Cúi đầu lạy núi

Lực lượng quân đội tìm kiếm thi thể 4 công nhân thủy điện Trà My 1 và Trà My 2 mất tích do sạt lở.
Lực lượng quân đội tìm kiếm thi thể 4 công nhân thủy điện Trà My 1 và Trà My 2 mất tích do sạt lở.
TP - Cơn phẫn nộ của thiên nhiên chốc lát vùi lấp hàng chục mạng người. Mấy chục căn nhà cũng bị đất đá vùi không còn dấu vết. Cảnh tượng tan hoang, dân phập phồng lo sợ. “Quá kinh khủng. Sạt lở vào mùa mưa ở đây thì nhiều nhưng chưa bao giờ thiệt hại kinh khủng như đợt này” - ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) nói.

1. Chạy như con thoi lo chỉ đạo khắc phục hậu quả, điện thoại ông Tuấn không ngừng reo. Chốc chốc lại nhận cuộc gọi của các địa phương cơ sở thông báo tình hình. Sạt lở xã Trà Bui vừa cuốn phăng 10 nhà, trong đó có nhà sinh hoạt động đồng. May mắn chỗ này đã kịp di dời dân. Trước khi di dời có khoảng 70 người dân sống trong 10 căn nhà này.

“Phải lo cứu người trước đã” – ông Tuấn thông tin vội, rồi tức tốc lên đường vào hiện trường vụ sạt lở làm sập nhà điều hành khiến 4 công nhân thủy điện Trà My 1 và Trà My 2. Tối 4/11 một khối lượng đất đá, cây cối lớn từ ngọn núi đổ ập xuống vùi lấp căn nhà điều hành của Công ty Thủy điện Trà My 1 và Trà My 2 (xã Trà Giáp và Trà Sơn). Thời điểm đó trong nhà điều hành có tổng cộng 9 công nhân, 5 công nhân ở bên ngoài may mắn thoát chết, còn 4 người đang xem ti vi bị đất đá vùi lấp mất tích.

Dòng nước cuồn cuộn chảy xiết, phải đến 3 hôm sau lực lượng chức năng mới tiếp cận được hiện trường. 2 thi thể được tìm thấy trong mưa là anh Trần Ngọc Tuấn (SN 1975, quê xã Quế Xuân, huyện Quế Sơn) và Trần Ngọc Ánh (SN 1984, quê thị trấn Trà My, huyện Bắc Trà My). Gần 100 chiến sỹ vẫn tiếp tục đào bới trong đống đổ nát để tìm kiếm thi thể 2 nạn nhân còn lại.

Tại xã Trà Giang khung cảnh cũng xơ xác, hoang tàn. Trận sạt lở bên kia sông tạo cơn sóng thần chưa từng thấy kéo sập cả 4 ngôi nhà bên này sông. 1 người chết, 1 người trôi sông. Bỗng chốc dân rơi cảnh màn trời chiếu đất. Nhưng còn người đã là còn may, họ được những hàng xóm “rách ít” đùm bọc hoặc được hỗ trợ đưa lên những chỗ trú an toàn, ít nhất là qua ngày mưa bão.

Mấy ngày nay, gia đình ông Huỳnh Thừa (trú tổ Mậu Cà, thị trấn Trà My, huyện Bắc Trà My, Quảng Nam) phải đến nhà người thân tá túc. Đồ đạc cũng mang đi gửi nhà người thân. Trận lở núi kinh hoàng khiến một nửa ngôi nhà ông bị đổ sập. May mắn cả gia đình tháo chạy kịp thời, thoát chết. Nhìn sang bên cạnh, cả ngôi nhà của ông Trần Ngọc Quỳnh đã sập hoàn toàn. Đất đá cũng vùi lấp, đè chết em Trần Thị Mai (con ông Quỳnh). Mai năm nay mới 17 tuổi, đang học lớp 11.

Cúi đầu lạy núi ảnh 1 Mẹ và em chết, bố bị thương phải cắt 2 chân, con gái anh Võ Văn Tư may mắn thoát chết, được người bà con chăm sóc.

Giữa lúc tang thương liên tiếp giáng xuống huyện Bắc Trà My, thì nỗi đau tương tự ở huyện Nam Trà My kế bên phải 2 ngày sau mọi người mới biết. Bởi mọi phương tiện liên lạc không còn.

Trưa ngày 6/11, gia đình anh Võ Văn Tư ở thôn 3 xã Trà Don (Nam Trà My) đang ăn cơm bất thần ngọn đồi bên nhà bị mưa lũ kéo đổ ập xuống trùm lên căn nhà, khiến người vợ cùng đứa con 2 tháng tuổi trong bụng thiệt mạng. Anh Tư và đứa con gái nhỏ bị thương nặng. 

Sự việc xảy ra từ trưa 6/11, tuy nhiên do mất sóng điện thoại, đường bị sạt lở chia cắt nên đến sáng qua, ngày 8/11, người thân của anh Tư mới hay tin và đưa nạn nhân ra khỏi hiện trường. Cha con anh được người thân và hàng xóm đưa đến Bệnh viện huyện Nam Trà My.

