Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia: Tranh luận trái chiều

TP - Lần đầu tiên Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia do Bộ Y tế soạn thảo. Ủng hộ sự cần thiết ban hành luật, nhưng hiện vẫn còn rất nhiều ý kiến khác nhau xoay quanh dự án luật này. Tiền Phong ghi nhận ý kiến các đại biểu trước thềm phiên thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia vào ngày hôm nay (12/11).  

ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp):

Đề xuất lấy ý kiến đối tượng chịu tác động

Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia: Tranh luận trái chiều ảnh 1 ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp).

Cần lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng chịu sự tác động, xem quan điểm của họ ra sao, như vậy sẽ phù hợp và khả thi hơn khi luật được triển khai trong thực tiễn.

ĐB Phạm Văn Hòa

Tôi đồng tình với sự cần thiết ban hành một dự án luật liên quan đến rượu, bia mà ban soạn thảo, Bộ Y tế vừa trình và Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu. Tuy nhiên, đến nay dự án luật vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, đặc biệt là những phản ứng của các nhà máy sản xuất rượu, bia.

Tôi cho rằng, sau khi luật ban hành, tình hình tiêu thụ rượu bia tất yếu sẽ giảm đi. Như vậy việc phòng, chống tác hại đối với rượu, bia sẽ có hiệu quả. Nhưng hiện nay còn rất nhiều ý kiến trái chiều. Trong đó, luồng ý kiến cho rằng, rượu bia không chỉ có ở Việt Nam, mà có trên toàn thế giới. Tuy nhiên, mỗi quốc gia có quy định, quản lý khác nhau, có nơi cho phép quảng cáo, có nơi cấm, có nơi không cho phép bán ở nơi công cộng...

Chúng ta lần đầu tiên ban hành luật về rượu, bia. Tại tờ trình, ban soạn thảo đã chỉ ra rất nhiều tác hại cũng như hệ lụy liên quan đến rượu, bia như ảnh hưởng đến sức khỏe, tăng tỷ lệ tai nạn giao thông, ảnh hưởng đến thể chất con người… Nhưng nói đi cũng phải nói lại, rượu, bia đã tồn tại từ lâu đời, người dân sử dụng nhiều trong đời sống, kể cả về đối nội và đối ngoại. Cũng có người cho rằng, nếu uống ít, uống có điều độ thì cũng tốt cho sức khỏe. Tác hại thì rõ rồi, nhưng rượu, bia cũng có tác động nhiều đến nền kinh tế, thu hút đầu tư, tăng thu ngân sách, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động…

Để phản ánh đúng nội hàm, về tên gọi, tôi cho rằng, nên đổi tên thành Luật Kiểm soát rượu, bia, như thế sẽ hợp lý hơn. Bởi nếu đã tác hại, ảnh hưởng đến đời sống con người thì phải không cho sản xuất, tiêu thụ, nhưng thực tế tình hình sản xuất rượu, bia ở trong nước vẫn phát triển và có nhưng đóng góp đáng kể cho nền kinh tế.

Theo nhìn nhận của tôi, nhiều quy định trong dự thảo như vấn đề quảng bá, tiếp thị, bán hàng trên internet, hay quy định đối với loại hình sản xuất rượu thủ công…vẫn còn nhiều bất cập, chưa rõ ràng, cụ thể, dễ dẫn đến khó khả thi trong cuộc sống.

Do còn nhiều ý kiến trái chiều như vậy, theo tôi cần lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng chịu sự tác động, xem quan điểm của họ ra sao, như vậy sẽ phù hợp và khả thi hơn khi luật được triển khai trong thực tiễn.

ĐBQH Dương Trung Quốc (Đồng Nai):

Lo ngại tính khả thi của luật

Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia: Tranh luận trái chiều ảnh 2 ĐBQH Dương Trung Quốc (Đồng Nai).

Sự tồn tại của rượu, bia cho đến nay như là một trong những di sản lớn nhất, lâu đời nhất của nhân loại mà chúng ta cần phải có thái độ văn hóa. Văn hóa liên quan tới rượu, bia của chúng ta hiện nay là văn hóa uống, văn hóa sản xuất.

