Chủ tịch Hà Nội: Cắt giảm, đơn giản hóa 154 giấy phép con từ đầu năm

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại hội nghị
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại hội nghị
TPO - Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, từ ngày 1/1/2020 đến nay, thành phố đã cắt giảm, đơn giản hóa 154 thủ tục hành chính, giấy phép con. Đã đưa 249/249 dịch vụ công lên cổng dịch vụ công quốc gia. Chỉ số cải cách hành chính 3 năm liên tiếp xếp vị trí thứ 2. Sau phát biểu của lãnh đạo UBND Thành phố, nhiều đại biểu, doanh nghiệp đã đóng góp ý kiến cho Thủ đô.   

Phát biểu tại Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển” ngày 27/6, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, Hội nghị là một trong các nội dung công việc quan trọng nhất, trong nhiều nội dung, mà thành phố Hà Nội đã triển khai, nhằm thực hiện nhiệm vụ “kép”, vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, do tác động của đại dịch Covid-19. Đồng thời, đây cũng là một trong chuỗi, các sự kiện, hoạt động của Thành phố, để lập thành tích chào mừng Đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ Thành phố, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, “mỗi người dân là một chiến sỹ trên mặt trận chống dịch”, Thành phố đã triển khai quyết liệt nhiều biện pháp đồng bộ, vừa ngăn chặn dịch bệnh, vừa đảm bảo thực hiện nhiệm vụ “kép”, vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh - quốc phòng.

Song song với công tác phòng, chống dịch, các nhiệm vụ đảm bảo cho phát triển sản xuất, kinh doanh, các sinh hoạt của người dân, hoạt động của cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp, công tác đảm bảo an sinh xã hội, an ninh - quốc phòng được Thành phố đặc biệt quan tâm. Mọi nội dung công tác nêu trên, đều dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Thành ủy, sự giám sát chặt chẽ của Hội đồng nhân dân Thành phố.

Thành phố đã khẩn trương rà soát, giãn, hoãn, hơn 17.500 tỷ đồng tiền thuế cho các doanh nghiệp trên địa bàn, chiếm 45% của cả nước. Đồng thời, triển khai các chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư trong nước và nước ngoài.

Từ đầu năm 2020 đến nay, đã cắt giảm, đơn giản hóa 154 thủ tục hành chính, giấy phép con. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đến ngày 30/6/2020 đạt 100%. Phấn đấu đến ngày 30/9/2020, 100% doanh nghiệp ứng dụng, sử dụng hóa đơn điện tử. Đã đưa 249/249 (đạt 100%) dịch vụ công lên cổng dịch vụ công quốc gia. Chỉ số PCI hai năm liên tiếp (2018, 2019) đứng thứ 9. Chỉ số gia nhập thị trường tăng 53 bậc so với năm 2015. Chỉ số cải cách hành chính 3 năm liên tiếp xếp vị trí thứ 2. Số lượng doanh nghiệp công nghệ thông tin, các chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin, chỉ số về đào tạo lao động, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp luôn trong nhóm dẫn đầu cả nước.

Đồng thời, đẩy nhanh xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông; số hóa cơ sở dữ liệu, xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi nhanh sang nền kinh tế số; xây dựng Thành phố hướng tới là Thành phố thông minh; thúc đẩy khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo; thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, giảm dùng tiền mặt. Thúc đẩy tái cơ cấu lại sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tự động hóa nhằm nâng cao năng suất lao động,… Tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, đẩy nhanh giải ngân trong đầu tư công.

Chủ tịch Hà Nội: Cắt giảm, đơn giản hóa 154 giấy phép con từ đầu năm ảnh 1

Quang cảnh Hội nghị.

Diện mạo đô thị ngày càng khang trang, xanh và sạch hơn. Các tuyến đường giao thông kết nối; các tuyến đường vành đai; trục đường hướng tâm; một số tuyến đường sắt đô thị; các công trình để giảm thiểu ùn tắc giao thông được tập trung đầu tư. Tập trung chuẩn bị các điều kiện để thành lập các quận mới: Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng. 

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho rằng, những kết quả đạt được của Thành phố, có dấu ấn của sự đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, của các nhà đầu tư trong suốt những năm vừa qua; sự đồng tình, ủng hộ của mọi tầng lớp Nhân dân Thủ đô và Nhân dân cả nước. Sự đồng hành này, khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư đối với Thành phố. Đồng hành cùng Thành phố quyết tâm thực hiện mục tiêu “kép”. Phấn đấu năm 2020, đạt mức tăng trưởng kinh tế cao hơn 1,3 lần mức trung bình của cả nước; và thu đủ ngân sách theo dự toán Chính phủ giao là 285.000 tỷ đồng.