Tại đây, bác sỹ đã phải cắt bỏ 2 chân của anh, tuy nhiên bệnh nhân có dấu hiệu bị hoại tử yêu cầu phải chuyển tuyến. Thế nhưng, hiện đường đi đất đá sạt lở nghiêm trọng nên việc vận chuyển bệnh nhân đang hết sức khó khăn.

Cúi đầu lạy núi ảnh 2 Ông Đỗ Hạnh đau xót trước cái chết của vợ và cha.

2. Mưa vẫn ầm ầm trút khiến lòng người càng thêm hoang mang. Người dân kéo đến nhà sinh hoạt cộng đồng thắp nén nhang cho 5 người xấu số trong trận lở đồi kinh hoàng xảy ra đêm 5/11 tại đồi Chim tổ Đàng Bộ, thị trấn Trà My, huyện Bắc Trà My. 5 người của 2 gia đình. Nhà cửa bị vùi lấp khiến họ phải mượn đây làm nơi hành lễ cho người thân. Hàng xóm láng giềng xót thương đến thắp nhang, chia sẻ. Khoảnh sân trước nhà sinh hoạt khu phố nêm chật người dù trời mưa lớn.

Trong câu chuyện của họ có cả những xót thương và lo lắng. Xót thương người đã mất, và lo lắng cho chính mình. Cũng phải, những ngôi nhà khang trang, chắc chắn dù không nằm trong diện nguy hiểm phải di dời cũng đã bị đất đá vùi lấp thì không biết khi nào tai họa không lường sẽ đổ xuống tiếp theo. Nhiều người chậc lưỡi, thở dài “cũng do phá rừng ra mà cả. Phá quá ổng mới nổi trận lôi đình thành ra vầy”.

Chôn cất cha và vợ xong, ông Đỗ Hạnh vẫn quyết định mang di ảnh về nhà để thờ dù ngôi nhà đang nằm trong vùng nguy hiểm, nguy cơ bị sạt lở đè xuống bất cứ lúc nào. Ông nói, dù sao cũng phải mang về nhà để thờ, không linh hồn bơ vơ, cô quạnh.

Cúi đầu lạy núi ảnh 3 Những mảng đồi lở phía trước ngôi nhà ông Đỗ Hạnh có nguy cơ đổ xuống bất cứ lúc nào.

Con số người chết, nhà sập vẫn không ngừng tăng lên. Xóm núi tang tóc. Mưa thì vẫn trắng trời. Ông Hạnh thắp nén nhang lên bàn thờ, rồi nhìn về phía đồi phía trước nhà đã lở nhiều mảng, miệng lẩm nhẩm khấn cầu.

Huy động tổng lực giúp dân khắc phục hậu quả

Chị Phạm Thị Thanh – Bí Thư tỉnh Đoàn Quảng Nam cho biết, tỉnh Đoàn ra quân hỗ trợ người dân địa phương bị ảnh hưởng của cơn bão 12. Từ ngày 6/11, đoàn tổ chức đến thăm, cứu trợ kịp thời cho người dân xã đảo Tam Hải (huyện Núi Thành). Cơn lốc trong bão số 12 khiến gần 100 ngôi nhà tại đây bị sụp đổ và hư hại, nhiều thôn bị cô lập, thiếu nước sạch. Đoàn cứu trợ đã đưa hàng cứu trợ gồm khoảng 50 suất quà, chủ yếu là nhu yếu phẩm như nước uống, mì tôm, bánh kẹo… đến với người dân xã đảo Tam Hải. Chi hội từ thiện Nguyện Ước Xanh và nhóm thiện nguyện Nguyện Ước Hồng với gần 100 suất quà cũng thực hiện đi hỗ trợ cho người dân Tam Hải. Tỉnh Đoàn Quảng Nam cũng kêu gọi lực lượng thanh niên xung kích hỗ trợ người dân di chuyển đến vùng an toàn, giúp dân dọn đồ sau lũ.

Bộ Chỉ huy BĐBP đã cử 30 đoàn viên thanh niên Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà và Hải đội hai BĐBP tỉnh Quảng Nam có mặt kịp thời tham gia giúp đỡ khắc phục hậu quả giảm thiệt hại.

Từ ngày 7 – 9/11, hơn 30 ĐVTN Công an tỉnh Quảng Nam có mặt tại huyện Đại Lộc để giúp bà con dọn dẹp sau lũ. Đồng thời tặng bà con 100 suất quà.

Sáng 8/11, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam tổ chức phát động ủng hộ đồng bào trong tỉnh khắc phục hậu quả mưa lũ do cơn bão số 12. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân đã tham gia ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do mưa lũ với tổng số tiền hơn 1,1 tỷ đồng.

Thống kê sơ bộ, tại tỉnh Quảng Nam đã có 35 người chết, mất tích và bị thương; hàng chục ngàn ngôi nhà bị ngập sâu và hư hỏng; hàng trăm con gia súc, gia cầm bị chết và cuốn trôi; nhiều tuyến đường huyết mạch bị sạt lở nghiêm trọng gây ách tắc giao thông… Tổng thiệt ban đầu ước tính gần 300 tỷ đồng.  

Hoài Văn

MỚI - NÓNG