Biên giới Tây Nam tấp nập hàng lậu

Hoàng hôn ở chợ Gò, hàng lậu bắt đầu vượt biên sang Việt Nam Ảnh: H.B
Hoàng hôn ở chợ Gò, hàng lậu bắt đầu vượt biên sang Việt Nam Ảnh: H.B
TP - Cận Tết Quý Tỵ năm 2013, tình trạng chuyển hàng lậu qua biên giới Tây Nam cũng khá nhộn nhịp khi phía bên kia biên giới Campuchia vẫn tồn tại 35 kho và điểm tập kết hàng hóa ngoại.

> Gia tăng hàng nhái, lậu dịp Tết
> Xế sang cõng hàng lậu rúng động cửa khẩu Cầu Treo

Điểm nóng chợ Gò

Tôi vừa đến đầu chợ Gò, một ông chủ cửa hàng điện thoại di động mời chào: “Iphone 5 của Hàn Quốc mới tinh, giá 6,5 triệu đồng”.

Chiếc Iphone 5 đã cài đặt chương trình tiếng Việt, nhưng không rõ nơi sản xuất. Băn khoăn “hàng Hàn Quốc hay Trung Quốc?”. Ông chủ bán điện thoại quả quyết “Hàn Quốc chính hiệu. Không phải không lấy tiền”.

Chợ Gò là cách gọi của người địa phương. Tên chính thức là chợ Tà Mâu ở ấp Tà Mâu, xã Pung Xăng, huyện Bray Chusa, tỉnh Tà Keo, Campuchia, điểm tập kết hàng hóa buôn lậu nổi tiếng nhất biên giới Tây Nam.

Mùa khô, qua chợ Gò rất dễ dàng, không cần hộ chiếu, visa, chỉ cần 5.000 đồng cho phía gác biên giới bên Campuchia, là sang được chợ Gò. Chợ chỉ rộng hơn 1 ha, có khoảng 30-40 căn nhà sàn là cửa hàng hoặc kho tập kết hàng hóa để đưa sang Việt Nam.

Hàng hóa ở chợ Gò rất phong phú, từ mỹ phẩm, thuốc lá, đường cát, bánh kẹo đến nồi cơm điện, máy lạnh, xe đạp và cả điện thoại di động, máy tính. Nhìn qua nhãn, hầu hết là hàng Thái Lan, Trung Quốc, nhưng “đồng thau lẫn lộn”. Tất cả đưa từ Phnôm-Pênh về, chuẩn bị để vượt biên giới sang Việt Nam.

Rời cửa hàng điện thoại di động, tôi đến một cửa hàng bán “thập cẩm” mỹ phẩm, rượu bia, dầu nóng, cá mòi… cũng được mời chào nhiệt tình. Ông Đào, chủ cửa hàng “thập cẩm” là người Khmer nhưng nói tiếng Việt rất giỏi.

Bóng tối buông xuống, rời chợ Gò để trở về xã Vĩnh Ngươn, tôi đi giữa cánh đồng lúa xanh rì, nhộn nhịp hàng đoàn người đai hàng lậu hối hả vượt qua biên giới, rồi đưa hàng lên xe máy tăng ga chạy về TX Châu Đốc.

Khó có hồi kết

Tỉnh An Giang có gần 100 km đường biên giới với Campuchia. Ban chỉ đạo 127 tỉnh An Giang (Ban chỉ đạo về chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại) cho biết, càng gần tết, tình hình buôn lậu càng phức tạp.

Năm 2012, tỉnh An Giang phát hiện và xử lý 2.860 vụ, hàng hóa bắt giữ trị giá trên 53,3 tỷ đồng, tăng 5% so với năm trước; số tiền phạt vi phạm hành chính và bán hàng tịch thu trên 23,5 tỷ đồng, tăng 36% so cùng kỳ.

Hàng buôn lậu nhiều nhất vẫn là thuốc lá, được chở bằng mọi loại phương tiện, từ xe máy, ô tô, ghe thuyền trên sông và cả mang xách theo người.

Tiếp theo là đường cát, mỹ phẩm, quần áo, điện máy và cả vàng, USD… thường xuyên được buôn lậu qua biên giới. Trong đó, đã phát hiện nhiều hàng lậu là mỹ phẩm giả.

Theo nhận định của Ban chỉ đạo 127 tỉnh An Giang, buôn lậu được “xã hội hoá” nên rất khó ngăn chặn. Nhất là tình trạng vận chuyển nhỏ lẻ qua các cánh gà, đường mòn, băng qua đồng ruộng, vượt sông, vượt cửa khẩu để tập kết vào các sạp, nhà dân, sau đó toả đi.

Ông Nguyễn Văn Sức, Phó đội trưởng Đội kiểm soát Hải quan (Cục Hải quan tỉnh An Giang), cho biết: “Hàng nhập lậu được vận chuyển vào ban đêm, bằng nhiều thủ đoạn như chia nhỏ, xé lẻ, thuê người vận chuyển bằng xuồng máy có tốc độ cao len lỏi theo các con kênh, sau đó sử dụng xe máy vận chuyển vào nội địa tiêu thụ, nên ngăn chặn rất khó”.

Chợ Châu Đốc (An Giang), cách biên giới Campuchia không xa, đầy ắp hàng hóa ngoại nhập được bày bán công khai với giá rẻ hơn cả chợ bên Gò. Các chủ cửa hàng giới thiệu hầu hết hàng hóa là của Thái Lan.

Một mặt hàng nhập lậu làm đau đầu các nhà sản xuất trong nước và cả các cơ quan chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại từ nhiều năm nay là đường cát Thái Lan.

Hải quan An Giang cho biết, năm qua phát hiện một ghe đường cát vận chuyển trên sông Hậu có nhiều dấu hiệu nghi ngờ là đường cát Thái Lan nhưng được đóng bao là đường cát Bến Tre.

Khi bắt giữ và chuyển mẫu đường, bao bì cho Nhà máy đường Bến Tre thì Nhà máy đường Bến Tre không xác định được đường Bến Tre hay đường Thái Lan!

Hải quan tỉnh An Giang cho biết, đối tượng nhập lậu đường Thái Lan còn có dấu hiệu dùng hóa đơn đấu giá của sở tài chính các địa phương để vận chuyển, buôn bán.

Đây cũng là một vấn đề nan giải trong chống hàng lậu, đó là nếu bị phát hiện và tịch thu lại đem bán đấu giá để thành hàng hoá hợp pháp tung ra thị trường; nhiều lúc làm cho thật giả lẫn lộn.

Trong tháng cận Tết vừa qua, ở tỉnh Đồng Tháp phát hiện 61 vụ vận chuyển, buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng cấm với hàng nhập lậu chủ yếu là rượu ngoại, thuốc lá, hàng tiêu dùng. Tang vật thu giữ: 660 chai rượu ngoại, 38.388 gói thuốc lá ngoại, 62.116 hộp gạch men, 200 kg đường cát…

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Nơi hứng chịu 4 triệu tấn bom đạn
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Nơi hứng chịu 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.