Bộ trưởng không nên là đại biểu Quốc hội?

Nhiều đại biểu bày tỏ quan điểm rằng, lãnh đạo các tỉnh, bộ trưởng không nên là đại biểu QH ảnh: như ý
Nhiều đại biểu bày tỏ quan điểm rằng, lãnh đạo các tỉnh, bộ trưởng không nên là đại biểu QH ảnh: như ý
TP - Đây là ý kiến của Bộ trưởng Trần Hồng Hà tại phiên thảo luận ở tổ về dự án luật sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức Quốc hội hôm qua (29/10).

Chủ tịch tỉnh cũng không nên là ÐBQH

Ngày 29/10, QH thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. ĐBQH khối hành pháp nhiều, trong khi số ĐB chuyên trách ít, dẫn đến nhiều hạn chế trong hoạt động giám sát là vấn đề được đa số ĐB quan tâm, nêu ý kiến.

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) quan tâm đến dự thảo quy định tỷ lệ ĐBQH chuyên trách không thấp hơn 35%. Bà cho rằng, cần quy định thẳng trong luật để tạo hành lang pháp lý, tạo cơ sở để tăng số lượng ĐB chuyên trách. Bởi theo bà, thể chế chính trị của chúng ta thì cán bộ, công chức có nhiều mối quan hệ ràng buộc, dẫn đến khó nói. Nếu không phải ĐB chuyên trách, khi phát biểu vấn đề gì đó rất cân nhắc: Phát biểu như vậy có ảnh hưởng đến ai không? Có đụng chạm gì đến quyền lợi của cơ quan, địa phương mình hay không? Đó là chưa suy tính tới lợi ích cá nhân, có nên nói hay không, nói như thế nào… Từ đó đã hạn chế phần nào đến chính kiến và bản lĩnh của một ĐBQH.

“TPHCM đang đề nghị gì đó đối với cơ quan nào đó, bây giờ mình phát biểu, chất vấn, phê bình việc gì đó cũng cân nhắc lắm chứ? Tôi cũng có nghe một số ĐB nói lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo bộ có khuyến cáo đừng nói vấn đề này, đừng nói vấn đề kia làm ảnh hưởng đến quyền lợi của địa phương, cơ quan”, bà Tâm ví dụ.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng cho biết, khóa trước bà từng chứng kiến việc một ĐBQH địa phương chất vấn bộ trưởng Công Thương, ngay buổi trưa đã bị bí thư tỉnh ủy tỉnh đó gọi điện nói gay gắt, phê bình “cháy mặt”. “Chuyện đó không phải hiếm. ĐB rơi vào trường hợp đó đương nhiên rất ấm ức. Những chuyện “yếu thế” như vậy đã làm giảm hiệu quả hoạt động giám sát của QH”. Nêu ví dụ này, từ kinh nghiệm làm ĐBQH 5 khóa, trong đó đã 3 khóa hoạt động chuyên trách, bà Nga nhận thấy những người làm việc ở cơ quan dân cử cũng không ít tâm tư, chịu nhiều sự ràng buộc, nhất là trong hoạt động giám sát.

Theo ĐB Nguyễn Văn Được, cần nghiên cứu để tăng chất lượng các kỳ họp QH. “Như bên Trung Quốc 1,4 tỷ dân mà họp QH có nửa tháng thôi. Bây giờ chúng ta họp cả tháng, báo cáo tình hình kinh tế xã hội cũng có phát biểu, khi chất vấn lại cũng phát biểu, các bộ trưởng trả lời, cứ quanh quẩn mãi”, ông Được nói.

Ông Được cũng cho rằng, nên tăng ĐB chuyên trách để nâng cao chất lượng làm luật. “Như trong QH khóa IX, ở đoàn của tôi, có ĐB cả một kỳ họp chẳng phát biểu ý kiến gì cả, thế thì làm sao làm luật được”, ông Được kiến nghị nên tăng ĐBQH chuyên trách từ 35% lên 40 % hoặc hơn nữa, còn ĐB kiêm nhiệm thì “vừa phải thôi”.

