Có nên trao quyền xử phạt cho kiểm toán?

Tổng KTNN Hồ Ðức Phớc phát biểu trước UBTVQH, ngày 11/3. Ảnh: Như Ý
Tổng KTNN Hồ Ðức Phớc phát biểu trước UBTVQH, ngày 11/3. Ảnh: Như Ý
TP - Vẫn còn hai luồng ý kiến khác nhau trong việc mở rộng đối tượng và trao quyền xử phạt vi phạm cho cơ quan kiểm toánkhi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật Kiểm toán Nhà nước (KTNN) sửa đổi, ngày 11/3.

Mở rộng đối tượng

Một trong những nội dung đáng chú ý trong lần sửa đổi này là đề xuất mở rộng đối tượng kiểm toán với người nộp thuế, tổ chức sử dụng, khai thác đất đai, tài nguyên, khoáng sản… Trước những ý kiến khác nhau, Tổng Kiểm toán Hồ Đức Phớc cho biết, ban soạn thảo không đề xuất mở rộng đối tượng mà đề nghị quy định cụ thể đơn vị được kiểm toán để bao quát và phù hợp với đối tượng đã được quy định trong Hiến pháp.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cho rằng, nội dung đề xuất như tờ trình bản chất là mở rộng đơn vị được kiểm toán. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải, đa số ý kiến trong thường trực ủy ban đề nghị giữ như quy định hiện hành, vì theo Luật Quản lý thuế, khái niệm “người nộp thuế” bao gồm cả tổ chức, hộ gia đình và cá nhân. Quy định như dự thảo luật sẽ có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, dẫn đến chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ với cơ quan quản lý thuế.

Trước tình trạng thất thoát, trốn thuế, chuyển giá, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh ủng hộ quy định này. Tuy nhiên ông đề nghị bổ sung, làm rõ và khoanh vùng phạm vi đối tượng. “Nếu có dấu hiệu trốn thuế, thông đồng, móc ngoặc cần làm rõ thì mới vào kiểm toán, chứ không phải mở rộng đại trà. Với hàng triệu doanh nghiệp như hiện nay, nếu cho phép thì kiểm toán cũng không đủ sức làm”, ông Thanh nói.

Bên cạnh quan điểm đồng tình, đa số các đại biểu đề nghị cân nhắc mở rộng đối tượng kiểm toán. Theo Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, nếu mở rộng như vậy thì quá rộng, khó khả thi vì quá tải. “Người lương cao cũng thuộc đối tượng nộp thuế. Vậy cơ quan kiểm toán có làm xuể không?”, bà Thịnh băn khoăn. Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lo ngại: “Tinh thần chung là tinh gọn bộ máy, không tăng biên chế. Bây giờ mở rộng ra e rằng tính khả thi không đảm bảo, dễ gây chồng chéo và quá nặng nề cho cơ quan kiểm toán”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị cân nhắc để đảm bảo phù hợp với quy định của Hiến pháp. Đối tượng của kiểm toán là việc sử dụng tài chính công, tài sản công, còn thuế không thuộc lĩnh vực này. Theo bà Ngân, người nộp thuế phải chấp hành nghĩa vụ về thuế, chứ không phải đối tượng kiểm toán, mặt khác, nếu mở rộng như vậy sẽ sinh ra nhiều hoạt động kiểm tra, kiểm soát, gây phiền hà cho doanh nghiệp.

Ghi nhận các ý kiến đóng góp, Tổng Kiểm toán Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, việc đề xuất mở rộng là chỉ với cơ quan thu thuế, khi phát hiện “hồ sơ có dấu hiệu” thì có quyền vào kiểm toán, chấn chỉnh.

Kiểm toán được quyền xử phạt như Tòa án?

Liên quan đến đề xuất được quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải, đa số ý kiến trong ủy ban thẩm tra đề nghị cân nhắc, vì theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quản lý hành chính nhà nước ở lĩnh vực nào thì có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính ở lĩnh vực đó, trong khi KTNN không phải là cơ quan quản lý hành chính nhà nước.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, nếu không cho quyền xử phạt thì sẽ không có chế tài. “Quan điểm của chúng tôi là nên quy định. Trên thực tế, Tòa án cũng đang có quyền xử phạt tại tòa chứ không phải chỉ cơ quan hành chính”, bà Nga nêu. Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định phân tích, trong xử phạt vi phạm hành chính, luật cho phép kiểm toán được quyền xử phạt chứ không hạn chế. Về nghiệp vụ có kiểm toán tài chính và kiểm toán tuân thủ, trường hợp nếu đơn vị được kiểm toán không tuân thủ cung cấp tài liệu, hồ sơ thì xử phạt. Đây là thực thi quyền lực, và đã thực thi quyền lực thì phải được trao quyền.

Ngược lại, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị hết sức cân nhắc, vì đơn vị được kiểm toán là các đối tượng công chức thi hành công vụ, nếu vi phạm quy định liên quan đến kiểm toán thì phải xử lý kỷ luật. “Một hành vi vi phạm chỉ chịu một loại hình pháp lý, bị xử lý kỷ luật rồi tại sao lại chịu cả xử lý hành chính? Tòa xử phạt hành chính là quy định đặc thù. Nếu vi phạm quy tắc trật tự phiên tòa thì bị xử phạt, nhưng đối tượng không phải công chức, viên chức mà là bị cáo”, ông Lưu cho hay.

Cho phép kiện cơ quan kiểm toán ra tòa

Một trong những quy định mới đáng chú ý của dự luật là cho phép đối tượng bị kiểm toán có thể khiếu nại, kiện KTNN ra tòa. Cụ thể, dự luật bổ sung quyền kiến nghị, khiếu nại đối với báo cáo kiểm toán cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan đến việc sử dụng, quản lý đất đai, quản lý tài chính công, tài sản công. Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đồng ý quy định quyền khiếu nại và khởi kiện ra tòa đối với các kết luận và báo cáo kiểm toán. 

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.