Bí thư TPHCM nói về việc xây nhà hát ở Thủ Thiêm

Bí thư TPHCM nói về việc xây nhà hát ở Thủ Thiêm
TPO - Trước nhiều ý kiến còn khác nhau về triển khai dự án xây dựng Nhà hát Giao hưởng, nhạc và vũ kịch tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân khẳng định việc xây dựng nhà hát là theo quy hoạch và chờ đến bây giờ mới làm là hơi muộn vì kế hoạch đã có từ 25 năm trước.

Chiều 16/10, phát biểu bế mạc hội nghị lần thứ 18 Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết tại hội nghị này Thành ủy đã tiếp tục thảo luận, xem xét việc triển khai xây dựng dự án Nhà hát Giao hưởng, nhạc và vũ kịch tại khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, việc xây dựng nhà hát là làm theo quy hoạch, kế hoạch và đến bây giờ mới làm là hơi muộn vì kế hoạch làm nhà hát đã có từ 25 năm trước.

Bí thư TPHCM nói về việc xây nhà hát ở Thủ Thiêm ảnh 1 Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với PV Tiền Phong bên lề hội nghị

Trước đó, trao đổi với Tiền Phong bên lề hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM cho biết, sau khi HĐND TPHCM thông qua việc xây dựng nhà hát giao hưởng, đã có hai luồng ý kiến ủng hộ và không ủng hộ, trong đó không ý ý kiến gay gắt, thậm chí cực đoan. Việc này xuất phát từ việc cung cấp thong tin chưa đầy đủ từ phía chính quyền.

Ông Nguyễn Thiện Nhân nói xét trên tổng thể, việc xây Nhà hát không tốn nhiều tiền. Kinh phí TPHCM xây trường học, bệnh viện trong 5 năm vừa qua là hơn 34 nghìn tỷ đồng, trong khi nhà hát chỉ hơn 1.500 tỷ, tức bằng 4% tiền xây bệnh viện, trường học. Phải thấy được tổng thể mới thấy rằng xây nhà hát là điều nên làm.

Bí thư TPHCM nói về việc xây nhà hát ở Thủ Thiêm ảnh 2 Khu đất dự kiến làm nhà hát ở Thủ Thiêm

Người đứng đầu Đảng bộ TPHCM cho biết hiện nay, việc luyện tập của dàn nhạc giao hưởng diễn ra dưới tầng hầm, thiết bị gửi khắp nơi. Lãnh đạo TPHCM rất xót xa. Những người chơi nhạc đều học gần 10 năm mới đánh được đàn. Nhạc trưởng chỉ huy dàn nhạc giao hưởng còn là người nước ngoài. 

“Họ tập luyện, chỉ huy dàn nhạc giao hưởng dưới tầng hầm mà cứ thắc mắc không hiểu vì sao. Dàn nhạc giao hưởng của TPHCM đã có từ năm 1993, tồn tại 25 năm mà không có nhà để biểu diễn. Điều đó làm cho lãnh đạo thành phố nhiều nhiệm kỳ phải suy nghĩ, trăn trở…”, ông Nhân bộc bạch.

Long đong

Tại kỳ họp thứ 10 (bất thường) diễn ra vào ngày 8/10, HĐND TPHCM khóa IX đã thông qua Tờ trình của UBND TPHCM về dự án xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch.

Theo trình bày của Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Liêm, nhà hát được thiết kế hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế và là biểu tượng của TPHCM trong tương lai. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.508 tỷ đồng trích từ nguồn ngân sách thành phố (nguồn thu bán đấu giá khu đất 23 Lê Duẩn, quận 1).

Nhà hát này có quy mô 1.700 chỗ, gồm hai khán phòng lớn và nhỏ, thời gian thực hiện từ năm 2018 - 2022. Chủ đầu tư là Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình thuộc Sở Văn hóa và Thể thao.

Phó Chủ tịch Lê Thanh Liêm cho rằng, là một trung tâm kinh tế, khoa học, văn hóa, TPHCM rất cần có những công trình văn hóa xứng tầm. Thời Pháp thuộc, TPHCM có 3 nhà hát, gồm: Nhà hát Opera (nay là Nhà hát thành phố), Nhà hát Phiharmonie (nay là Kho bạc thành phố) và Nhạc viện thành phố. Hiện nay, TPHCM chỉ còn Nhà hát thành phố có chức năng của một nhà hát đúng nghĩa.

Bí thư TPHCM nói về việc xây nhà hát ở Thủ Thiêm ảnh 3 Việc luyện tập, biểu diễn nhạc giao hưởng hiện nay chủ yếu diễn ra dưới tầng hầm

Các nhà hát xây dựng sau 1975 như nhà hát Hòa Bình, Bến Thành hiện đang xuống cấp cũng như không đạt tiêu chuẩn để có thể tổ chức các buổi diễn chất lượng cao theo yêu cầu của các đoàn, nghệ sĩ đẳng cấp quốc tế. Việc xây dựng một Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch đạt tiêu chuẩn quốc tế là thật sự cần thiết và cấp bách.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TPHCM cho biết ý tưởng xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch đã được ấp ủ qua nhiều thời kỳ và nhiệm kỳ lãnh đạo. TPHCM đã xây dựng đề án rất cẩn trọng, đến nay mới đầy đủ cơ sở cũng như các điều kiện cần thiết để thông qua. 

“Hồi xưa mình làm nhà hát Trần Hữu Trang chưa tốt, làm xong sử dụng không được. Cái đó mình phải nhận lỗi với dân nhưng không phải vì vậy mà mình không xây nhà hát nữa. Nhà hát giao hưởng lần này mình không thiết kế nữa, toàn bộ là thuê tư vấn nước ngoài”- Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nói.

Hành trình xây dựng nhà hát

- Từ năm 1999, TPHCM đã cho phép xây dựng nhà hát ở vị trí công ty Xổ số kiến thiết ở số 23 Lê Duẩn, quận 1.

- Đến tháng 7/2004, các bên liên quan mới thống nhất hoán đổi nhiều vị trí và nhà hát đã triển khai làm thiết kế ở 23 Lê Duẩn.

- Tháng 5/2009, UBND TPHCM lại quyết định chuyển dự án nhà hát về Công viên 23 tháng 9 với trên khu đất rộng 1,2 ha, quy mô 1.700 chỗ ngồi ngồi gồm hai khán phòng. Nhà hát lại làm bản vẽ mới với ê kíp kiến trúc sư từ Đức sang.

Từ năm 2010 đến 2012, khi dự án ở công viên 23/9 vẫn còn dang dở, TPHCM đã quyết định chuyển địa điểm xây dựng nhà hát giao hưởng sang Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

MỚI - NÓNG