Cấp phép bến thủy nội địa: Cử tri hỏi, Sở GTVT trả lời vòng vo

Cấp phép bến thủy nội địa: Cử tri hỏi, Sở GTVT trả lời vòng vo
TPO - Tại kỳ họp thứ 7 – HĐND tỉnh Bình Dương khóa IX vừa diễn ra, vấn đề cử tri tại tỉnh này quan tâm là việc hàng loạt các doanh nghiệp được cấp phép hoạt động bến thủy nội địa trong lòng hồ Dầu Tiếng. 

Trong khi, cử tri đặt nhiều câu hỏi xoay quanh vấn đề pháp lý và cần được trả lời cụ thể thì Sở GTVT tỉnh Bình Dương (đơn vị được đề nghị trả lời) lại vòng vo, trả lời không thuyết phục khiến cử tri không hài lòng.

Tại kỳ họp HĐND tỉnh Bình Dương vừa diễn ra, cử tri Hà Thanh thuộc tổ đại biểu TX. Thuận An chất vấn: thời gian qua, hoạt động của các bến bãi tập kết cát tại huyện Dầu Tiếng rất phức tạp. Hiện, có bến bãi nào không phép mà vẫn hoạt động hay không? Trả lời câu hỏi này, lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Bình Dương cho biết, từ trước đến nay đơn vị này đã cấp phép cho 19 bến thủy nội địa. Hiện nay, trong lòng hồ Dầu Tiếng chỉ còn 15 giấy phép còn hạn hoạt động.

“Qua kiểm tra, vào tháng 5/2018 phát hiện có 3 bến thủy nội địa hoạt động không giấy phép. Qua đó, đã buộc đình chỉ các đơn vị không phép. Tuy nhiên, vẫn không loại trừ khả năng hiện tại còn có bến thủy nào đó lén lút hoạt động”, lãnh đạo Sở GTVT Bình Dương trả lời. Trước câu trả lời này, cử tri tỏ ra không hài lòng vì cho rằng, cơ quan chức năng nói thường xuyên kiểm tra và giám sát rất chặt chẽ vậy vì sao lại nói vẫn không loại trừ khả năng bến thủy hoạt động lén lút?.

Cấp phép bến thủy nội địa: Cử tri hỏi, Sở GTVT trả lời vòng vo ảnh 1 Bến thủy nội địa tại xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương

Cử tri Nguyễn Thanh Trung thuộc tổ đại biểu TX. Thuận An chất vấn thêm: Hiện tại, hồ Dầu Tiếng phần thuộc xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương có trên 20 bến thủy nội địa hoạt động dẫn đến nhiều hệ lụy, bức xúc trong dư luận. Theo quy định tại khoản 2, Thông tư 50/2014TT-BGTVT quy định về quản lý cảng, bến thủy nội địa thì việc đầu tư xây dựng cảng, bến thủy nội địa phải phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt. Hiện nay, Sở GTVT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành bến thủy nội địa của tỉnh Bình Dương hay chưa?

“Nếu có, xin cho biết trên địa bàn huyện Dầu Tiếng được quy hoạch bao nhiêu bến thủy, khoảng cách giữa các bến là bao nhiêu? Thời gian tới, Sở GTVT còn tiếp tục cấp phép bến thủy tại Dầu Tiếng nữa không? Trong trường hợp nếu chưa có, thì việc cấp phép các bến thủy nội địa trong thời gian qua dựa trên cơ sở nào?”, cử tri Trung hỏi.

Lãnh đạo Sở GTVT Bình Dương cho biết, Sở GTVT đã trình cấp có thẩm quyền và ngày 28/6/2018 (tức thời gian duyệt mới đây nhưng bến thủy hoạt động từ rất lâu) UBND tỉnh Bình Dương đã có Quyết định số 1733/QĐUBND phê duyệt quy hoạch cảng, bến thủy nội địa. “Việc chưa có quy hoạch bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh đã gặp rất nhiều khó khăn, lung túng trong trong công tác tham mưu, quản lý. Để đáp ứng nhu cầu của cá nhân, doanh nghiệp Sở GTVT vẫn phải xem xét cấp phép đối với đơn vị có nhu cầu xây dựng bến thủy nội địa. Sở luôn có văn bản lấy ý kiến của UBND huyện Dầu Tiếng và Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Dầu Tiếng – Phước Hòa và hiện 17 giấy phép bến thủy đều có sự đồng ý của hai đơn vị này”, lãnh đạo Sở GTVT Bình Dương trả lời cử tri.

