Đại biểu QH lên tiếng về cảnh giẫm đạp trong lễ đón năm mới

TPO - “Hà Nội đang xây dựng hình ảnh thủ đô thanh lịch, văn minh mà lại để xảy ra những hình ảnh như thế thì đâu còn thanh lịch nữa”, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng.
Đại biểu QH lên tiếng về cảnh giẫm đạp trong lễ đón năm mới ảnh 1

Hình ảnh biển người trong đêm giao thừa tại khu vực Hồ Gươm, Hà Nội. Ảnh Zing.

Chào đón năm mới 2018, như thường lệ, người dân lại ùn ùn đổ về khu vực bờ hồ Hoàn Kiếm vào đêm giao thừa. Điều đáng bàn là, tại khu vực này, một lần nữa lại diễn ra những hình ảnh phản cảm: Biển người chen lấn, giẫm đạp lên hoa cỏ, người già trẻ em ngất xỉu, cũng may giữa lúc đó được lính cứu hỏa “giải cứu” kịp thời.

Trao đổi với phóng viên về thực trạng này, đại biểu Quốc Hội Lưu Bình Nhưỡng, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, ở đây có vấn đề ý thức của người dân, cần phải được bồi dưỡng, giáo dục thêm. Đồng thời, công tác quản lý cũng cần phải chấn chỉnh.

“Hà Nội đang xây dựng hình ảnh thủ đô thanh lịch, văn minh mà lại để xảy ra những hình ảnh như thế thì đâu còn thanh lịch nữa. Thành phố cũng phải chịu trách nhiệm về những hậu quả xảy ra khi người dân có hành vi như thế và gây ra hậu quả nặng nề như vậy.

Để hoạt động tự phát như vậy có nghĩa là công tác quản lý càng ngày càng yếu kém. Tại sao TP. HCM không bị như vậy? Tại sao Đà Nẵng không bị, mặc dù họ bắn pháo hoa? ”, ông Nhưỡng nhìn nhận.

Đại biểu QH lên tiếng về cảnh giẫm đạp trong lễ đón năm mới ảnh 2 Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng

Khắc phục tình trạng, trên, theo đại biểu, vào mỗi dịp như vậy, chính quyền địa phương cần treo băng rôn, khẩu hiệu để kêu gọi ý thức, sự thanh lịch của người dân. Cần thiết phải có loa phóng thanh, phải điều khiển, nhắc nhở người dân về ý thức tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng xã hội, tôn trọng cộng đồng.

Ở những khu vực cần được bảo vệ thì phải có rào chắn, thậm chí phải có lực lượng bảo vệ.

“Tại sao lại để người dân tự do đi lại, giẫm đạp lên hoa cỏ như vậy? Sao lại xảy ra tình trạng chen lấn, khiến người già, trẻ con phải cấp cứu như thế? Hình ảnh đó không đúng với hình ảnh thủ đô thanh lịch, văn minh”, ông Nhưỡng đánh giá.

Tuy nhiên, vấn đề đi lại, vui chơi giải trí là quyền của người dân, liệu có thể cấm đoán? Nhiều nước trên thế giới cũng gặp phải tình trạng này?

Theo đại biểu, trong những trường hợp cần thiết, để đảm bảo sự an toàn cho cộng đồng thì cũng cần hạn chế số lượng người. Bởi khu vực đó, chỗ đó vào thời điểm đó liên quan đến an ninh, an toàn công cộng.

Đại biểu QH lên tiếng về cảnh giẫm đạp trong lễ đón năm mới ảnh 3 Hình ảnh tan hoang sau một đêm. Ảnh VNN

“Giả sử không có biện pháp an ninh tốt, lại xảy ra đánh bom khủng bố, dẫn đến nhiều người chết trong đám đông đó thì sao? Ai là người phải chịu trách nhiệm? Chính quyền thủ đô phải hoàn toàn chịu trách nhiệm với sự an toàn của người dân. Thà ngăn cản còn hơn để người dân bị ngất xỉu, giẫm chết, hoặc bị khủng bố. Điều này cũng là vì cái chung. Cứ thả cửa, kệ dân thì còn thiếu trách nhiệm hơn”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng bày tỏ.

“Các nước trên thế giới cũng xảy ra, nhưng lại không lặp lại nhiều như ở Hà Nội. Mặt khác, chúng ta cũng đừng so sánh giữa ta với Tây”, ông nói.

Theo Uỷ viên Thường trực Uỷ ban các vấn đề xã hội, thực trạng diễn ra ở Hà Nội vừa qua, có thể coi là bài học lớn cho các địa phương trên cả nước trong mùa lễ hội đã cận kề.

MỚI - NÓNG