'Bảo kiếm' chống suy thoái, tham nhũng

Ông Hà Quốc Trị, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra T.Ư.
Ông Hà Quốc Trị, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra T.Ư.
TP - Từ các kết luận công minh, chính xác, kịp thời, “không có vùng cấm”, không có ngoại lệ của Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKT T.Ư), trong năm 2017, hàng loạt quan chức, cựu quan chức, trong đó có cả cán bộ cấp cao đã bị kỷ luật, cách chức. 

Điều này đã tạo niềm tin cho nhân dân, làm cho tất cả các hoạt động trong xã hội dần đi vào nề nếp, cảnh tỉnh, phòng ngừa vi phạm, tạo môi trường sản xuất, kinh doanh ngày một lành mạnh hơn. 

Câu trả lời cho “một bộ phận không nhỏ” ở đâu

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, nhất là trong năm 2017, UBKT T.Ư đã vào cuộc quyết liệt, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm, bất kể người đó là ai. Chỉ tính riêng trong năm 2017, UBKT T.Ư đã kết luận, quyết định và kiến nghị xử lý hàng loạt các vụ việc nổi cộm, bức xúc được dư luận quan tâm như vụ ông Đinh La Thăng và các cán bộ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, vụ tài sản khủng của nữ Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, vụ bổ nhiệm “thần tốc” nữ cán bộ Sở Xây dựng Thanh Hóa, vụ ông Nguyễn Xuân Anh - Đà Nẵng…Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi vì sao UBKT T.Ư lại có sự vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ như vậy?

Đặt vấn đề trên với ông Hà Quốc Trị, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra T.Ư, ông cho hay, trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, rồi Nghị quyết T.Ư 4 đã nhận định, công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra. Tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng với những biểu hiện ngày càng tinh vi phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực... Bên cạnh đó, trong dư luận lâu nay cứ đặt câu hỏi: Một bộ phận không nhỏ suy thoái, tham nhũng, tiêu cực đang nằm ở đâu? Nếu các cơ quan chức năng không tìm thấy “một bộ phận không nhỏ” đang ở đâu thì nhận định trên là sai.

Trước tình hình trên, ông Trị cho biết, ngay từ đầu nhiệm kỳ, UBKT T.Ư xác định phải đổi mới công tác kiểm tra, giám sát của Đảng trong điều kiện hiện nay mới đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, mà trước hết là đổi mới phương thức thực hiện, cụ thể hóa bằng các chương trình, kế hoạch và giao nhiệm vụ cụ thể cho các vụ phụ trách địa bàn, lĩnh vực. Các vụ cụ thể hóa thành chương trình hành động hằng năm của đơn vị mình để tổ chức thực hiện có trọng tâm, trọng điểm. Điều quan trọng hơn nữa là phải xác định mục tiêu, yêu cầu và sau đó đến lựa chọn nội dung và đối tượng kiểm tra, phải đúng và trúng.

“UBKT T.Ư xác định tập trung kiểm tra, giám sát đối với các ban cán sự đảng, đảng đoàn, tổ chức đảng ở các cơ quan nhà nước, đơn vị kinh tế và các lĩnh vực dễ xảy ra sai phạm. Chú trọng kiểm tra, giám sát người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị- xã hội trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống”, ông Trị cho hay.

Ngoài ra, UBKT T.Ư đặc biệt chú trọng đến việc kiểm tra đôn đốc thực hiện kết luận kiểm tra. Định kỳ tại các cuộc giao ban, thường trực Ủy ban yêu cầu từng đơn vị phải báo cáo tiến độ triển khai các vụ việc và đôn đốc thực hiện đúng tiến độ, kiểm tra đến đâu, xử lý dứt điểm đến đó, không để kéo dài, ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Tinh thần vào cuộc của UBKT T.Ư là khẩn trương, quyết liệt.

Nhờ những đổi mới đó, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các đơn vị trong UBKT T.Ư đều hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, có đơn vị thực hiện vượt chỉ tiêu. Đặc biệt việc lựa chọn địa chỉ đúng nên kiểm tra đến đâu, phát hiện sai phạm đến đó, trong đó có những vụ rất nghiêm trọng, như vụ Trịnh Xuân Thanh, vụ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất…

'Bảo kiếm' chống suy thoái, tham nhũng ảnh 1 Kỳ họp thứ 20 của UBKT T.Ư.

“Há miệng mắc quai” thì kỷ luật được ai

Tuy nhiên, để ban hành ra những kết luận “nặng ký” không hề dễ dàng vì những cán bộ thuộc đối tượng kiểm tra, giám sát của UBKT T.Ư thường có chức vụ quyền hạn, trong đó nhiều người là cán bộ cấp cao, là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương. “Ngoài chức quyền, họ còn có kinh nghiệm, lại trưởng thành từ thực tiễn. Quá trình kiểm tra là đối diện với mặt trái trong Đảng, nên rất nhiều khó khăn, thậm chí cả những lời đe dọa, góp ý khó nghe. Đối tượng trong diện kiểm tra thường có quan hệ với những người có chức quyền khác, nhờ can thiệp, tác động bằng nhiều cách”, ông Trị kể.

