Dặm dài biên ải: Cuộc chiến thảo dược ở Chi Ma

Biên phòng Chi Ma liên tiếp bắt giữ thuốc bắc nhập lậu Ảnh: Duy Chiến
Biên phòng Chi Ma liên tiếp bắt giữ thuốc bắc nhập lậu Ảnh: Duy Chiến
TP - Nói đến buôn lậu ở Lạng Sơn, mọi người hay nghĩ đến khu vực Hang Dơi, Cốc Nam, Tân Thanh (huyện Văn Lãng), nhưng năm nay, trận chiến chống buôn lậu dược liệu ở mé đông bắc tỉnh Lạng Sơn trở nên nóng bỏng, phức tạp. 

Nằm cách thành phố Lạng Sơn chừng 40 km về hướng đông bắc, cửa khẩu Chi Ma (huyện Lộc Bình) là nơi các đầu nậu kết nối với các đối tượng bên kia biên giới vận chuyển, buôn bán thuốc Bắc từ Trung Quốc xâm nhập qua biên giới rồi tìm cách đưa sâu vào nội địa nước ta tiêu thụ.

Cách đây chừng một năm, đầu tháng 12/2019, Bộ Công an đã phát hiện, bóc gỡ đường dây buôn lậu qua cửa khẩu Lạng Sơn, thu giữ tại cửa khẩu Chi Ma, trên tuyến quốc lộ 1A và các kho tại Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội) hàng trăm tấn thuốc Bắc. Cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 7 đối tượng (trong đó có 2 cán bộ hải quan cửa khẩu Chi Ma) về hành vi “buôn lậu”.

Từ đây, các hoạt động quy mô, rầm rộ buôn dược liệu qua biên giới Việt - Trung gần như chấm dứt. Thay vào đó, các đối tượng buôn lậu xé lẻ hàng hóa, vận chuyển theo kiểu “du kích”, chớp nhoáng.

Cuộc chiến dai dẳng

Thượng tá Ninh Văn Bình, đồn trưởng đồn biên phòng cửa khẩu Chi Ma chỉ cho chúng tôi về những con đường mòn, đường “xương cá” trên tuyến biên giới Việt - Trung. Đằng sau con đường, bên kia biên giới là trấn Ái Điểm thuộc huyện Ninh Minh, khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc. Nơi này được coi là “tổng kho” chứa dược liệu, các chủ hàng rình rập, tìm thời cơ tuồn vào Việt Nam.

Đồn trưởng cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên hoạt động buôn lậu qua biên giới có giảm về số vụ nhưng phức tạp hơn về tính chất hoạt động. Cụ thể, trước sự tuần tra, kiểm soát gắt gao của biên phòng và các lực lượng chức năng, các nhóm buôn bán, vận chuyển hàng khó hoạt động hơn nhưng lại tinh vi, xảo quyệt hòng che mắt lực lượng chức năng.

“Các đối tượng thường xuyên cử người theo dõi, khi có sự sơ hở của lực lượng chức năng chúng lén lút vận chuyển hàng qua đường mòn biên giới, chủ yếu vào lúc trời tối, khi cán bộ, chiến sỹ biên phòng giao ca cũng như địa điểm “trống” khoảng cách giữa các chốt, lán. Để đánh bắt hàng lậu là cả một vấn đề nan giải. Mỗi lần bị phát hiện, các đối tượng đều bỏ hàng, chạy về phía bên kia biên giới, vì vậy hàng hóa thu giữ được chủ yếu là vô chủ”. Thượng tá Bình nói.

Thượng tá Bình dẫn chứng: Ở biên giới, có những hàng rào làm bằng thanh sắt nhỏ, các đối tượng nới rộng rồi đưa bọc hàng thuốc Bắc qua. Hoặc khi không có lực lượng chức năng chúng nhanh chóng vứt qua hàng rào. Ví dụ như ngày 16/12, tại khu vực mốc 1226 thuộc thôn Quân Phát, xã Yên Khoái, Lộc Bình, lợi dụng chiến sỹ đi tuần tra biên giới, một nhóm người Trung Quốc đã ném 4 bao hàng, bên trong chứa 85 kg thuốc Bắc qua hàng rào dây thép gai.

