Đại biểu Quốc hội nói về 'vỡ trận' đón năm mới ở Hồ Gươm

Biển người chen lấn ở khu vực Hồ Gươm, Hà Nội, lính cứu hỏa phải giải cứu, đưa lên nóc xe. Ảnh: Zing.
Biển người chen lấn ở khu vực Hồ Gươm, Hà Nội, lính cứu hỏa phải giải cứu, đưa lên nóc xe. Ảnh: Zing.
TP - “Tại sao lại để người dân tự do đi lại, giẫm đạp lên hoa cỏ như vậy? Sao để xảy ra tình trạng chen lấn, khiến người già, trẻ con phải cấp cứu như thế? Hình ảnh đó không đúng với thủ đô thanh lịch, văn minh”, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng nói.

Tái diễn ngày càng trầm trọng

Dường như cứ đến hẹn lại lên, vào mỗi dịp giao thừa, người dân lại ùn ùn đổ về khu vực hồ Hồ Gươm, Hà Nội. Ông thấy sao trước tình trạng biển người chen lấn xô đẩy, giẫm đạp lên hoa cỏ, xả rác bừa bãi, thậm chí nhiều người già, trẻ em và thanh niên cũng ngất xỉu tại chỗ?

Thực trạng trên đã diễn ra trong nhiều năm nay và không chấn chỉnh được, thậm chí còn xảy ra trầm trọng hơn. Điều đó cho thấy hai vấn đề. Thứ nhất là ý thức của người dân, cần được bồi dưỡng, giáo dục thêm. Chúng ta vừa phải có trách nhiệm với người dân để giáo dục, tuyên truyền, nhưng đồng thời phía người dân cũng cần được rèn luyện về mặt ý thức xã hội, ý thức cộng đồng.

“Chính quyền Thủ đô phải hoàn toàn chịu trách nhiệm với sự an toàn của người dân. Thà ngăn cản còn hơn để người dân bị ngất xỉu, giẫm đạp”

 Ông Lưu Bình Nhưỡng

Thứ hai là công tác quản lý cũng cần phải chấn chỉnh. Tất nhiên trong quản lý cũng bao gồm cả khía cạnh giáo dục, tuyên truyền cho người dân. Thậm chí phải sử dụng những biện pháp mạnh và cả lực lượng cần thiết để gìn giữ sự an toàn cho người dân.

Hà Nội đang xây dựng hình ảnh thủ đô thanh lịch, văn minh mà lại để xảy ra những hình ảnh như thế thì đâu còn thanh lịch nữa? Chính bởi vậy thành phố cần phải chấn chỉnh công tác quản lý. Bản thân chính quyền thành phố cũng phải chịu trách nhiệm về những hậu quả xảy ra khi người dân có hành vi như thế và gây ra hậu quả nặng nề như vậy. Để hoạt động tự phát xảy ra có nghĩa là công tác quản lý càng ngày càng yếu kém.

Theo ông, cần phải có những biện pháp cụ thể ra sao trong những trường hợp này?

Trước tiên, chính quyền địa phương có thể treo băng rôn, khẩu hiệu để kêu gọi ý thức, sự thanh lịch của người dân. Rồi cũng phải có những màn hình lớn phía khu vực bên ngoài để người dân vẫn được hưởng không khí đó. Ngoài ra, cần thiết phải có loa phóng thanh, điều khiển, nhắc nhở người dân về ý thức tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng xã hội, tôn trọng cộng đồng.

Thứ nữa, ở những khu vực cần được bảo vệ thì phải có rào chắn, thậm chí phải có lực lượng riêng. Tại sao lại để người dân tự do đi lại, giẫm đạp lên hoa cỏ như vậy? Sao để xảy ra tình trạng chen lấn, khiến người già, trẻ con phải cấp cứu như thế? Hình ảnh đó không đúng với hình ảnh thủ đô thanh lịch, văn minh.

