Cơ bản... phá xong rừng

Cơ bản... phá xong rừng
TP - Mới được cấp phép trồng thử nghiệm 152ha nhưng từ năm 2009 đến nay, Cty Cao su Quảng Nam đã tự ý cơi nới diện tích trồng cao su lên tới 630ha và đang tiếp tục dọn dẹp mặt bằng hơn 4 ngàn ha rừng để tiếp tục trồng. Như vậy, dù UBND tỉnh Quảng Nam mới đồng ý về mặt chủ trương nhưng về cơ bản, gần 1 ngàn ha rừng tự nhiên, đặc dụng, phòng hộ, sản xuất, rừng trồng của dân, rừng trồng 661... ở xã Quế Lâm (Nông Sơn) đã được phá xong.

> Nhiều đơn vị sai, dân dài cổ chờ đền bù

Bài 1: Án phá rừng chấn động xã nghèo

Thấy Cty cao su khai thác cày ủi rừng, nương rẫy trồng cao su, 3 người dân vội vã lên khai thác những cái cây, nhành củi ngay trên mảnh rừng mà họ đã dày công chăm bẵm hàng chục năm qua. Kiểm lâm, xã bắt, công an lập hồ sơ, Viện Kiểm sát phê chuẩn... và cuối cùng là tòa tuyên án.

Người dân Nông Sơn nói, họ bị thiệt vì mất rừng
Người dân Nông Sơn nói, họ bị thiệt vì mất rừng.

Nghèo vì cao su

Thuê thuyền ngược dòng Thu Bồn và mất hơn 30 phút đi bộ mới vào được thôn Tứ Dũ (thôn 1), nơi dân nghèo vẫn đang râm ran về những bản án mới tuyên cho 3 nông dân chặt phá rừng.

Từ thủa lập làng, dân Tứ Dũ sống nhờ rừng, họ bảo vệ rừng tự nhiên, trồng cây, trỉa bắp trên rừng sản xuất. Mỗi hộ gia đình phát một nương rẫy, canh tác hàng chục năm, chính quyền không cấp sổ nhưng cũng không ngăn cấm. Dân đương nhiên coi đây là tài sản của họ.

Thế rồi, Cty cao su xuất hiện, thông báo sở hữu toàn bộ rừng của dân. Họ mở đường, phá rừng lấy mặt bằng, trồng cây cao su và đền bù cây cho dân với giá rẻ.

Chị Trần Thị Thu Ba có một ha rừng trồng cây mít, bạch đàn và keo tràm trong tiểu khu 453 thuộc rừng sản xuất, nay đã bị Cty Cao su dọn sạch.

Chị Thu Ba nói: “Họ cho chúng tôi mỗi ha 5 triệu đồng gọi là bồi thường cây trên đất. Họ nói đã có sổ đỏ rồi, đất rừng này họ đã mua của nhà nước. Sau khi kiểm tra số cây trên đất, họ đền 5 triệu mà lẻ tẻ từng lần một rồi dừng hẳn. 3 mùa vụ gần đây không thấy ai nhắc đến nữa. Vừa rồi, dân bức xúc kéo lên phản đối họ giải phóng mặt bằng trồng cao su”.

Rừng cơ bản đã bị chặt phá để trồng cao su
Rừng cơ bản đã bị chặt phá để trồng cao su.

Anh Trương Văn Hải dẫn chúng tôi đi sâu vào rừng, trên con đường xuyên thẳng qua các tiểu khu 453, 455 trong diện tích 630ha rừng cao su, từ thôn Tứ Dũ qua thôn Cấm La, nói: “Chúng tôi ở đây quanh năm chỉ biết bám vào rừng, không phá rừng mà ngược lại còn trồng thêm cây mít, bạch đàn, thầu đâu (xoan) vào các khu rừng dầu rái, rừng tự nhiên để tăng thêm cây, làm giàu thêm cho rừng đặc dụng. Huyện xã về thông báo chủ trương sẽ trồng cây cao su để thoát nghèo, thoát đâu chưa thấy, chỉ thấy nghèo thêm.

