Bộ Nội vụ đề xuất sáp nhập đơn vị hành chính: Giảm 4 huyện, 109 xã

Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân
TPO - Tổng số đơn vị hành chính cấp huyện thực hiện sắp xếp là 12 đơn vị, sau sắp xếp giảm được 4 đơn vị; tổng số đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp là 223 đơn vị, sau khi sắp xếp giảm được 109 đơn vị.

Giải thể 3 cấp xã ở huyện đảo Lý Sơn

Chiều ngày 10/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã trình bày Tờ trình về đề án sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019- 2021 và thành lập một số ĐVHC đô thị của 18 tỉnh, thành phố: Bình Dương, Cao Bằng, Gia Lai, Hậu Giang, Lai Châu, Tiền Giang, Tây Ninh, Quảng Ngãi, Yên Bái, Bắc Kạn, Bến Tre, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Quảng Nam, Quảng Bình, Vĩnh Long, Vĩnh Phúc.

Đáng lưu ý theo ông Tân, việc giải thể toàn bộ 3 ĐVHC cấp xã thuộc huyện đảo lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đã bảo đảm cơ cở pháp lý và thực tiễn. Việc giải thể 3 xã thuộc huyện đảo Lý Sơn để xây dựng mô hình tổ chức chính quyền huyện đảo Lý Sơn (không có ĐVHC cấp xã trực thuộc) là nhằm tinh gọn bộ máy, tăng cường quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của hệ thống chính trị huyện đảo Lý Sơn; đồng thời, tạo sự linh hoạt, chủ động ứng phó khi có sự kiện, tình huống đột xuất, bất ngờ xảy ra, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia trên biển Đông. Mặt khác, hiện nay trên cả nước có 3 huyện đảo là: Bạch Long Vĩ thuộc thành phố Hải Phòng, Cồn Cỏ thuộc tỉnh Quảng Trị và Côn Đảo thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng không tổ chức ĐVHC cấp xã trực thuộc.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với các Đề án sắp xếp, thành lập ĐVHC của 18 tỉnh do Chính phủ trình. Theo đó, tổng số ĐVHC cấp huyện thực hiện sắp xếp là 12 đơn vị, sau sắp xếp giảm được 4 đơn vị; tổng số ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp là 223 đơn vị, sau khi sắp xếp giảm được 109 đơn vị. Ngoài ra, trong đợt này, Chính phủ còn đề nghị thành lập mới 43 ĐVHC ở đô thị, gồm 3 thành phố thuộc tỉnh, 3 thị xã, 27 phường và 10 thị trấn.

Không gây xáo trộn

Tại phiên họp, ông Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc băn khoăn về thực hiện sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã ở tỉnh Cao Bằng. Theo đề án, số lượng ĐVHC cấp huyện ở tỉnh Cao Bằng thực hiện sắp xếp là 6 đơn vị, cấp xã sắp xếp 76 đơn vị. Sau sắp xếp, số lượng cấp huyện của tỉnh Cao Bằng từ 13 giảm xuống còn 10 đơn vị (giảm 3 đơn vị); số lượng cấp xã từ 199 đơn vị giảm xuống còn 161 đơn vị (giảm 38 đơn vị). Theo ông Hà Ngọc Chiến, cần cân nhắc kỹ việc sắp xếp các huyện ở tỉnh Cao Bằng, tránh sự xáo trộn lớn đối với người dân và trên các lĩnh vực.

Cùng quan điểm, ông Trần Văn Túy, Trưởng Ban Công tác đại biểu cũng đề nghị xem xét kỹ việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã ở tỉnh Cao Bằng, tránh việc nhập vào, tách ra rồi lại thay đổi. Bộ Nội vụ và tỉnh Cao Bằng phải có trả lời thỏa đáng những thắc mắc, tâm tư, nguyện vọng của người dân đối với việc sắp xếp ĐVHC ở địa phương này.

Băn khoăn về việc sắp xếp các xã vì liên quan đến yếu tố lịch sử, văn hóa, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, việc xin ý kiến nhân dân về việc sắp xếp các huyện, xã mà chưa được sự đồng thuận của nhân dân thì không nên thực hiện. Theo ông Hiển, Cao Bằng có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh nên việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã cần phải thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng.

Về việc giải thể 3 ĐVHC cấp xã của huyện đảo Lý Sơn, ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đề nghị cân nhắc vì liên quan đến công tác dân cử và quản lý Nhà nước.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu yêu cầu Chính phủ tiếp thu các ý kiến để đánh giá tác động rõ hơn tới người dân. Việc sắp xếp làm sao phải đảm bảo an ninh chính trị và quốc phòng. Nội dung này tiếp tục được đưa ra xem xét tại Phiên họp lần thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 2 tới.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.