.165 hộ/46.689 khẩu. Số hộ phải sơ tán khi có lũ, ngập lụt là 82 điểm/12.464 hộ/50.546 khẩu. Tỉnh Bình Thuận đã nghiêm cấm tàu thuyền, các phương tiện vận tải ra biển từ 16 h ngày 22/11. 

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hai nhận định: “Cơn bão số 9 có đặc điểm khác biệt, hướng đổ bộ vào Nam Trung Bộ. Trong đó, Bình Thuận nằm gọn trong vùng nguy hiểm của dự báo, càng vào gần bờ, tốc độ càng mạnh, nguy hiểm, khả năng đổ bộ vào ban đêm, dự báo mưa lũ lớn sẽ xảy ra. Bão di chuyển gần bờ ngày càng mạnh, cộng với gió mùa Đông Bắc, triều cường, phải chịu kịch bản vừa bão vừa lũ. Vì vậy chúng ta không được chủ quan, khi dự báo bão ảnh hưởng vào đất liền vào ngày nghỉ cuối tuần”.

Ba tỉnh Đông Nam Bộ lên phương án ứng phó bão số 9 ảnh 3 Tàu, thuyền của ngư dân vào neo đậu ở cảng cá La Gi (Bình Thuận)

Ông Nguyễn Ngọc Hai đề nghị các địa phương rà soát lại, chủ động bảo đảm, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, không để bất ngờ. Giao các sở ngành, địa phương bằng mọi biện pháp kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn, hướng dẫn cho ngư dân, các chủ phương tiện chủ động phòng tránh. Cử lực lượng hướng dẫn, tổ chức sắp xếp, neo đậu tàu thuyền chắc chắn; kéo tàu nhỏ lên bờ; đảm bảo an toàn cho người và phương tiện, để hạn chế thiệt hại khi bão đổ bộ trực tiếp gây gió mạnh, sóng lớn, kết hợp mưa to gây lũ và xả lũ các hồ.

Các tàu nhỏ công suất dưới 30CV nên kéo lên bờ để bảo đảm an toàn khi bão đổ bộ trực tiếp. UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo chằng, chống nhà cửa, kho tàng, công sở, chặt tỉa cành cây, an toàn lưới điện; rà soát, có biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân, khách du lịch tại các khu vực ven biển, khu du lịch, khu sản xuất kinh tế, lồng bè, nuôi trồng thủy sản.

Đồng thời, rà soát phương án, kế hoạch sơ tán dân ra khỏi các vùng nguy hiểm ven biển, cửa sông nguy cơ bị sóng biển, gió mạnh, triều cường ảnh hưởng, các vùng trũng, ngập lụt, sạt lở. Hướng dẫn người dân triển khai các biện pháp giảm thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản; chủ động thu hoạch sớm các diện tích vụ Mùa đã đến kỳ thu hoạch.

Theo Ban chỉ đạp PCTT-TKCN tỉnh Bình Thuận, hiện trên 7.000 tàu, thuyền của tỉnh Bình Thuận đã vào bờ neo đậu, trên biển chỉ  còn 190 tàu, thuyền với 1.269 lao động. Lực lượng Biên phòng đã liên lạc, hướng dẫn các phương tiện vào nơi neo đậu an toàn.

Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Bình Thuận nhận định, huyện đảo Phú Quý là địa bàn trọng điểm của tâm bão đổ bộ, khả năng gây thiệt hại về nhà cửa, tài sản, công trình cơ sở hạ tầng và tính mạng của người dân và khách du lịch trên đảo Phú Quý là hiện hữu. Các lực lượng chức năng đã và đang khẩn trương kiểm tra, bố trí neo đậu tàu thuyền, phương tiện vận tải hiện đang neo đậu trong cảng và xung quanh khu vực đảo Phú Quý và các lồng bè nuôi trồng thủy sản trên biển đảm bảo chắc chắn, an toàn; không để người, thuyền viên ở lại trên tàu, lồng bè khi đã neo đậu, chằng buộc xong; thời gian xong trước 12 giờ 00' ngày 23/11.

UBND huyện Phú Quý cho biết đã phối hợp với chủ đầu tư, biên phòng kiểm tra việc thi công công trình khu neo đậu tàu thuyền, cho dừng các hoạt động thi công để phòng, tránh bão; chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu tại địa phương, để không bị động khi bị cô lập. Chủ động ứng phó, xử lý tình huống khi bị chia cắt giữa đảo với đất liền; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để ứng phó, khắc phục sự cố, bảo đảm an toàn trên biển.

Tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, sáng 23/11, lãnh đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh cho biết, đơn vị đã chỉ đạo các đồn biên phòng và đài canh thông báo diễn biến vị trí hướng di chuyển của cơn bão số 9 cho các chủ phương tiện, ngư dân biết để chủ động phòng tránh. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị rà soát thống kê số lượng tàu thuyền và ngư dân đang hoạt động trên biển đã vào bờ; phối hợp chính quyền địa phương và Ban quản lý các cảng bố trí khu neo đậu cho tàu thuyền vào tránh trú, bảo đảm an toàn.

Ba tỉnh Đông Nam Bộ lên phương án ứng phó bão số 9 ảnh 4 Tàu thuyền tránh bão tại cảng Sao Mai (Bà Rịa Vũng Tàu)
Ba tỉnh Đông Nam Bộ lên phương án ứng phó bão số 9 ảnh 5

Người dân ở làng nuôi cá bè Long Sơn (TP Vũng Tàu) đang được di dời vào bờ tránh bão

Tính đến sáng 23/11, đã có 3.464 tàu/15.798 ngư dân vào bờ tránh trú bão số 9. Trong đó neo trong tỉnh là 3.339 tàu/14.952 ngư dân, còn lại neo tại các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau và Bến Tre. Không có phương tiện nào của tỉnh hoạt động trong vùng nguy hiểm của cơn bão.

Hiện BĐBP tỉnh đang tiếp tục chỉ đạo các đơn vị phối hợp với gia đình chủ tàu, địa phương và sử dụng đài canh liên tục thông báo kêu gọi các tàu thuyền trên biển biết diễn biến hướng di chuyển của bão để chủ động tránh, di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm.

Trước đó, từ 20 giờ ngày 22/11/2018, UBND tỉnh đã ra Quyết định cấm người, phương tiện trên địa bàn tỉnh xuất bến hành nghề trên biển cho đến khi có lệnh xuất bến mới.

MỚI - NÓNG