Anh Phạm Sinh (thôn Tứ Dũ) – một trong 3 người dân bị TAND huyện Nông Sơn tuyên án phá rừng, ấm ức: Tui chỉ chặt mấy cây mít, thầu đâu do mình làm ra thì làm sao mà gọi là phá rừng? Tui lớn lên trong rừng từ nhỏ, muốn phá rừng thì tui vào sâu kiếm gỗ quý chứ ba cái này thì nhằm nhò gì. Vậy mà tòa nói phá rừng đặc biệt nghiêm trọng, hãi quá !

Công ty được phá rừng vì có chủ trương ?!

Anh Phạm Sinh bị kết tội “hủy hoại rừng” (theo điểm C, khoản 2 điều 189 của BLHS sửa đổi 2009).

Theo bản án, anh Sinh chặt phá 14.180m2 rừng sản xuất, chặt 520 cây gỗ nhóm V,VI,VI và VIII tại khoảnh 5 tiểu khu 455.

Ngày 20-9-2012, anh Sinh bị TAND huyện Nông Sơn phạt 30 tháng tù treo, đền bù gần 12 triệu đồng. Cũng bị tuyên án phá rừng còn có anh Tăng Bảy (Tứ Dũ, Quế Lâm) và Mai Ty Phô (Phước Hội, Quế Lâm).

Đặc biệt, với anh Phô, dù diện tích chặt phá chỉ là 0,6ha (tiểu khu 453, thuộc thôn Cấm La) nhưng do đây là rừng đặc dụng nên bị phạt 36 tháng tù treo.

Đối với anh Tăng Bảy, với việc chặt phá 28.190m2 rừng sản xuất tại tiểu khu 455 hồi tháng 7-2011, anh Bảy bị tuyên phạt 3 năm tù (hưởng án treo) và 5 năm thử thách, bồi thường hơn 28 triệu đồng cho huyện.

Theo anh Bảy, đây là khu rừng xưa nay ông bà, gia đình vẫn thường vào phát rẫy trồng nhiều loại cây mà không gặp trở ngại gì, chính quyền cũng không hề nhắc.

Luật sư Nguyễn Sơn (Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh Quảng Nam) – người bảo vệ quyền lợi cho 3 bị cáo, cho rằng: trình độ người dân am hiểu pháp luật thấp là một chuyện, nhưng liệu có lọt người, lọt tội hay không khi Cty Cao su Quảng Nam phá 630ha rừng trong khi mới chỉ được cấp phép 150ha để trồng cao su lại vô can ?

Trao đổi với PV Tiền Phong, Chánh án TAND huyện Nông Sơn Nguyễn Thị Tám cho hay, trong khuôn khổ vụ án, tòa không nhận được bất kỳ chi tiết nào nhắc đến Cty Cao su phá rừng nên không thể trả lời.

Cả ba người dân đang chấp hành án tại địa phương nhưng số tiền thi hành án dân sự thì họ nói có làm cả đời cũng không kiếm nổi để đền bù cho huyện.

Theo ông Mai Văn Tám – Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn: Người dân phá rừng, phạm luật là chuyện đương nhiên, còn việc Cty Cao su Quảng Nam chưa có giấy tờ hợp pháp mà san bằng gần 500ha rừng để trồng cao su và không thể khởi tố là vì họ đã có chủ trương (!?) từ tỉnh.

“Nói gì thì nói, dân phá rừng, bị phạt là đúng, còn họ (Cty Cao su – PV) dẫu sao cũng đã có chủ trương, có đường lối thống nhất rồi, mặc dù biết là sai đấy, nhưng tôi nghĩ không đến nỗi phải truy cứu trách nhiệm hình sự” – ông Tám nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.