41 NĂM CUỘC CHIẾN BẢO VỆ BIÊN GIỚI PHÍA BẮC (17/2/1979 – 17/2/2020), BÀI 2:

Chuyện kể ở Bản Giốc

Tiểu thương buôn bán ở vùng biên Đàm Thủy (Trùng Khánh, Cao Bằng) Ảnh: TRƯỜNG PHONG
Tiểu thương buôn bán ở vùng biên Đàm Thủy (Trùng Khánh, Cao Bằng) Ảnh: TRƯỜNG PHONG
TP - 20 người trong Đội dân quân năm xưa bảo vệ cồn Pò Thoong, giữ thác Bản Giốc (Trùng Khánh, Cao Bằng) giờ người còn, người mất, nhưng câu chuyện về ý chí, nghị lực sắt đá, kiên cường, dũng cảm bảo vệ biên cương Tổ quốc của họ còn mãi với thời gian.

Một tấc không đi, một li không rời

Đã ở vào độ tuổi xưa nay hiếm, nhưng ông Nông Ích Kính (Đàm Thủy, Trùng Khánh, Cao Bằng) vẫn còn minh mẫn, khỏe mạnh. Lúc chúng tôi đến, ông Kính vẫn đang cùng vợ gỡ lưới để chuẩn bị cho một đêm bắt cá trên sông Quây Sơn. Dòng sông này đã gắn bó nhiều đời với người dân nơi đây, gắn với địa danh nổi tiếng thác Bản Giốc.

Khi biên cương trở lại thanh bình, ông Kính cũng như bao người khác, lại sinh sống làm việc, kiếm sống bên dòng sông Quây Sơn. “Cứ thả từ tối, đến sáng đi vớt lưới cũng được vài cân cá. Có nhà còn được khoảng chục cân, mà giá mỗi cân khoảng 100 nghìn đồng”, ông Kính nói. Biết chúng tôi đến tìm hiểu về việc bảo vệ cồn Pò Thoong (trên sông Quây Sơn), thác Bản Giốc, ông Kính ngừng gỡ lưới. Dẫn phóng viên vào nhà, ông rót vài ly rượu, bảo “nhà có chè nhưng không pha đâu, khách quý lên đây phải có rượu”.

Năm xưa, ông Kính là một trong 20 người thuộc Đội dân quân bảo vệ cồn Pò Thoong nằm giữa sông Quây Sơn, bảo vệ thác Bản Giốc... trước âm mưu của địch. Theo trí nhớ của ông Kính, rục rịch trước năm 1979, giới cầm quyền Trung Quốc đã điều quân vào tranh chấp vùng cồn Pò Thoong. Tuy đông người nhưng không đủ lý lẽ, không đủ chứng cứ để tranh chấp đất của mình, vì từ xa xưa, người Việt Nam đã canh tác trên cồn.

“Họ gây sự với mình cả sáng, trưa, chiều, tối. Mình trồng ngô thì họ nhổ đi. Đi đến đâu người ta dàn hàng ngang đến đấy không cho mình làm. Biên phòng phải làm nòng cốt chỉ huy người dân bảo vệ đất đến cùng. Người dân cũng rất can đảm, giữ từng miếng đất, một tấc không đi, một li không rời”, ông Kính nói.

Chuyện kể ở Bản Giốc ảnh 1 Ông Nông Ích Kính
Nâng ly rượu, ông Kính nói, đội dân quân bảo vệ cồn Pò Thoong vẫn cứ ở đấy, đến thời điểm bị pháo kích mới tạm rút, nhưng vẫn theo dõi tình hình cồn Pò Thoong. Khi nổ ra chiến sự, cồn Pò Thoong để hoang vu. Đội dân quân 20 người vẫn duy trì theo dõi, bảo vệ cồn đến cùng. Ông Kính bảo, ai cũng ý thức được phải giữ bằng được cồn Pò Thoong. Với sự kiên trì của bà con mình chúng không làm gì được.

Con thay cha

Sinh năm 1958, ông Nông Đình Duy là người trẻ nhất tham gia Đội dân quân bảo vệ cồn Pò Thoong năm xưa. Tiếp phóng viên, ông Duy bảo, thời điểm thành lập Đội dân quân, vẫn chủ yếu đấu tranh chính trị, chưa dùng đến súng ống. Cha ông Duy là thành viên tổ đội dân quân, nhưng do tuổi cao, sức yếu nên ông Duy lên thay cha làm nhiệm vụ.

