Bị can đồng ý khắc phục 500 tỷ nhưng lại thay đổi sau khi gặp vợ

Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí tại phiên họp. Ảnh LH
Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí tại phiên họp. Ảnh LH
TPO - Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí viện dẫn hai vụ án đặc biệt nghiêm trọng, dù bị can đã đồng ý khắc phục hậu quả 800 tỷ và 500 tỷ đồng, tuy nhiên họ đã không đồng ý làm điều này sau khi gặp luật sư và gặp vợ.

30 tuổi đã đứng tên tài sản nghìn tỷ, biết không làm gì được

Tại phiên họp ngày 12/1, một trong những điểm nổi bật được Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí báo cáo kết quả trong nhiệm kỳ là tổng số tài sản thu hồi trong các vụ án tham nhũng đạt gần 80 nghìn tỷ đồng, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân đồng tình, đánh giá cao. Cả cơ quan thẩm tra là Uỷ ban Tư pháp và các đại biểu Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đều đánh giá cao kết quả thu hồi tài sản tham nhũng trong thời gian qua.

Lý giải về vấn đề thu hồi tài sản, theo ông Trí, trước đây cả cơ quan điều tra, Việm kiểm sát cũng như cơ quan xét xử chỉ tuyên án mà không tính đến việc thu hồi. Đó là thói quen ở nhiệm kỳ trước, cứ tuyên án, còn thu hồi được hay không là việc của thi hành án (bước cuối cùng của tố tụng).

Còn nhiệm kỳ này, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng yêu cầu ngay từ đầu khi khởi tố vụ án, điều tra phải quan tâm đến vấn đề thu hồi tài sản. Vì vậy, ngay từ khâu điều tra cũng tích cực, ngành kiểm sát trong quá trình phối hợp với cơ quan điều tra cũng đã yêu cầu, rồi tới truy tố tiếp tục và đến toà cũng tiếp tục quan tâm vấn đề này.

Bên cạnh đó, theo ông Trí, việc thu hồi tài sản được nâng cao còn do nhiều thủ tục đã được tháo gỡ. Ví dụ, trước đây có những trường hợp thu hồi tài sản, tính phối hợp không cao. Còn bây giờ nhiệm vụ chính trị đặt ra, phải phối hợp ngay từ đâu.

Mặc dù đã ban hành hàng loạt thủ tục hỗ trợ cho việc này, tuy nhiên theo ông Trí, trong vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng, kể cả để góp phần cho phòng ngừa và chống tham nhũng, chúng ta phải ban hành cho được Luật Đăng ký tài sản.

Theo Viện trưởng, hiện kê khai tài sản chỉ ở trong hệ thống chính trị thôi, nhưng nếu người ta đã tham nhũng thì không bao giờ tự mình đứng tên cả, chỉ để những người ngoài xã hội đứng tên. Bây giờ có những người hơn hai mấy, ba mươi tuổi đã đứng tên những tài sản cả trăm tỉ, nghìn tỉ.

Chúng ta biết hết nhưng không xử lý được, vì quyền sở hữu của công dân chúng ta không đụng vào được. Nhưng nếu có luật này, khi anh đăng ký một tài sản mới, anh không chứng minh được nguồn gốc tài sản thì anh bị “thăm hỏi” ngay và có cơ sở pháp lý để xử lý. Và chắc rằng sẽ không còn chỗ ẩn nấp cho nhóm tài sản tham nhũng này. Còn nếu không, chúng ta cố gắng thì cũng chỉ đến một ngưỡng nào đó rồi dừng lại thôi, bởi vì bát nước đổ đi, khi hốt lại thì không bao giờ đầy được nữa.

Tôi đã kiến nghị một vài lần vấn đề này, đây là công cụ kèm theo để tăng cường minh bạch, chứng minh tài sản… Còn về thu hồi tài sản, nhiệm kỳ trước, nếu tôi nhớ không nhầm thì chỉ thu hồi được 5- 10%, còn từ đầu nhiệm kỳ đến giờ tăng dần, tăng dần, có những lúc đã tăng đến 50%, tức là tăng lên khoảng 4- 5 lần, nhưng bảo tăng đến 100% thì không tăng được đâu”, ông Trí khẳng định.

Những cuộc gặp thay đổi lời khai

Đề cập đến vai trò của luật sư trong vụ án, theo ông Trí, luật sư là chế định góp phần bảo vệ quyền con người, tuy nhiên khi luật sư hành nghề lại có yếu tố bảo vệ thân chủ, thậm chí còn tìm cách cản trở quá trình điều tra chứng minh tội phạm. Do có “tính hai mặt” giữa bảo vệ quyền con người và đấu tranh phòng chống tội phạm, nên phải hài hoà trong lộ trình điều tra.

Viện trưởng Viện KSND Tối cao dẫn dụ, có vụ án đặc biệt nghiêm trọng, đối tượng đã đồng ý với điều tra viên và kiểm sát viên sẽ khắc phục hậu quả 800 tỷ đồng. Nhưng khi luật sư vào thì không nói gì đến chuyện 800 tỷ đồng. Vì luật sư nói, nếu ông nộp 800 tỷ, người ta sẽ hỏi ở đâu có 800 tỷ? Phải chăng ông tham nhũng? Như thế còn chết hơn, thế là tiệt luôn, không nói đến nữa.

Rồi một vụ án khác hứa nộp 500 tỷ, nhưng cuối cùng, vợ vào gặp có một lần duy nhất, ra không bao giờ chấp nhận nữa. “Người vợ ấy nói gì mình không biết, nhưng những cuộc gặp như thế xong thay đổi lời khai”, ông Trí cho hay.

“Chúng tôi cũng phải cố gắng làm hết sức, nếu mình nghĩ đơn giản cứ vào đi không có gì đâu thì có những vụ đáng lẽ thu được nghìn tỷ, nhưng cuối cùng không thu được. Một là vì nộp xong, tội nặng hơn nên không nộp. Hai là nộp nhưng người cất (tài sản - PV) không chịu nộp. Người ta vào nói có một câu thôi là sau này mỗi lần hỏi là lờ không trả lời”, ông Trí cho hay.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.