Bảo tàng Thế giới Cà phê đón khách tham quan

Bảo tàng Thế giới Cà phê đón khách tham quan
TPO - Bảo tàng Thế giới Cà phê đã chính thức mở cửa đón khách tham quan từ ngày 24/11/2018, sau hơn 10 năm chuẩn bị, xây dựng. Đây là một trong các công trình của Dự án Thủ phủ Cà phê Toàn cầu do tập đoàn Trung Nguyên Legend đầu tư tại trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột.

Năm 1927, ông Erich Burg-cha của Jens Burg thành lập xưởng cà phê rang xay đầu tiên trên đường Eppendorfor, Hamburg (Đức), với tên gọi là Burg's Kaffee Rosterei. Hơn nửa thế kỷ sau, Jens Burg tiếp quản sự nghiệp và tình yêu cà phê của bố, rồi thực hiện ý tưởng xây dựng một Bảo tàng Cà phê tư nhân trong hơn 2 thập kỷ. Đến năm 2000, Jens Burg đã trở thành chủ nhân của bộ sưu tập các dụng cụ sản xuất, chế biến cà phê phong phú nhất thế giới.

Bảo tàng Thế giới Cà phê đón khách tham quan ảnh 1  Ông Y Phu Êban- Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk đánh trống mở đầu lễ khai trương.

Năm 2007, doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ-Chủ Tịch Tập đoàn cà phê Trung Nguyên (nay là Trung Nguyên Legend) đến thăm bảo tàng Jens Burg. Trong suốt 3 năm tiếp theo đó, với quyết tâm theo đuổi đến cùng mục tiêu đưa được hiện vật Bảo tàng Jens Burg về Việt Nam, doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ đã kiên trì thuyết phục, khiến Jens Burg tin tưởng ông đã gặp đúng người “sống vì cà phê” để nâng tầm bảo tàng này lên một giá trị cao hơn.

Bảo tàng Thế giới Cà phê đón khách tham quan ảnh 2 Một trong những gian trưng bày hiện vật của Bảo tàng Thế giới Cà phê

Tháng 9/2010, hơn 10.000 hiện vật bảo tàng cà phê của Jens Burg đã về đến Việt Nam, được đưa về Làng cà phê Trung Nguyên tại Buôn Ma Thuột.

Bảo tàng Thế giới Cà phê đón khách tham quan ảnh 3 Góc phục vụ cà phê trong Bảo tàng.

Mời nhiều chuyên gia hàng đầu về Bảo tàng và Kiến trúc của thế giới về cố vấn suốt giai đoạn thiết kế,  tới nay Trung Nguyên Legend đã thực hiện được kế hoạch xây dựng được Bảo tàng Thế giới Cà phê, tạo thành một điểm nhấn, là điểm hẹn độc đáo mà khách du lịch trong và ngoài nước ai cũng cần tới tham quan, tìm hiểu khi đến với thành phố Buôn Ma Thuột, nhất là với “tín đồ cà phê” toàn cầu khi đến với Việt Nam.

Bảo tàng Thế giới Cà phê đón khách tham quan ảnh 4 Cà phê là mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam

Dự Lễ khánh thành, ông Nguyễn Hải Ninh – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk  cho biết: Sự kiện Khai trương Bảo tàng Thế giới Cà phê có thể được coi là một hoạt động mở màn cho Lễ hội Cà phê 2019. Bảo tàng Thế giới Cà phê là một công trình kiến trúc rất đặc biệt, đậm nét văn hóa truyền thống Tây Nguyên. Nếu như mục tiêu của Tập đoàn Trung Nguyên Legend là đưa Việt Nam trở thành Thủ phủ Cà phê Toàn cầu, thì mục tiêu của tỉnh Đắk Lắk là từng bước đưa Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến của cà phê thế giới.

Bảo tàng Thế giới Cà phê đón khách tham quan ảnh 5  Ông Nguyễn Hải Ninh- Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk đánh giá cao giá trị của Bảo tàng Thế giới Cà phê

Là một trong những người đồng hành và luôn ủng hộ Dự án Thủ phủ Cà phê Toàn cầu từ những ngày đầu tiên, bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước – Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển đã gửi thư chúc mừng Bảo tàng Thế giới Cà phê: “Mười năm trước, tôi và các đồng chí Lãnh đạo Quỹ Hòa Bình đã có mặt ở thung lũng xanh này, đã cùng anh Vũ khởi đầu ý tưởng xây dựng Buôn Ma Thuột là thủ phủ Cà phê...Mười năm qua, Trung Nguyên đã vượt qua muôn ngàn khó khăn, thử thách đế phát triển và đã có nhiều thành công, sự cố gắng đó rất đáng biểu dương khen ngợi... ”.

Bảo tàng Thế giới Cà phê đón khách tham quan ảnh 6  Đắk Lắk đang chuẩn bị bước vào Lễ hội Cà phê 2019, tại đó Bảo tàng Thế giới Cà phê sẽ là 1 trong những điểm hẹn không thể bỏ qua.

Hiện nay, giá trị ngành cà phê toàn cầu đã đạt hơn 100 tỷ USD, riêng xuất khẩu đạt 20 tỷ USD. Việt Nam tuy là nước xuất khẩu cà phê nhiều thứ 2 thế giới, sau Brazil nhưng kim ngạch xuất khẩu ước tính mỗi năm, chỉ mang về xấp xỉ 4 tỷ USD – chiếm hơn 10% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam do chỉ xuất khẩu thô cà phê chưa qua chế biến. Các loại khác bao gồm cà phê rang xay và cà phê hòa tan xuất khẩu giữ mức thấp, tổng tỷ trọng 2 loại này chỉ ở mức trên dưới 5%.

Tháng 10/2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất 15 sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia  trong đó cà phê xếp thứ 2 chỉ sau lúa gạo. Những năm trở lại đây, cà phê rang xay và cà phê hòa tan xuất khẩu ngày càng tăng lên do Việt Nam đã chú trọng nhiều hơn đến xuất khẩu loại cà phê chế biến, trong đó có sự đóng góp đáng kể của Trung Nguyên Legend.

MỚI - NÓNG