80 năm Khởi nghĩa Bắc Sơn Hào khí xưa, khát vọng nay…Kỳ 4:

Ca khúc Bắc Sơn ra đời như thế nào?

Tướng Giáp và NS Văn Cao
Tướng Giáp và NS Văn Cao
TP - Ca khúc Bắc Sơn của nhạc sĩ tài danh Văn Cao đã và đang sẽ nữa, lay động bao con tim của nhiều thế hệ.

Bắc Sơn được Văn Cao sáng tác năm 1946, trùng với thời điểm một loạt ca khúc Không quân Việt Nam, Hải quân Việt Nam… Hai ca khúc nói trên ra đời vào thời điểm lực lượng vũ trang cách mạng chưa có hai binh chủng ấy. Và cũng ít được hát cũng như trình diễn. Nhưng sau này chế độ Việt Nam Cộng hòa (VNCH) đã lấy ca khúc Không quân Việt Nam làm hành khúc chính thức cho lực lượng không quân VNCH mặc dù Văn Cao ra sức phản đối! Có lẽ cũng hy hữu rằng có hai ông nhạc sĩ cách mạng là Lưu Hữu Phước và Văn Cao có các ca khúc mà người bên kia trận tuyến tự tiện lẫn hồn nhiên mang xài mà lờ tịt đi những phản ứng, phản đối! Tiếng gọi Thanh niên của Lưu Hữu Phước trở thành giai điệu… quốc ca chính thức của VNCH. Và Không quân VN của Văn Cao. Kể ra như thế để thấy một lớp nhạc sĩ tài danh Việt một thuở một thời trong đó có Văn Cao.

Trở lại ca khúc Bắc Sơn nổi tiếng như thế nào ư? Phạm vi rộng lớn như cả nước và hải ngoại thì chưa dám bàn, nhưng qua thống kê của ngành tuyên giáo Lạng Sơn nói chung và Bắc Sơn nói riêng thì có đến 80% dân Lạng Sơn và Bắc Sơn thuộc toàn phần và một phần ca khúc Bắc Sơn của Văn Cao! Có một phường ở Bắc Sơn, tiêu chuẩn để kết nạp Đảng là phải thuộc ca khúc Bắc Sơn và vài điệu sli (hát lượn) của dân tộc Tày chiếm phần lớn người xứ Lạng!

Chắc hẳn nhiều người biết nhạc sĩ Văn Cao có ông con trông tốt tướng như bố là nhạc sĩ kiêm họa sĩ Văn Thao. Người viết bài này may mắn được Văn Thao kể cho nghe một chuyện gần như là giai thoại. Chuyện ca khúc Bắc Sơn chưa ra đời đã có người biết và cảm được… Bắc Sơn! Ấy là nhà văn Nguyễn Huy Tưởng.

Như thiên hạ từng biết, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng từng sáng tác vở kịch năm hồi Bắc Sơn. Bắc Sơn từng được các thế hệ học trò Việt biết đến qua chương trình học văn lớp 9.

Trước khi vở Bắc Sơn được công diễn tại Nhà hát lớn tháng 4 năm 1946 gần một tuần thì thi sĩ Xuân Diệu ào đến nhà in Rạng Đông nơi nhạc sỹ Văn Cao làm việc kiêm luôn bảo vệ.

"Cậu làm nhạc cho vở kịch Bắc Sơn của Nguyễn Huy Tưởng đấy à?". Văn Cao ngạc nhiên: "Mình chỉ được hắn cho xem kịch bản chứ có thấy nói năng gì tới việc nhờ mình làm nhạc đâu”. Xuân Diệu cười nói: "Tớ thấy tên cậu trên pa-nô quảng cáo treo khắp phố nên mới qua đây hỏi”. Văn Cao lắc đầu:  "Nguyễn Huy Tưởng bỏ bom mình rồi”.

Họa sĩ Văn Thao nói chuyện do người chị ruột của vợ nhạc sỹ Văn Cao sau này kể lại.

Ca khúc Bắc Sơn ra đời như thế nào? ảnh 1 Nhóm tượng trước Bảo tàng Bắc Sơn, Lạng Sơn

… Bữa cơm trưa hôm đó, người nhà thấy Văn Cao đăm chiêu như nghĩ ngợi điều gì đó trong suốt bữa ăn. Khi người nhà định dọn mâm bát, ông ngăn lại. Mọi người thấy ông lấy đũa gõ vào từng chiếc bát rất chăm chú … Sau đó ông xếp những chiếc bát trước mặt lần lượt theo âm thanh từ thấp đến cao tạo thành một bộ đàn gõ bằng bát. Văn Cao lấy đũa gõ tới gõ lui… Những âm thanh sinh sắc ngân lên giữa đám bát đũa vô hồn…

Một hồi lâu cứ thế…  Văn Cao, khuôn mặt như bừng sáng. Ông lặng lẽ đứng dậy ngồi vào bàn trước cây đàn piano trong khi người nhà rinh bộ đàn bát đi rửa. Ca khúc "Bắc Sơn" đã ra đời như thế đấy.