Chuyện kể ở Bản Giốc ảnh 2 Ông Nông Đình Duy
Khi đó, đội dân quân kết hợp với Bộ đội biên phòng canh gác ban đêm, còn ban ngày chỉ có dân quân đi tuần, vì tránh căng thẳng leo thang. Biên phòng không đi được vì giáp mặt với bên kia, mà mục đích chính của họ là khiêu khích. “Hồi đó, mình nhận định là phải giữ bằng được cồn Pò Thoong, giữ thác Bản Giốc nữa. Đội dân quân thành lập là để giữ cồn là vì thế”, ông Duy nói.

“Dân mình sống ở biên cương, không quản, không bảo vệ phên dậu thì không trọn nghĩa với tiền nhân”, ông Duy rưng rưng. Mỗi lần nhắc chuyện về việc giữ cồn Pò Thoong, ông Duy lại rơm rớm nước mắt. “Các cụ ngày xưa có được bao nhiêu tiền đâu, mà dù không được trả tiền cũng vẫn đi, dù cái chết cận kề. Đấy, ý thức bảo vệ biên giới của các cụ như vậy. Dân quân chỉ có 20 người, nhiều khi lính bên kia tràn vào đông quá, không cản được, chỉ cần gõ một tiếng kẻng thì toàn dân kéo đi”, ông Duy kể lại. Hồi đó, đi lại qua sông Quây Sơn rất khó khăn. Mãi về sau mới có cầu phao, còn thời điểm ban đầu chỉ đi bằng thuyền. Việc báo tin, truyền tin... hành động của đối phương, vì thế cũng gặp nhiều gian khó.

Ông Duy nhớ, khoảng năm 1978, phía Trung Quốc ngăn một cái đập ở ngay đối diện cồn Pò Thoong với lực lượng có khoảng 300 - 400 người, nhằm phong tỏa cồn. Nhưng âm mưu đó không thực hiện được, ông Duy kể. Sau một năm đi làm nhiệm vụ thay cha, khoảng năm 1981, ông Duy nhập ngũ, đóng quân ở Trà Lĩnh, cũng tham gia cuộc chiến bảo vệ biên cương. “Đá, sỏi cũng là của Tổ quốc. Phải giữ bằng được từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc”, ông Duy bày tỏ.

Ông Duy  kể rằng, với người dân hai bên biên giới, ngay cả thời điểm bảo vệ cồn Pò Thoong năm xưa, lúc ném đá vẫn ném, lúc ngồi uống rượu với nhau vẫn đàng hoàng. “Ném đá, quăng đá, nện nhau đến mỏi tay nhưng hôm sau vẫn ngồi uống rượu với nhau bình thường”, Cuộc sống vùng biên nó lạ thế đấy?”, ông Duy nói. Hiện nay, về cơ bản an ninh trật tự biên giới được đảm bảo, nhân dân yên ổn làm ăn.

Ngoài việc đánh cá trên sông Quây Sơn, ông Nông Ích Kính cũng nuôi một đôi trâu. Ông Kính cũng đã lên chức ông nội, ông ngoại. Cuộc sống ở biên cương yên bình từ ngày hai nước Việt Nam – Trung Quốc phân giới, cắm mốc trên đất liền. Ông Kính bảo, người dân hai nước vẫn đi lại, buôn bán, trao đổi hàng hóa. Cũng nhờ việc cắm mốc biên giới rồi, nên ông mới xây được ngôi nhà kiên cố cách đường biên không xa. “Trước đây không có dám xây đâu. Bây giờ có thể an cư, lạc nghiệp”.  

Cuộc sống ở biên cương yên bình từ ngày hai nước Việt Nam – Trung Quốc phân giới, cắm mốc trên đất liền. Ông Kính bảo, người dân hai nước vẫn đi lại, buôn bán, trao đổi hàng hóa. Cũng nhờ việc cắm mốc biên giới rồi, nên ông mới xây được ngôi nhà kiên cố cách đường biên không xa.

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây. 
Nữ thần Đài Loan lười biếng
Nữ thần Đài Loan lười biếng
TPO - Quách Bích Đình khiến khán giả mong chờ khi trở lại với show Tỷ tỷ đạp gió rẽ sóng sau thời gian dài tạm ngừng hoạt động nghệ thuật để lo cho gia đình. Tuy nhiên, biểu hiện của nữ diễn viên trong show gây nhiều tranh cãi.