“Quốc hội có quyền yêu cầu bộ trưởng giải trình, yêu cầu đến để chất vấn, phải chăng bộ trưởng, chủ tịch UBND không nên là ĐBQH? Như ở các nghị viện thế giới, họ có quyền chất vấn bộ trưởng bất cứ lúc nào, chất vấn cả chủ tịch UBND các địa phương nữa”, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà

Cũng tại phiên thảo luận ở tổ, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà chia sẻ thẳng thắn rằng, các ĐB như ông ở cơ quan thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm công tác quản lý, cơ chế chính sách pháp luật, khâu tổ chức thực hiện… “Bây giờ hỏi nhiều câu bộ trưởng không nắm được đâu, rồi bị nhân dân phê bình, nhưng thực tế thẩm quyền đó đã phân cấp cho địa phương”, ông nói, đồng thời nhận định, cơ cấu ĐBQH vẫn chưa thực sự đổi mới khi nhiều bộ trưởng, thậm chí một số chủ tịch UBND tỉnh làm ĐBQH, dẫn đến thực tế khó khăn trong chỉ đạo, điều hành.

“QH có quyền yêu cầu bộ trưởng giải trình, yêu cầu đến để chất vấn, bộ trưởng, chủ tịch UBND không nên là ĐBQH? Như ở các nghị viện thế giới, họ có quyền chất vấn bộ trưởng bất cứ lúc nào, chất vấn cả chủ tịch UBND các địa phương nữa. Tôi nghĩ lần này sửa luật nếu thay đổi thì cũng là bước thay đổi hoạt động của chúng ta”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu, và đề nghị tăng số lượng ĐBQH chuyên trách lên 50 - 60%, đồng thời giảm số lượng ĐB khối cơ quan hành pháp.

Giảm khối hành pháp, tăng lên 4 kỳ họp mỗi năm

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cũng cho rằng, ĐBQH thuộc khối hành pháp hiện nay quá nhiều. Nếu so sánh số ĐBQH ở nước ta trong suốt mấy chục năm ở các nhiệm kỳ thì càng ngày ĐB hành pháp càng tăng lên. Theo ông, điều này không cần thiết, gây ra khó khăn bởi những ĐB này phải đội 2 “mũ” một lúc, họ kẹt nên nhiều lúc không biết nên nói theo “mũ” nào. Cử tri muốn ĐB phải nói việc này, nhưng ông ấy không nói được vì là người của cơ quan hành pháp. Nhân dịp sửa này, ông Nghĩa đề nghị nghiên cứu sửa vấn đề này và nâng số lượng ĐB chuyên trách. Một số công chức về hưu như bộ trưởng, thứ trưởng, đưa vào làm ĐB chuyên trách rất tốt.

Trưởng Ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính cũng cho rằng, chủ trương của Đảng là tăng số lượng ĐBQH chuyên trách. Trong đó nên nghiên cứu tăng ĐBQH chuyên trách theo hướng các ĐB sau khi hết tuổi làm công tác quản lý ở QH mà có kinh nghiệm, uy tín, đủ sức khỏe, có năng lực và tâm huyết, mong muốn cống hiến thì nên xây dựng cơ chế để các ĐB này sau khi thôi làm nhiệm vụ quản lý có thể ứng cử tham gia làm ĐB chuyên trách.

Cùng quan điểm, ĐB Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) cho rằng, trong luật sửa đổi lần này cũng nên quy định tuổi của ĐBQH chuyên trách, được kéo dài hơn so với lao động bình thường. Bởi theo ông hiện nay thẩm phán tòa án nhân dân tối cao, rồi kiểm sát viên Viện kiểm sát tối cao thì đã được quy định về kéo dài độ tuổi lên 65. Mà QH không quy định thì sau này rất khó xử lý.

“Khi chúng tôi đi các nước thì thấy ĐBQH có độ tuổi 70 - 80 là rất nhiều. Trên thực tế những ĐBQH chuyên trách làm nhiều nhiệm kỳ, họ đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm, tinh thần trách nhiệm, tính chiến đấu rất cao. Với đặc thù của QH thì đóng góp của những người lớn tuổi rất lớn và có ý nghĩa cho QH”, ông Ngọ Duy Hiểu nêu quan điểm, đồng thời đề xuất nâng lên 4 kỳ họp trong một năm, thay vì 2 kỳ như hiện nay để ĐBQH có nhiều thời gian kết hợp công việc chuyên môn và công việc QH.

Bộ trưởng không nên là đại biểu Quốc hội? ảnh 5
 
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.