Trước câu trả lời trên, cử tri lại tiếp tục tỏ ra không hài lòng vì cho rằng, việc cấp phép bến thủy khi chưa có quy hoạch là chưa đúng. Trong khi, hàng chục bến thủy hoạt động từ nhiều năm nay thì UBND tỉnh Bình Dương mới đây (ngày 28/6/2018) mới có quyết định phê duyệt quy hoạch. Việc Sở GTVT chỉ lấy ý kiến của hai đơn vị dưới cấp mình (UBND huyện Dầu Tiếng và Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Dầu Tiếng – Phước Hòa) để cấp bến thủy nội địa cho doanh nghiệp là chưa đúng. Bởi lẽ, hồ Dầu Tiếng thuộc hồ an ninh quốc gia, do đó việc cấp phép bến thủy phải qua nhiều trình tự pháp lý và cơ quan bộ mới có quyền quyết định.

Cử tri Nguyễn Thanh Trung truy tiếp, theo quy định, bến thủy nội địa là công trình độc lập có quy mô nhỏ gồm vùng đất và vùng nước trước bến để phương tiện thủy nội địa neo, đậu, xếp hàng hóa, đón, trả khách… khi cấp phép bến thủy nội địa Sở GTVT có xem xét đến vùng đất trước bến có được sử dụng vào mục đích kinh doanh? Hầu hết vùng đất trước các bến thủy đã cấp phép hiện nay là vùng đất bán ngập đất bảo vệ hành lang sông hồ hay đất sản xuất nông nghiệp… vậy công tác kiểm tra đối với các bến thủy này như thế nào?

Trong khi câu hỏi rất thẳng thắn và rõ ràng từ cử tri, đại diện lãnh đạo Sở GTVT Bình Dương lại chỉ trả lời ngắn gọn, khi xét cấp phép cho các bến thủy nội địa khu vực lòng hồ Dầu Tiếng ngoài việc tuân thủ quy định phải có ý kiến của Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Dầu Tiếng – Phước Hòa (đơn vị quản lý hồ).

Liên quan đến việc xe quá tải chở cát gây mất an toàn giao thông, ô nhiễm bụi cát, phá nát đường, cử tri Nguyễn Phương Linh thuộc tổ đại biểu huyện Dầu Tiếng hỏi Sở GTVT làm gì để kiểm soát tình hình và ngăn chặn, xử lý xe quá tải thì đại diện sở này cho biết đã phối hợp các đơn vị liên quan để kiểm tra, xử lý đảm bảo an toàn giao thông nhưng lại cho biết Thanh tra Giao thông triển khai trạm kiểm tra trọng tải xe lưu động trên địa bàn TX. Tân Uyên.

Sở GTVT tỉnh Bình Dương cũng cho biết, đã tiến hành duy tu, sửa chữa với kinh phí hàng năm là: 9,9 tỷ đồng (năm 2016); 15,8 tỷ đồng (năm 2017); 11,7 tỷ đồng (năm 2018). Trước kinh phí bỏ ra hàng năm lên đến hàng chục tỷ để duy tu đường do xe quá tải phá nát, cử tri “truy” việc cấp phép cho bến thủy thu ngan sách bao nhiêu trong khi knh phí phải bỏ ra khá lớn cho việc sửa lại đường hằng năm? Tuy nhiên, câu hỏi của cư tri chưa được cơ quan chức năng trả lời rõ ràng.

Trước đó, sau khi Tiền Phong thực hiện loạt bài “cát tặc” trên hồ Dầu Tiếng, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình đã có công văn chỉ đạo lãnh đạo tỉnh Bình Dương- Tây Ninh vào cuộc xử lý nạn khai thác cát và lập bến bãi trái phép tại hồ Dầu Tiếng, báo cáo Thủ tướng trước 15/8. 

MỚI - NÓNG
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPO - Người tự nhận có thể cầu mưa cho TPHCM nhận lỗi; Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn phải nộp thêm 400.000 USD và 100 triệu đồng; Nam thanh niên trộm chó trong tích tắc; Siêu tàu cao tốc từ TPHCM - Côn Đảo chính thức hoạt động; Đốn hạ hơn 400 cây xanh để làm tuyến Metro số 2,... là những tin tức đáng chú ý tại TPHCM tuần qua.