Chưa xác định được 'thủ phạm' khiến sông Cái Lớn ô nhiễm đen kịt

TPO - Liên quan đến sự cố ô nhiễm sông Cái Lớn ở Hậu Giang hồi năm 2019, theo kết quả bước đầu, nguyên nhân chính là do hoạt động xả thải của nhà máy đường. Tuy nhiên, sau khi Tổng cục Môi trường vào cuộc, đến nay vẫn chưa rõ nguyên nhân chính.

Như Tiền phong đã phản ánh, từ ngày 22/3-2/5/2019, sông Cái Lớn và các kênh nhánh thuộc địa bàn huyện Long Mỹ và thị xã Long Mỹ đã xảy ra 4 đợt ô nhiễm môi trường nước mặt, gây thiệt hại về thủy sản nuôi và làm đảo lộn đời sống của người dân.

UBND tỉnh Hậu Giang sau đó báo cáo Bộ TN&MT để xin ý kiến chỉ đạo; đồng thời, chỉ đạo Sở TN&MT khẩn trương phối hợp với các đơn vị hữu quan và chính quyền địa phương rà soát các nguồn thải, thu thập, xác minh dữ liệu chuyên ngành về môi trường.

Kết quả xác minh bước đầu cho thấy nguồn nước sông Cái Lớn và các kênh nhánh bị ô nhiễm hữu cơ bởi các nguồn thải dọc sông Cái Lớn. Trong đó, nguyên nhân chính là từ hoạt động xả thải của nhà máy thuộc Công ty TNHH Mía đường cồn Long Mỹ Phát (Cty Long Mỹ Phát).

Chưa xác định được 'thủ phạm' khiến sông Cái Lớn ô nhiễm đen kịt ảnh 1 Nhà máy đường Long Mỹ Phát. Ảnh: NH

Tuy nhiên, thông tin tại buổi giao ban báo chí hôm 15/7/2020, ông Trương Cảnh Tuyên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cũng đã vào kiểm tra nhưng vẫn chưa xác định được tác nhân chính gây ra ô nhiễm.

“Nhà máy đường Long Mỹ Phát là một trong những nguồn gây ô nhiễm. Tuy nhiên, ở đây có rất nhiều nguồn gây ô nhiễm, như nguồn chăn nuôi, nguồn đốt rơm rạ... nên Thanh tra Tổng cục Môi trường cũng không đủ cơ sở xác định đâu là nguồn chính” - ông Tuyên cho hay.

Trước đó, ngày 23/7/2019, UBND tỉnh Hậu Giang quyết định xử phạt Cty Long Mỹ Phát 714 triệu đồng vì đã thực hiện hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải; đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm môi trường của cty trong thời gian 4,5 tháng; buộc cty phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, báo cáo kết quả gửi về UBND tỉnh…

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, đến nay địa phương vẫn chưa cho phép nhà máy trên hoạt động trở lại vì cty chưa thực hiện quyết định, cụ thể là chưa nộp phạt và báo cáo khắc phục, thậm chí còn khiếu nại.

“Chúng tôi cũng đã tiến hành đối thoại nhưng phía cty vẫn tiếp tục không đồng ý và hiện có ý định khởi kiện ra tòa. Dù như thế nào, chúng tôi khẳng định là phải xử lý nghiêm minh vấn đề này” – ông Tuyên nói.

Về tình hình thiệt hại, tổng số hộ bị thiệt hại ở huyện Long Mỹ là 8 hộ và thị xã Long Mỹ là 16 hộ, ước tổng thiệt hại gần 400 triệu đồng, đến nay người dân vẫn chưa nhận được hỗ trợ.

Theo đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, ở đây chỉ có thể hỗ trợ chứ không phải bồi thường, vì bà con nuôi thủy sản trên sông là vi phạm an toàn giao thông thủy. Hiện địa phương đang xem xét để hỗ trợ cho bà con bớt khó khăn nhưng phải có cơ sở phù hợp vì tiền hỗ trợ là lấy từ ngân sách.

MỚI - NÓNG