Cú 'phốt' đầu năm thu phí cao tốc TPHCM - Trung Lương

Cao tốc TPHCM - Trung Lương Ảnh minh họa
Cao tốc TPHCM - Trung Lương Ảnh minh họa
TP - Ngay trong ngày đầu tiên của năm 2019, tuyến đường bộ cao tốc TPHCM - Trung Lương đã diễn ra đồng thời 2 sự việc quan trọng là dừng thu phí và 4 cá nhân thuộc công ty thu phí bị công an bắt giữ.  

Chưa có phương án thu phí lại

Từ 0h ngày 1/1/2019, toàn bộ hoạt động thu phí trên tuyến đường bộ cao tốc TPHCM - Trung Lương phải tạm dừng, do hợp đồng bán quyền thu phí tuyến đường này cho Cty CP Tập đoàn Yên Khánh hết hiệu lực. Trong khi đó, phương án thu phí mới thay thế vẫn chưa được thông qua. Cùng ngày, các cơ quan của Bộ Công an cũng phát đi thông báo bắt giữ khẩn cấp Ngô Bá Thắng - Giám đốc Cty CP  tập đoàn  Yên Khánh chi nhánh Long An và 4 người khác để điều tra về hành vi “Mua bán, sử dụng phần mềm trái pháp luật nhằm che giấu doanh số thu phí, trốn thuế” tại các trạm thu phí trên cao tốc TPHCM - Trung Lương.

Trao đổi với PV Tiền Phong chiều cùng ngày, một lãnh đạo Tổng cục Đường bộ (Bộ GTVT) cho hay, từ hôm nay tuyến đường này dừng thu phí do hết hợp đồng bán quyền thu phí. Hiện Tổng cục đang nâng cấp các trạm thu phí, và xây dựng các phương án báo cáo cấp trên, có bản quyền thu phí tiếp hay không, khi nào thu phí lại hoặc chốt phương án ra sao sẽ thông báo sau. “Còn việc bắt các cá nhân của Cty CP  tập đoàn  Yên Khánh là việc của công ty và công an thực hiện độc lập, không liên quan cơ quan nhà nước”, vị này cho hay.

Về khoản tiền 264,7 tỷ đồng mà Cty CP  tập đoàn Yên Khánh bị phạt do chậm thanh toán tiền mua quyền thu phí cao tốc TPHCM - Trung Lương, theo lãnh đạo Tổng cục Đường bộ, đây là việc giữa Tổng Cty Cửu Long (Tổng Cty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long) - chủ đầu tư và Cty Yên Khánh.

Còn lãnh đạo Tổng Cty Cửu Long cho hay, việc thu hồi khoản tiền 264,7 tỷ đồng hiện vẫn phải chờ phán quyết bằng văn bản của TAND quận Bình Thạnh (TPHCM).

Sau khi Cty CP  tập đoàn  Yên Khánh hết hợp đồng  về quyền thu phí và bàn giao các trạm thu phí trên tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương và 120 nhân sự, Tổng cục Đường bộ đã ký hợp đồng với Cty CP 715 để thực hiện quản lý, bảo trì, đảm bảo an toàn giao thông trên toàn tuyến đường và các trạm thu phí, nhưng chưa thu phí.

Khó thu hồi hết 264 tỷ đồng

Năm 2013, Tổng Cty Cửu Long đã bán quyền thu phí đường cao tốc TPHCM - Trung Lương cho Cty CP  tập đoàn  Yên Khánh với giá 2.004 tỷ đồng, thời gian thu phí 5 năm (từ năm 2014 đến hết năm 2018). Cty Yên Khánh được thực hiện thu phí tại 4 trạm trên tuyến đường gồm: Chợ Đệm, Tân An, Bến Lức và Thân Cửu Nghĩa.

Tuy nhiên, do Cty CP  tập đoàn  Yên Khánh chậm nộp tiền mua quyền thu phí nên bị phạt chậm nộp, số tiền phạt và lãi chậm nộp thực hiện hợp đồng theo tính toán của Tổng Cty Cửu Long là 264,7 tỷ đồng. Tổng Cty Cửu Long đã có nhiều văn bản yêu cầu Cty Yên Khánh thanh toán số tiền trên. Đồng thời, Bộ GTVT cũng đã chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu Tổng Cty Cửu Long thu hồi, và có phương án thu hồi 100 tỷ. Tuy nhiên, việc này tới nay vẫn chưa thể thực hiện, do tháng 8/2018, Cty CP  tập đoàn Yên Khánh kiện Tổng Cty Cửu Long ra TAND quận Bình Thạnh về tranh chấp hợp đồng. Sau đó, tòa án đã ban hành quyết định phong tỏa số tiền bảo lãnh thực hiện hợp đồng của Cty CP  tập đoàn  Yên Khánh.

