Bí thư luân chuyển được 'tín nhiệm rất cao'

Nhiều tỉnh, thành sẽ tiến hành Đại hội Đảng bộ trong một vài ngày tới.
Nhiều tỉnh, thành sẽ tiến hành Đại hội Đảng bộ trong một vài ngày tới.
TP - Đó là nhận định, đánh giá của PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng sau khi 16 địa phương tổ chức thành công đại hội Đảng bộ và bầu các bí thư tỉnh ủy. 

Ông Phúc cho rằng, đại hội Đảng bộ các tỉnh, thành tới đây cũng sẽ đạt kết quả tốt, và những nhân sự được điều động, luân chuyển, không phải người địa phương sẽ được tín nhiệm rất cao.

Ðiểm nhấn từ người đứng đầu

Điểm nhấn rõ nét không thể không nhắc đến là việc bầu ra các bí thư tỉnh ủy, đặc biệt đối với những nhân sự được điều động, luân chuyển từ Trung ương và từ nơi khác về. Ông nghĩ sao?

Qua theo dõi các đại hội, tôi thấy thời gian không kéo dài, nhưng đã thể hiện tinh thần dân chủ, công khai, đổi mới quy trình theo hướng mới mà Bộ Chính trị đã hướng dẫn. Vừa qua mới có một thành phố trực thuộc Trung ương là Cần Thơ, sắp tới đây sẽ còn 4 thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành đại hội. Nhưng có thể thấy, các đại hội đã tạo ra được không khí đoàn kết, đồng thuận trong Đảng bộ và nhân dân.

Bí thư luân chuyển được 'tín nhiệm rất cao' ảnh 1 PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng

Điểm nhấn rõ nét về nhân sự các đại hội vừa diễn ra đã khẳng định nhiều cán bộ được luân chuyển từ Trung ương, như Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Lê Thị Thủy, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn Lâm Thị Phương Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan, hay Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy… đều khẳng định được vị trí, vai trò và uy tín của mình trong Đảng bộ, được tín nhiệm rất cao. Bên cạnh đó, nhiều cán bộ được luân chuyển từ địa phương khác về cũng khẳng định được uy tín của mình, như Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Nguyễn Hữu Đông, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang, hay Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu Phạm Viết Thanh…

Qua đó khẳng định được chủ trương của Trung ương Đảng về luân chuyển cán bộ rất đúng đắn, cần thiết, hướng tới mục tiêu người lãnh đạo đứng đầu các địa phương không phải người địa phương. Đây là một điểm nhấn rõ nét, và sắp tới có lẽ sẽ còn nhiều người được luân chuyển về các địa phương tương tự.

Dân chủ, bản lĩnh

Dù đã thực hiện quy trình 5 bước, song có nơi vẫn có những vị trí chủ chốt không được đại hội bầu. Thực tế đó nói lên điều gì, thưa ông?

Quy trình 5 bước cũng nằm trong Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị. Trong đó có vấn đề phải khảo sát, thử thách cán bộ qua thực tiễn. Những người được giới thiệu phải khẳng định được vai trò, vị trí và uy tín, cũng như cống hiến của mình, như vậy đại hội mới tín nhiệm bầu. Còn những người vi phạm kỷ luật, đại hội sẽ không bầu. Ví dụ Đại hội Đảng bộ tỉnh Gia Lai, có hai Thường vụ Tỉnh ủy khóa cũ bị kỷ luật cảnh cáo, vẫn đưa vào danh sách, nhưng ra Đại hội không bầu.

Điều đó thể hiện không khí dân chủ và bản lĩnh của đại biểu tham dự đại hội. Họ biết ai xứng đáng được bầu và ai cần phải “gạch tên”. Điều đó cũng thể hiện nguyên tắc nhất quán từ Trung ương, không để sót người tài, người tốt, nhưng cũng không để lọt vào cấp ủy những người cơ hội chính trị, có những sai phạm. Đó cũng là quy trình thực hiện 5 bước mà Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị hướng đến.

Còn về số dư khi bầu, có ý kiến cho rằng, có nơi còn đưa ra tỷ lệ hơi thấp?

Số dư không thể đưa ra tỷ lệ cứng được, vì còn tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể từng địa phương. Ngoài ra, cũng phải thể hiện mức độ tín nhiệm nữa. Nếu tín nhiệm tốt cũng không cần đưa ra số dư nhiều, vì có thể gây loãng và phân tán. Tùy hoàn cảnh của mỗi địa phương mà có thể lựa chọn trong khoảng số dư cho phép. Tất nhiên số dư cũng là một cách để đại biểu rộng đường lựa chọn. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là khảo sát, đánh giá nghiêm túc, xem ai xứng đáng nhất để đại hội bầu.

Vì hạnh phúc của nhân dân

Cá nhân ông kỳ vọng gì vào các đại hội tới đây, đặc biệt tại 4 thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó có hai Đảng bộ lớn nhất là Hà Nội và TPHCM?

Bộ Chính trị rất quan tâm, chỉ đạo chặt chẽ. Các buổi làm việc trước đại hội thể hiện điều đó và tôi tin đại hội ở những nơi này sẽ thành công tốt đẹp. Các địa phương khác tôi cũng tin như vậy, vì cũng không có nơi nào đặc biệt khó khăn cả.

Cũng phải nói thêm, văn kiện đại hội các địa phương thường hướng tới mục tiêu xây dựng “đô thị thông minh”, “đô thị sáng tạo”, nhưng chưa ai nói đến chỉ số “đô thị hạnh phúc”. Yên Bái vừa qua đã có những sáng tạo, đưa ra chỉ số về hạnh phúc, hướng tới mục tiêu phục vụ người dân tốt hơn. Trên thế giới họ nghiên cứu “chỉ số hạnh phúc” rất bài bản. Như ở châu Âu, mỗi năm người ta bình chọn vài quốc gia đạt 10 tiêu chí về hạnh phúc. Tất cả đều nhằm mục tiêu nâng cao đời sống và chỉ số hài lòng của người dân. Với những thành phố trực thuộc Trung ương càng phải hướng tới mục tiêu này.

Cảm ơn ông.

"Đại hội của bốn thành phố trực thuộc Trung ương là Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng và Hải Phòng, tôi kỳ vọng sẽ quan tâm và hướng đến mục tiêu cụ thể: Đó là hướng đến hạnh phúc người dân, nâng cao chỉ số hài lòng của người dân và tạo ra sự đồng thuận giữa Đảng, chính quyền với nhân dân".

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng

MỚI - NÓNG