Đại biểu Quốc hội: 'Cấm ép' rượu, bia trong mọi trường hợp

TPO - “Người trên 18 tuổi ép nhau uống, hay thanh niên ép cụ già, đàn ông ép phụ nữ, đồng nghiệp ép đồng nghiệp uống thì sao? Đã có trường hợp bị ép uống say, rồi sáng hôm sau đột tử”, đại biểu Trần Thị Phương Hoa nêu ý kiến khi thảo luận tổ về dự án Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia, chiều 12/11.

Đại diện cho giới nữ, đại biểu Trần Thị Phương Hoa, Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ Hà Nội cũng cho rằng, việc xây dựng luật về rượu, bia rất cần thiết, lẽ ra phải được ban hành sớm hơn, để góp phần nâng cao sức khỏe của nhân dân, kiểm soát tình hình sử dụng rượu, bia và những hệ lụy gây ra.

Ngược lại, bà Hoa tán thành với tên gọi Chính phủ trình vì rất có lý. Rượu, bia có mặt lợi và có mặt hại, và ở đây cần phải hiểu là phòng chống tác hại, chứ không ai hạn chế cái lợi, cũng không phải cấm uống rượu, bia. “Những người lạm dụng không bao giờ thừa nhận mình lạm dụng. Cũng như người say không bao giờ nhận mình say, người nghiện không bao giờ nhận mình nghiện. Chính vì thế, tên gọi như Chính phủ trình là phù hợp”, bà Hoa nêu quan điểm.

Bà Hoa cũng cho rằng, dự thảo cần quy định rõ hơn thế nào là phòng, thế nào là chống. Đặc biệt, phải quy định “cấm ép” rượu, bia dưới mọi hình thức, mọi độ tuổi chứ không phải chỉ dưới 18 tuổi.

“Lứa tuổi này có thể không phải ép, mà khích lệ nhau uống, dẫn đến gây rối, ảnh hưởng đến trật tự xã hội thì thế nào? Người trên 18 tuổi ép nhau uống, hay thanh niên ép cụ già, đàn ông ép phụ nữ, đồng nghiệp ép đồng nghiệp uống thì sao? Đã có trường hợp bị ép uống say, rồi sáng hôm sau đột tử”, bà Hoa phân tích tác hại của việc ép rượu, bia.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội) cho rằng, để xây dựng luật một cách hoàn thiện, hiệu quả, cần đánh giá tác động một cách khoa học, khách quan kể cả mặt tích cực cũng như tiêu cực, từ đó đưa ra những quy định cụ thể cho phù hợp tình hình thực tiễn và hoàn cảnh Việt Nam.

Là người từng tham gia tới 5 cuộc hội thảo về dự án luật này, đại biểu Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện huyết học truyền máu Trung ương đánh giá cao sự nỗ lực của ban soạn thảo, và đồng ý có một luật liên quan đến rượu, bia, vì trên thực tế cái hại đã rất rõ.

Tuy nhiên, ông Trí cho rằng, ngay tên gọi ban soạn thảo trình đã “rất kinh khủng, độc địa”, 2 năm trời nâng lên đặt xuống, nếu gọi như vậy, chẳng khác nào khẳng định rượu, bia toàn có hại. Giữa hai phương án, đại biểu ngành y tế đồng tình với tên gọi Luật Kiểm soát các chất có cồn.

Về nội dung cụ thể, ông đề nghị luật phải quản lý tất cả những gì có thể gây hại cả trực tiếp và gián tiếp, từ sản xuất đến lưu thông, phân phối, tiêu thụ, nhưng “đừng khai tử” việc sản xuất rượu, bia đúng quy định. “Tôi còn mơ ước Việt Nam sẽ xuất hiện một vài loại rượu nổi tiếng thế giới mà đi qua đây kiểu gì người ta cũng phải mua mang về. Vì vậy, luật này không phải cấm, mà là kiểm soát và làm cho cái tốt nhân rộng lên”, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho hay.

MỚI - NÓNG
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
TPO - “Giá vé sẽ tiếp tục ở mức đắt đỏ, dù có thể giảm nhẹ bởi nguồn cung hạ nhiệt trong mùa thấp điểm. Chi phí vận hành cao do giá dầu, nhân sự khiến giá vé máy bay khó giảm sâu" - ông John Grant - trưởng nhóm phân tích của công ty dữ liệu du lịch OAG - dự báo.