Cũng theo ông Trị, trong quá trình làm việc, đoàn kiểm tra đối diện với rất nhiều cuộc điện thoại “dọa nạt, tìm cách mua chuộc”. Rồi họ dùng sức ép từ người khác, phải thế này, phải thế kia. Không chỉ vậy, họ còn mua chuộc, cám dỗ, không trực tiếp thì nhờ người nọ, người kia bằng nhiều hình thức khác nhau… Những lúc đó đòi hỏi bản lĩnh của cán bộ kiểm tra, phải dứt khoát, không thay đổi, phải giữ vững nguyên tắc và làm việc khách quan. Bởi khi đã nhận của người ta thì phải theo sự sai khiến của họ. “Há miệng mắc quai” thì làm sao nói được gì nữa”, ông Trị nói.

Cũng theo ông Trị, những lúc như vậy, đòi hỏi người cán bộ kiểm tra phải thể hiện bản lĩnh, cứng rắn, tự tin, không lùi bước. “Có bản lĩnh vững vàng thì mới vượt qua được mọi sức ép tâm lý trong quá trình kiểm tra”, ông Trị nói.

Một phương trâm nữa cũng được UBKT T.Ư xác định trong công tác kiểm tra, giám sát là chủ động, chiến đấu, giáo dục và hiệu quả. “Chủ động ở đây được hiểu chính là tính kế hoạch, chủ động kiểm tra chứ không chạy theo vụ việc. Chiến đấu là tinh thần đấu tranh, phê và tự phê, qua đó góp phần giáo dục cán bộ đảng viên làm tròn nhiệm vụ. Còn tính hiệu quả được thể hiện ở khâu thực hiện kết luận thế nào, có triệt để không”, ông Trị nói.

Việc kiểm tra cũng đòi hỏi đảm bảo yếu tố khách quan, chính xác, không suy diễn; coi trọng chứng cứ, đề cao việc đối thoại với đối tượng kiểm tra để họ nhận ra khuyết điểm vi phạm, “tâm phục, khẩu phục” với kết luận kiểm tra. Rồi khi xem xét, xử lý kỷ luật phải luôn công tâm, khách quan, chính xác, thấu tình, đạt lý. Theo ông Trị, mục đích kiểm tra không phải để kỷ luật, mà trước hết để giáo dục, ngăn ngừa, tránh đi vào “vết xe đổ” của những người đi trước, qua đó đề xuất sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách cho phù hợp với thực tế, nhưng khi đã vi phạm rồi thì dứt khoát phải xử lý, không có trường hợp ngoại lệ. Trong kiểm tra, giám sát phải lấy “xây” làm chính, “chống” cũng nhằm để “xây”.

Về phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, ông Trị cho biết, tới đây, Ủy ban Kiểm tra sẽ chỉ đạo nghiệp vụ giám sát với các tỉnh, thành phố, tập trung kiểm tra đảng viên và tổ chức đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm. Ủy ban sẽ kiểm tra các cấp, tức là sẽ bỏ qua cấp tỉnh, xuống thẳng cấp dưới, từ đó rút kinh nghiệm nhân ra diện rộng. “Đây là điểm mới nhất. Còn nội dung, đối tượng thì Ủy ban vẫn tập trung kiểm tra đảng viên, tổ chức đảng khi có dấu hiệu vi phạm, trước hết là những cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý”, ông Hà Quốc Trị cho hay.

Những quyết định “nặng ký” của UBKT T.Ư:

* Vụ Formosa và ông Võ Kim Cự: Từ kết luận của UBKT T.Ư, Ban Bí thư đã quyết định cách chức Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, bao gồm cả cả chức danh Nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh đối với ông Võ Kim Cự…

* Vụ Tập đoàn Dầu khí: Do có nhiều vi phạm, khuyết điểm nên hàng loạt lãnh đạo, cựu lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đã bị UBKT T.Ư kỷ luật. Riêng ông Đinh La Thăng đã bị Ban chấp hành T.Ư kỷ luật cảnh cáo và cho thôi chức Ủy viên Bộ Chính trị. Ông Thăng sau đó cũng bị khởi tố, bắt tạm giam và đưa ra xét xử.

* Vụ tài sản “khủng” của bà Hồ Thị Kim Thoa: Từ kết luận và quyết định kỷ luật của UBKT T.Ư, Ban Bí thư quyết định miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Ban cán sự đảng Bộ Công Thương của bà Hồ Thị Kim Thoa. Thủ tướng sau đó cũng quyết định miễn nhiệm chức danh Thứ trưởng Bộ Công Thương đối với bà Hồ Thị Kim Thoa.

* Vụ ông Nguyễn Xuân Anh - Đà Nẵng: Với những vi phạm được UBKT T.Ư chỉ ra như kê khai, sử dụng bằng cấp không đúng quy định; thiếu gương mẫu trong việc nhận, sử dụng xe ô tô, nhà ở của doanh nghiệp, ông Nguyễn Xuân Anh đã bị kỷ luật cách chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, cho thôi Ủy viên Trung ương Đảng.

* Vụ “nâng đỡ không trong sáng” bà Quỳnh Anh: Từ kết luận của UBKT T.Ư, Ban Bí thư đã quyết định kỷ luật bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Ngô Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá, vì đã ưu ái, nâng đỡ bà Trần Vũ Quỳnh Anh.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.