ĐB Dương Trung Quốc

Tôi ủng hộ việc Chính phủ có một chương trình để khắc phục hiện tượng đang có chiều hướng tiêu cực trong đời sống xã hội có liên quan tới rượu, bia. Nhưng ngay từ đầu, cá nhân tôi không tán thành với việc đặt tên dự án luật là Phòng, chống tác hại của rượu, bia, cho dù cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra cho rằng như vậy ngắn gọn. Điều quan trọng ở đây là tính chính xác và đúng nội hàm.

Cho dù nhiều nước cũng có luật liên quan đến rượu, bia nhưng có lẽ không ai dùng khái niệm “tác hại” của rượu, bia. Tôi vẫn hay hỏi một số đại biểu, Tết Nguyên đán đến, anh có dâng chút rượu lên tổ tiên không? Khi khách đến chơi nhà có nâng cốc, nâng ly không? Câu trả lời chắn chắc là có, và như thế không thể đặt vấn đề là “tác hại”.

Có lẽ chúng ta cần tham khảo một số quốc gia, trước một vấn đề tương tự họ thường đưa ra khái niệm là “kiểm soát”. Cụ thể, kiểm soát ở đây là nhà nước kiểm soát, xã hội kiểm soát và tự mỗi người kiểm soát mình. Tôi cho rằng, tên gọi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia nghe phản văn hóa. Sự tồn tại của rượu, bia cho đến nay như là một trong những di sản lớn nhất, lâu đời nhất của nhân loại mà chúng ta cần phải có thái độ văn hóa. Văn hóa liên quan tới rượu, bia của chúng ta hiện nay là văn hóa uống, văn hóa sản xuất.

Những số liệu liên quan tới mặt trái của rượu, bia được ban soạn thảo đưa ra đã rõ, nhưng điều quan trọng nhất là vấn đề thực tế của chúng ta là gì? Hiện nay lượng rượu sản xuất thủ công không kiểm soát được, đấy là gốc của vấn đề. Nhìn ở góc độ kinh tế, nếu đưa ra luật mà trói chân, tay những người sản xuất rượu, bia trong khi đó không ngăn cản được rượu, bia từ nước ngoài tràn vào kể cả hàng lậu thì không có hiệu quả.

Đến việc đơn giản hơn rượu, bia là thuốc lá, cho dù hiện nay có Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá nhưng không thực hiện được, như vậy là nhờn luật. Chính vì thế, khi đưa luật ra phải lường được hiệu ứng và tính hiệu quả.

Mỗi năm tiền uống bia gần 4 tỷ USD 

Đại diện ban soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, thống kê hằng năm có khoảng 800 ca tử vong do bạo lực có liên quan đến sử dụng rượu, bia; gần 30% số vụ gây rối trật tự xã hội có liên quan đến sử dụng rượu, bia; phạm pháp hình sự liên quan đến rượu, bia trong độ tuổi trước 30 chiếm tới 70%; 11% hộ gia đình xảy ra bạo lực gia đình mà nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, người già và trẻ em. Tình trạng người dân ở các khu vực kém phát triển hơn uống rượu, bia ở mức có hại là yếu tố nguy cơ góp phần gia tăng khoảng cách giàu nghèo.

Cũng theo ban soạn thảo, sử dụng rượu, bia gây ra gánh nặng kinh tế đối với cá nhân, gia đình và xã hội do các phí tổn về chăm sóc sức khỏe, giảm hoặc mất năng suất lao động và giải quyết các hậu quả xã hội khác. Tại Việt Nam, nếu phí tổn kinh tế do rượu, bia ở mức thấp nhất của thế giới (1,3% GDP) thì thiệt hại ước tính khoảng 65 nghìn tỷ đồng. Ước tính tổng gánh nặng trực tiếp của 6 bệnh ung thư mà rượu, bia là một trong những nguyên nhân cấu thành chính đã là 25.789 tỷ đồng, chiếm 0,25% tổng GDP năm 2017. Năm 2017, chi phí của người dân cho tiêu thụ chỉ riêng đối với bia là gần 4 tỷ USD. 

MỚI - NÓNG