Chỉ 5% cụm công nghiệp có xử lý nước thải tập trung

Chỉ 5% cụm công nghiệp có xử lý nước thải tập trung
TP - Tại Diễn đàn Bảo vệ môi trường-những vấn đề cấp bách diễn ra chiều qua ở Văn phòng Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, cả nước có 615 cụm công nghiệp nhưng chỉ có 5% có hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Kết quả thanh tra mới nhất cho thấy, nhiều cụm công nghiệp, khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung nhưng không hoạt động. Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, năm 2016, các sự cố môi trường xảy ra từ biển đến sông hồ, từ thủ đô cho đến các địa phương vùng sâu vùng xa. Điều này cho thấy vấn đề môi trường rất cấp bách. Cùng với quá trình phát triển kinh tế, môi trường đã đến ngưỡng chịu đựng.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong số 283 khu công nghiệp, khoảng 70% có đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung. Tuy nhiên, vừa qua, trong đợt thanh tra, kiểm tra 137 cơ sở xả thải có nguồn xả thải  có công suất lớn hơn 200m3 một ngày (đợt thanh tra này thực hiện sau sự cố Formosa-PV), có 30 khu công nghiệp, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung nhưng không hoạt động. Đặc biệt, trong số 615 cụm công nghiệp chỉ có 5% có hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung.  Các KCN, cụm công nghiệp còn lại hoặc tự xử lý nước thải hoặc xả trực tiếp ra môi trường. Hơn 4.500 làng nghề hầu hết sử dụng công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường.

Việt Nam có hơn 500.000 cơ sở sản xuất, trong đó có nhiều loại hình sản xuất ô nhiễm, công nghệ lạc hậu, mỗi năm phát sinh hơn 630.000 tấn chất thải công nghiệp nguy hại, hơn 17.000 tấn chất thải y tế nguy hại. Mỗi năm sử dụng hơn 100.000 tấn hóa chất bảo vệ thực vật nhưng tới 80% sử dụng sai mục đích,không đúng kỹ thuật, từ 50-70% không được cây trồng hấp thụ mà thải ra môi trường. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng kiểm tra và phát hiện khoảng hơn 100 lò đốt rác thải sinh hoạt công suất nhỏ có nguy phát thải dioxin, furan, gây ô nhiễm môi trường không khí.

Theo  Bộ trưởng Trần Hồng Hà, những dòng công nghệ lạc hậu 2-3 thế hệ đã, đang và sẽ vào Việt Nam nếu không có giải pháp kịp thời. Trong số 5 yếu tố là cơ sở để các nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn Việt Nam thì có yếu tố quản lý môi trường chưa tốt, lỏng lẻo trong khi thuế phí môi trường chỉ bằng 1/5 các nước.

Một số giải pháp được Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra để giải quyết các vấn đề môi trường như đẩy mạnh quy hoạch môi trường, ban hành hệ thống tiêu chí sàng lọc, công bố công khai ngành công nghiệp ô nhiễm và không chấp nhận cho đầu tư.

Đặc biệt, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất rà soát, điều chỉnh các cơ chế tài chính, huy động các nguồn lực cho bảo vệ môi trường, nhất là cơ chế huy động trên nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả đúng, trả đủ chi phí xử lý, khắc phục, chuyển phí thành giá trong dịch vụ xử lý các vấn đề môi trường. Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, đây là giải pháp quan trọng nhất hiện nay.

MỚI - NÓNG