Do chính quyền địa phương không áp dụng biện pháp kịp thời, nên mới xảy ra tình trạng đáng tiếc như vậy. Lẽ ra Hà Nội phải có biện pháp hạn chế lượng người về đó ngay từ đầu, thậm chí có biện pháp cứng rắn cho việc này.

Đại biểu Quốc hội nói về 'vỡ trận' đón năm mới ở Hồ Gươm ảnh 1 Ông Lưu Bình Nhưỡng.

Thêm cảnh báo cho mùa lễ hội

Nhưng vấn đề đi lại, vui chơi giải trí lại là quyền của người dân, liệu có thể hạn chế không, thưa ông?

Điều đó đúng rồi. Thế nhưng trong những trường hợp cần thiết, để đảm bảo an toàn cho cộng đồng thì cũng cần hạn chế số lượng người. Đâu phải quyền của người dân thì anh có quyền đi vào bất kỳ chỗ nào, đi vào thời điểm nào cũng được? Bởi khu vực đó, chỗ đó vào thời điểm đó liên quan đến an ninh, an toàn cho cộng đồng.

Giả sử không có biện pháp an ninh tốt, dẫn đến nhiều người chết trong đám đông đó thì sao? Ai là người phải chịu trách nhiệm? Chính quyền Thủ đô phải hoàn toàn chịu trách nhiệm với sự an toàn của người dân. Thà ngăn cản còn hơn để người dân bị ngất xỉu, giẫm đạp... Điều này cũng là vì cái chung. Cứ thả cửa, kệ dân thì còn thiếu trách nhiệm hơn.

Trong trường hợp này có nhiều biện pháp khác nhau để thực hiện cho tốt. Theo tôi, Hà Nội cần phải tổ chức một hội thảo về việc này để đưa ra những quyết sách đúng đắn.

Cứ như vừa qua thì công tác lãnh đạo chỉ đạo và thực hiện như thế là không ổn. Tại sao TPHCM không bị như vậy? Tại sao Đà Nẵng không bị, mặc dù họ bắn pháo hoa? Chứng tỏ Hà Nội có vấn đề trong quản lý, tổ chức hoạt động. Tất nhiên ở các nước có thể vẫn diễn ra cảnh tượng tương tự, thậm chí gây chết người, nhưng họ không lặp đi lặp lại cảnh tượng như Hà Nội.

Thực trạng như ở Hà Nội vừa qua rút ra bài học gì trong công tác tổ chức lễ hội tới đây ở các địa phương?

Vấn đề của Hà Nội không chỉ của Hà Nội mà là vấn đề của cả nước. Cho nên có thể lấy Hà Nội là một ví dụ điển hình cho công tác quản lý lễ hội, để rút kinh nghiệm cho cả nước. Thậm chí cần thiết phải có công văn, hay chỉ thị từ Bộ VHTT&DL trước, trong và sau mỗi dịp lễ hội. Rồi các bộ, ngành, đoàn thể khác, như Mặt trận Tổ quốc cũng phải có sự phối hợp chặt chẽ để tổ chức tốt hơn.

Dĩ nhiên, ở các địa phương khác thì không phức tạp như Hà Nội và các thành phố lớn. Tuy nhiên, vì mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe và sự an toàn của người dân, của cộng đồng như vậy, cần xem đó như một bài học và cần được rút kinh nghiệm chung cho cả nước.

Cảm ơn ông.

Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao Hà Nội: Sẽ họp rút kinh nghiệm

Trao đổi với PV Tiền Phong ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao Hà Nội nói sẽ họp bàn rút kinh nghiệm với nhà tổ chức sự kiện. Khi được hỏi về việc quá đông người dồn về quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục dự lễ đếm ngược đón năm mới, ông Động nói: “Nếu ít người thì không xảy ra chuyện, đông quá sẽ rất khó vì người ta cố tình đi vào khu vực này. Tuy nhiên, chúng tôi có bố trí phương tiện cứu hỏa, cứu thương”. Lãnh đạo sở này giải thích, Sở chủ trương kéo giãn mật độ bằng cách tổ chức chương trình đón năm mới ở rất nhiều điểm như Mỹ Đình, Hà Đông, công viên, huyện Đông Anh với tổng 30 điểm toàn thành phố. “Người ta thích đến đâu thì khó ngăn lại vì đó là nhu cầu của họ. Chúng tôi đương nhiên vẫn phải rút kinh nghiệm để tổ chức tốt hơn”.