Giữa Bộ GTVT, Tổng Cty Cửu Long, Cty CP  tập đoàn Yên Khánh đã có nhiều cuộc họp, văn bản báo cáo, chỉ đạo giải quyết, nhưng 264,7 tỷ đồng phạt Cty CP  tập đoàn  Yên Khánh để nộp vào ngân sách nhà nước tới nay vẫn chưa thu hồi được số tiền này. Thậm chí, tháng 9/2018, Bộ GTVT đã có văn bản báo cáo Thủ tướng xin chỉ đạo xử lý. Theo Bộ GTVT, số tiền trên quá lớn, nhưng Cty CP  tập đoàn  Yên Khánh không có tài sản gì để đảm bảo thanh toán, ngoài số tiền bảo lãnh thực hiện hợp đồng (100 tỷ đồng). Khả năng rủi ro không thu hồi đủ số tiền phạt trên là rất lớn và có nguy cơ dẫn đến thất thoát ngân sách nhà nước.

Vì vậy, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng có ý kiến với TAND Tối cao yêu cầu TAND quận Bình Thạnh xem xét rút lại quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (ngày 21/8/2018). Đồng thời, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng cho phép và Tổng Cty Cửu Long tiếp tục áp dụng các biện pháp để thu hồi số tiền bảo lãnh hợp đồng của Công ty CP tập đoàn Yên Khánh. Tới nay, Cty CP  tập đoàn  Yên Khánh đã bàn giao quyền thu phí cao tốc TPHCM - Trung Lương, nhưng số tiền trên vẫn chưa được giải quyết.

Trước đó, Thủ tướng đã đồng ý về mặt nguyên tắc nhà nước dùng quyền thu phí cao tốc TPHCM - Trung Lương để hỗ trợ nhà đầu tư BOT tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Tuy nhiên, dự án BOT Trung Lương - Mỹ Thuận kéo dài, dự kiến tới năm 2020 mới hoàn thành, trong khi hợp đồng thu phí cao tốc TPHCM - Trung Lương đã hết nên Tổng Cty Cửu Long từng kiến nghị cho tiếp tục bán quyền thu phí tuyến đường này trong giai đoạn 2019-2020. Tuy nhiên, tới nay phương án thu phí cao tốc TPHCM - Trung Lương ra sao vẫn chưa được Bộ GTVT quyết định.           

Ðược biết, ngoài mua lại quyền thu phí cao tốc TPHCM – Trung Lương, Cty CP  tập đoàn  Yên Khánh cũng thực hiện dịch vụ thu phí trên tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình do Tổng công ty Ðầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đầu tư và khai thác. Theo VEC, việc chỉ định cho Cty CP  tập đoàn  Yên Khánh cung cấp dịch vụ thu phí tuyến đường này do phía Yên Khánh đề nghị được thu phí để có số liệu về phương tiện qua tuyến đường, nhằm tham gia đấu thầu mua lại quyền thu phí .

Ngoài ra, hiện Cty CP  tập đoàn Yên Khánh cũng tham gia đầu tư một số dự án BOT giao thông khác như: Dự án BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (theo hợp đồng nhà nước sẽ đổi thêm quyền thu phí cao tốc TPHCM – Trung Lương để chủ đầu tư thu hồi vốn); Dự án BOT cầu Việt Trì mới (hay còn gọi cầu Hạc Trì); Dự án BOT cải tạo QL20 (đoạn Km123+105 tới Km268 qua Lâm Ðồng)…

Ðường bộ cao tốc TP HCM - Trung Lương có tổng mức đầu tư hơn 9.884 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước. Tuyến đường dài 62km, với 6 làn xe, được thiết kế với vận tốc 120 km/giờ. Tuyến đường chính thức thông xe từ ngày 3/2/2010. Mức phí từ 1.000 - 8.000 đồng/km/lượt xe tùy tải trọng, thời gian thu phí trên 20 năm.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.