Chủ tịch Chung thông báo: Tại Hội nghị hôm nay, Thành phố sẽ tiến hành trao giấy chứng nhận đầu tư cho 229 dự án, với tổng số vốn: 405.570 tỷ đồng (tương đương 17,6 tỷ USD) với số vốn tăng thêm 270.458 tỷ đồng. Trong đó: 100 dự án trong nước, với số vốn 227.499 tỷ đồng (vốn tăng thêm 192.215 tỷ đồng); 22 dự án đầu tư vốn FDI, số vốn 5,7 tỷ USD, vốn tăng thêm 3,4 tỷ USD; và 107 dự án đầu tư công. Tổng số dự án, số vốn tăng, tương ứng gấp 5 lần và 11 lần so với Hội nghị xúc tiến đầu tư 2016.
Các dự án đầu tư này, tập trung vào các lĩnh vực: 25 cụm công nghiệp với 490,8 ha; 800 nghìn m2 nhà ở xã hội; 3 khu đô thị; Du lịch - dịch vụ; Trụ sở văn phòng; Văn hóa - xã hội; Tài chính - Ngân hàng; hạ tầng đô thị; hạ tầng giao thông;…

229 dự án được chia làm 3 nhóm: Nhóm các dự án trao Quyết định chủ trương tại Hội nghị gồm có 103 dự án với tổng số vốn 250.154 tỷ đồng; Nhóm các dự án trao quyết định ghi nhận đề xuất tại Hội nghị có 19 dự án với tổng số vốn 109.849 tỷ đồng tỷ đồng (Những dự án này sẽ được Thành phố hoàn thiện hồ sơ trong Quý III/2020); Nhóm 107 dự án đầu tư công của Thành phố đang được 05 Ban quản lý dự án Thành phố và các quận, huyện, thị xã triển khai quyết liệt với số vốn 45.567 tỷ đồng. Phấn đấu hết Quý III khởi công toàn bộ số các dự án đầu tư công của của Thành phố. Đến 31/12/2020, hoàn thành 78/107 dự án.

Cũng tại Hội nghị, Thành phố cùng các nhà đầu tư ký kết 38 Biên bản ghi nhớ với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 28,6 tỷ USD, trong đó: 26 đề xuất của nhà đầu tư trong nước (dự kiến khoảng 20,5 tỷ USD); 12 đề xuất của nhà đầu tư nước ngoài (dự kiến khoảng 8,32 tỷ USD).
Hướng tới mục tiêu, xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố “Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, thành phố thông minh, Thành phố sáng tạo, là nơi đáng sống, phát triển năng động, có sức cạnh tranh cao; tham gia nhiều hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Sự thân thiện của cán bộ chưa được đánh giá cao

Phát biểu tại Hội nghị, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, Hà Nội là một trong những Thủ đô đầu tiên trên thế giới kiềm chế được dịch Covid-19 và bước vào tái khởi động nền kinh tế, đây là một kỳ tích.

Hà Nội tổ chức hội nghị hôm nay nhằm bắt đầu giai đoạn phát triển mới. Đây là hội nghị có quy mô lớn nhất ở cấp độ địa phương, có tính chuyên nghiệp, sáng tạo, hiệu quả. Tên Hội nghị “Hợp tác đầu tư và phát triển” thể hiện thông điệp và tầm nhìn của Hà Nội trong hợp tác để phát triển.

“Hội nghị được tổ chức trong bối cảnh cơ hội đón làn sóng đầu tư mới. Với lợi thế của mình, Hà Nội sẽ là tuyến đầu trong tiếp nhận làn sóng đầu tư mới này”, ông Vũ Tiến Lộc tin tưởng.

Tại hội nghị, nhiều biên bản ghi nhớ được ký kết, nhiều dự án đầu tư được cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Để thực hiện thành công các dự án, tận dụng làn sóng đầu tư mới và lan tỏa làn sóng này ra cả nước, thành phố cần phục vụ tốt nhất những dự án của các doanh nghiệp hiện có, bởi đây là cách xúc tiến quan trọng nhất”.

Chủ tịch Hà Nội: Cắt giảm, đơn giản hóa 154 giấy phép con từ đầu năm ảnh 2 Lãnh đạo VCCI phát biểu góp ý tại Hội nghị.

Tuy nhiên, lãnh đạo VCCI cũng nhấn mạnh: “Tính tiên phong của lãnh đạo thành phố Hà Nội luôn ở top dẫn đầu nhưng sự thân thiện của một bộ phận công chức cấp dưới chưa được đánh giá cao. Vì vậy, Hà Nội nên nghiên cứu xây dựng bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp quận, huyện để có thể phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn”.

Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) Virginia B. Foote cho biết, doanh nghiệp Hoa Kỳ đánh giá cao việc thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển”. Không chỉ vậy, thời gian qua, Hà Nội đã cho thấy nỗ lực rất tích cực, đúng hướng nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển, nhất là có nhiều hành động rất tích cực để bảo vệ môi trường, xử lý các vấn đề ô nhiễm không khí, xử lý rác thải, hạn chế các nguồn phát thải, phát triển phương tiện giao thông công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân... Cách thức mà Hà Nội thực hiện đã tạo ra một nền kinh tế tuần hoàn mạnh mẽ hơn.

Thời gian tới, AmCham đề nghị Hà Nội tiếp tục thực hiện mạnh mẽ theo hướng này. Đồng thời để thu hút đầu tư hiệu quả hơn, Hà Nội nên tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là xây dựng hệ thống thuế, kiểm toán tốt hơn. Đặc biệt, Hà Nội nên tập trung đầu tư thêm kết hợp với cải tạo, nâng cấp để có nhiều khu công nghiệp hiện đại, có đủ cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần chu đáo cho các nhà đầu tư.

"Chúng tôi tin tưởng, với sự nỗ lực của thành phố cùng xu hướng tăng cường hợp tác ngày càng mạnh mẽ của Chính phủ hai nước Việt Nam, Hoa Kỳ, Hà Nội sẽ ngày càng thu hút được mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư và phát triển", bà Virginia B. Foote nói.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.