Nghe Văn Thao kể tới đó, không ai bảo ai, tất thảy chúng tôi vớ lấy đũa bát. Và gõ lẫn hát. Giai điệu hào hùng của bài Bắc Sơn thoắt trỗi  lên: Ôi còn đâu đây sắc chàm pha màu gió/ Đau lòng bao năm sống lầm than đây đó/ Ai về châu xưa nhớ hồi máu thắm cây rừng/ Còn vang khe núi tiếng quân oai hùng…”  “Toán chiến sĩ bước về châu xưa xây đồn/ Đoàn người Việt mới quyết hy sinh một lòng/ Gươm đao chung sức phá xiềng cùng chặt gông/ Ra tay đắp nền xây châu Bắc Sơn…” .

Ca khúc Bắc Sơn ra đời như thế nào? ảnh 2 Nhạc sĩ Văn Thao con trai nhạc sĩ Văn Cao
Ca khúc Bắc Sơn ra đời như thế nào? ảnh 3

Câu chuyện tiếp theo là cả một sự ngậm ngùi!

Khoảng trung tuần tháng 9/1980 tôi đến thăm cha tôi tại căn gác nhỏ ở 108 Yết Kiêu. Ông bảo tôi:

- Huyện ủy Bắc Sơn vừa về đây mời bố lên dự lễ kỷ niệm 40 năm khởi nghĩa Bắc Sơn, nếu con rảnh thì đi cùng bố. Họ sẽ cho xe về đón.

Tôi mừng quá, nhận lời ngay.

- Bao lần bố muốn lên thăm Bắc Sơn mà không được. Là tác giả của bài hát "Bắc Sơn" nhưng lại không biết Bắc Sơn ở đâu.

Nhưng rồi cuộc đi lên Bắc Sơn năm đó không thành. Ngày Huyện ủy, Ủy ban nhân dân Bắc Sơn cho xe về đón, cha tôi lại bị ốm nên không đi được.

Nhớ lần đã lâu, tôi ngồi với  Nguyễn Huy Thắng, ông hàng xóm NXB Kim Đồng gần như áp tường với Tòa soạn Báo Tiền Phong. Chuyện mới non buổi mà tôi may mắn được người con trai của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng gần như lục lọi mọi ngõ ngách trong hồi ức của người cha…

 Nói có sách, xin lỗi có báo! Nhà văn Nguyễn Huy Thắng  có trong tay bản chụp của nhiều tờ báo khi ấy viết về sự kiện công diễn vở Bắc Sơn đêm (6/4/1946) tại sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội.

Phần lớn các báo đánh giá cao về kịch bản cũng như vở diễn: “Bắc Sơn xứng đáng là vở kịch cách mạng thành công nhất từ trước tới nay” (Tờ báo Vì nước, 5/4), hay “Bắc Sơn mở ra một nền kịch mới” (Tờ báo Kiến thiết,  ra ngày 14/4  “Bắc Sơn quyến rũ được người xem, vì vở kịch có nhiều lúc rất cảm động, hồi hộp” (Đồng minh, 7/4)…

Ca khúc Bắc Sơn ra đời như thế nào? ảnh 4
Ca khúc Bắc Sơn ra đời như thế nào? ảnh 5 Nhạc sĩ Văn Thao và Chu Thành- con trai Chu Văn Tấn.

Các báo cũng đề cập đến hai thành phần quan trọng góp vào sự thành công: âm nhạc và mỹ thuật.  “Bản nhạc Bắc Sơn, một tác phẩm mới của Văn Cao, được ban âm nhạc Vệ quốc đoàn trình bày một cách đích đáng… Bài trí của Trần Đình Thọ, cũng đơn giản như tất cả những bài trí của họa sĩ ấy, mà không thiếu thắm tươi” (Tờ Độc lập, 7/4).

Tôi còn được nhà văn Nguyễn Huy Thắng tặng cho tấm ảnh chụp bìa  cuốn kịch Bắc Sơn do Hội Văn hóa cứu quốc xuất bản, tháng 7/1946.

Sau này nhà văn Như Phong trong hồi ức Vài kỷ niệm về Nguyễn Huy Tưởng đã hồi tưởng lại ấn tượng khó quên của đêm công diễn Bắc Sơn đêm 6/4/1946: “Anh em Văn hóa cứu quốc có mặt hầu như đầy đủ. Hôm ấy, mới đầu còn hồi hộp, nghe ngóng, phấp phỏng, nhưng rồi thấy người xem nhiệt liệt hoan nghênh, thấy vở kịch của Nguyễn Huy Tưởng đã chinh phục được lòng người, ai nấy đều thấy trào dâng lên đầy ắp lồng ngực một niềm phấn khởi to lớn, một sự tự hào về người bạn đồng đội của mình. Nguyễn Huy Tưởng đã thành công rực rỡ”. Còn bản thân tác giả cũng như bị cuốn vào không khí tưng bừng của đêm diễn. Nhật ký những ngày này của ông cho biết: “Mải đi xem Bắc Sơn quên cả mua thuốc cho con. Con tinh thần trọng hơn con đẻ” ( Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng, 5 - 6/6/ 1946)…        

(Còn nữa)

 

Văn Cao, khuôn mặt như bừng sáng. Ông lặng lẽ đứng dậy ngồi vào bàn trước cây đàn piano trong khi người nhà rinh bộ đàn bát đi rửa. Ca khúc "Bắc Sơn" đã ra đời như thế đấy.

MỚI - NÓNG