Bộ trưởng Công thương nói gì về việc làm xăng giả của đại gia Trịnh Sướng

Ảnh Tiền Phong
Ảnh Tiền Phong
TPO - Bộ Trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cùng Giám đốc Công an Nghệ An trao đổi với phóng viên xoay quanh vụ việc làm giả xăng quy mô lớn, liên quan đến đại gia Trịnh Sướng.

Bên lề kỳ họp Quốc hội sáng 11/6, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, vụ việc xăng giả của đại gia Trịnh Sướng đã được cơ quan công an điều tra, bắt giữ. Với trách nhiệm và chức năng quản lý mặt hàng xăng dầu, Bộ Công Thương đang yêu cầu rà soát lại những vướng mắc trong vấn đề pháp lý, quản lý tại địa phương để xem xét trách nhiệm đến đâu; từ đó siết chặt, đảm bảo hiệu quả quản lý hơn nữa mặt hàng này.

Cùng trao đổi với PV về vụ việc này, ông Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, nơi từng triệt phá vụ việc tương tự cho biết, việc bắt được 1 vụ xăng dầu làm giả rất khó, các cơ quan như quản lý thị trường, khoa học & công nghệ một mình đơn phương không thể làm được.

Theo Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, thủ đoạn của các đối tượng này rất tinh vi: Mua hoá chất sau đó về pha trộn với xăng. Muốn bắt và xử lý pháp luật hình sự thì phải bắt được quả tang, còn bắt trên đường vận chuyển thì không làm gì được. Và khi đó nếu có kiểm định thì cũng chỉ xử phạt vi phạm hành chính về kinh doanh mặt hàng không đảm bảo chất lượng.

Thế nhưng, muốn bắt quả tang những đối tượng như vậy thì phải lập án đấu tranh, phải mất nhiều thời gian, có khi lên tới cả năm trời; ngoài lực lượng công an thì phải cần sự phối hợp rất tốt của ngành khoa học công nghệ trong giám định chất lượng xăng và quản lý thị trường. Từ đó mới mở rộng, kiểm tra sổ sách giấy tờ việc mua bán hoá chất, xăng về phối trộn… Các đối tượng này giống như một loại tội phạm, rất khó phát hiện.

Một vấn đề đặt ra là, theo quy định quản lý mặt hàng xăng dầu đầu vào luôn yêu cầu phải có hoá đơn, chứng từ trong khi quy định của quản lý xăng dầu thì đại lý, tổng đại lý chỉ được lấy từ 1 nguồn phân phối. Nhưng vì sao vẫn có tình trạng xăng giả, xăng lậu tuồn vào hệ thống phân phối?

Về việc này, ông Cầu cho rằng, trong hệ thống của chúng ta, kể cả có lấy xăng dầu đúng nguồn, nhưng lấy phụ phẩm ở nơi khác, sau đó về pha trộn thì gian lận nằm ở khâu này.

“Nhưng như tôi nói, bắt xăng dầu lậu, giả rất khó, một lực lượng quản lý không thể làm được mà cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý. Kinh nghiệm của Nghệ An đã từng triệt phá đường dây buôn xăng giả trước đây, chúng tôi phải lập chuyên án hàng năm trời, theo dõi rất sát nhưng chưa pha trộn thì không bắt được. Phải khi bắt được quả tang họ đang pha trộn thì mới đủ chứng cứ”, Giám đốc Công an Nghệ An chia sẻ.

Về vai trò của cơ quan quản lý thị trường, ông cho rằng, đơn vị này cũng rất khó kiểm soát hết được. “Không phải chỉ riêng mặt hàng xăng dầu, mà còn rất nhiều mặt hàng cần lực lượng quản lý thị trường kiểm soát. Lĩnh vực nào mình cũng muốn làm thì rất khó khi lực lượng mỏng. Mâu thuẫn giữa lực lượng và nhu cầu công việc ngày càng tăng, cái này phải hết sức thông cảm.

Nhưng như tôi đã nói trước đó, bắt được một vụ xăng dầu giả phải cả quá trình rất dài, phối hợp rất nhiều lực lượng với nhau mới bắt được; cho nên quan điểm của tôi đây là thành tích, chứ đừng nghĩ tiêu cực. Nếu họ không bắt được thì hậu quả xã hội sẽ phải chịu nhiều nữa”, đại biểu đoàn Nghệ An cho hay.

MỚI - NÓNG