Ông Động cũng nói, lễ  hội đếm ngược ở Quảng trường Cách mạng Tháng Tám trước cửa Nhà hát Lớn Hà Nội diễn ra yên bình.                

Bảo Hân

PGS.TS. Trịnh Hoà Bình: Tâm lý hiếu kỳ, thời thượng

Nói về đám đông tụ về quanh Hồ Gươm, đặc biệt Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục dự lễ hội đếm ngược do một nhãn hàng tổ chức, chuyên gia tâm lý xã hội PGS.TS Trịnh Hoà Bình cho rằng điều đó thể hiện sự hiếu kỳ, thời thượng và bắt chước. Tuy nhiên ông cũng nhắc tới khía cạnh khác- không chỉ là sự tò mò và nhu cầu vui chơi giải trí khi tham gia sự kiện đếm ngược.

“Có lẽ đám đông đổ về sự kiện này còn xuất phát từ tâm trạng đón đợi sự thay đổi. Tâm trạng này dễ hiểu trong bối ảnh đất nước có nhiều sự kiện, vụ việc làm người ta bức xúc như sự yếu kém của bộ máy quản lý, hiện tượng tham nhũng, chuyện con ông cháu cha. Sự đếm ngược chính là quy ước, sự chờ đợi thời khắc để có những thay đổi mạnh mẽ hơn”, TS Bình nói. Ông cho rằng, giới trẻ đông hơn và thường tò mò, trong khi người lớn tuổi đến đó như sự bày tỏ và chờ đón.

Nhiều người cho rằng, không gian Hồ Gươm quá chật hẹp để tổ chức sự kiện đếm ngược. Việc không lường trước dẫn đến sự phá vỡ không gian, quá tải. “Tính kỷ luật của nhiều người dân vốn yếu. Ở một xã hội thiếu trật tự dễ dẫn đến lộn xộn, tài sản công cộng bị xuống cấp hoặc chiếm đoạt. Trong bối cảnh cộng đồng mất kiểm soát ấy, người xấu dễ có điều kiện bộc lộ hành vi xấu và ác”, TS Trịnh Hòa Bình nói.     

Nguyên Khánh

TS. Trần Hữu Sơn: Xem lại cách tổ chức

TS. Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch thường trực Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, ông nói: Phải khách quan nhìn nhận, lễ hội khi có xu hướng kết nối toàn cầu hoá như thế bao giờ cũng đông. Không riêng lễ hội đếm ngược này, bất cứ hoạt động sôi  nổi, hấp dẫn nào đều đông đúc cả. Bất bình thường là cần xem địa điểm đó đủ điều kiện tổ chức chưa, nhà tổ chức dự kiến phương án hay chưa. Nếu dự kiến rồi sẽ có những cách tổ chức khoa học hơn, còn chưa dự kiến được sẽ lúng túng và xảy ra nhiều chuyện khác.

Muốn có giải pháp tốt thì trước khi làm ta phải lựa chọn địa điểm, không nên chỉ tập trung một sự kiện ở một địa điểm hẹp. Nên tổ chức âm nhạc đường phố, vũ điệu đường phố để xé nhỏ đám đông ra.

Theo tôi với sự kiện đếm ngược phải là sân vận động mới tải được. Quảng trường của mình đều xây từ thời Pháp, chỉ tương đương đường phố, ngõ phố. Đông người vào chỗ nhỏ để làm cái lớn sẽ xảy ra chuyện.         

Toan Toa

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.