Tương tự, rạng sáng ngày 30/8, khi đang tổ chức tuần tra kiểm soát tại khu vực đường mòn gần mốc 1245, thuộc xã Tú Mịch, huyện Lộc Bình, tổ công tác thuộc đồn biên phòng cửa khẩu Chi Ma phát hiện nhiều đối tượng đang lén lút vận chuyển các bao hàng qua hàng rào xâm nhập vào Việt Nam. Thấy lực lượng chức năng, các đối tượng lợi dụng đêm tối bỏ chạy vào rừng, để lại tại hiện trường 22 bao tải dứa chất hàng hóa. Qua kiểm đếm thực tế, bên trong đều là nguyên liệu thuốc Bắc không rõ nguồn gốc, xuất xứ với nhiều loại như: nhục thung dung, đương quy, hoàng liên, hoàng kỳ với tổng trọng lượng gần 1,5 tấn, trị giá ước tính khoảng 200 triệu đồng.

Theo báo cáo của đồn biên phòng cửa khẩu Chi Ma, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã phát hiện, ngăn chặn 68 vụ nhập lậu, tịch thu trên 5,8 tấn dược liệu.

Nỗ lực

Thượng tá Ninh Văn Bình trăn trở: Nhân dân sinh sống trên địa bàn biên giới Lộc Bình đều là người dân tộc thiểu số, trình độ nhận thức còn hạn chế. Ruộng nương ít nên gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Những lúc nông nhàn, tạt qua bên kia biên giới làm thuê rồi bị các đối tượng xấu lôi kéo, tham gia làm “cửu vạn” vận chuyển hàng nhập lậu.

“Bà con là những người thật thà, tốt tính và rất có ý thức bảo vệ đường biên, mốc giới. Thời gian qua, nhiều nguồn tin của bà con đã giúp lực lượng biên phòng giữ vững chủ quyền Tổ quốc cũng như phá nhiều vụ án về an ninh trật tự xã hội. Khi thấy bà con vác một vài bọc hàng nhập lậu nhỏ, lẻ, cũng có chiến sỹ nghĩ suy khi chặn bắt. Tuy nhiên, chỉ huy đồn quán triệt cần phải xử lý nghiêm và tuyên truyền với bà con chấp hành đúng chủ trương, chính sách của nhà nước và quân đội”. Thượng tá Bình chia sẻ.

Dặm dài biên ải: Cuộc chiến thảo dược ở Chi Ma ảnh 1 Dân buôn lậu lợi dụng vắng người, tuồn hàng qua hàng rào biên giới Ảnh: Duy Chiến 
Dẫn tôi đến khu vực cửa khẩu Chi Ma, đồn trưởng Ninh Văn Bình giới thiệu: Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chi Ma có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ trên 16 km đường biên giới quốc gia và phụ trách địa bàn 3 xã: Yên Khoái, Tú Mịch, Mẫu Sơn (huyện Lộc Bình). Do địa bàn rộng, địa hình phức tạp, nhiều đường mòn, lối tắt qua lại biên giới đã gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong kiểm soát, phòng, chống xuất nhập cảnh trái phép và ngăn chặn buôn lậu.

Thời gian qua, nhất là thời điểm “tháng củ mật”, lực lượng biên phòng phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, xây dựng kế hoạch, triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ, tăng cường công tác nắm tình hình. Đơn vị đã thành lập 16 chốt, làm việc 24/24 giờ tại các đường mòn, đường tắt và 1 tổ cơ động tuần tra, quản lý biên giới vừa để ngăn chặn các loại tội phạm, trong đó có buôn bán, vận chuyển hàng lậu.

“Thời gian tới, biên phòng cửa khẩu Chi Ma tiếp tục duy trì lực lượng chốt chặn, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát địa bàn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về buôn lậu, nhất là mặt hàng dược liệu, thuốc Bắc”. Thượng tá Ninh Văn Bình

“Với quyết tâm không để hình thành các đường dây, ổ nhóm, điểm nóng buôn lậu, vận chuyển, chứa chấp hàng lậu trên địa bàn, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân, lực lượng biên phòng huy động 100% quân số, làm việc tăng ca, thêm giờ tại những điểm nóng biên giới”. Thượng tá Bình nói.

Theo thượng tá Bình, từ khi xảy ra đại dịch COVID-19, lượng khách xuất nhập cảnh qua cửa khẩu Chi Ma gần như không có. Hàng hóa xuất nhập khẩu cũng giảm so với năm trước. Mỗi ngày chỉ có khoảng 30 đến 40 xe hàng qua lại biên giới (hàng xuất khẩu chủ yếu là tôm cá đông lạnh, chè khô, tinh bột sắn. Hàng nhập là linh kiện máy móc, giấy làm khẩu trang, gia vị Trung Quốc).

“Thực tế hiện nay, nhu cầu sử dụng dược liệu ở nước ta rất lớn. Bộ y tế cũng đã cử mấy đoàn công tác đến cửa khẩu Chi Ma để khảo sát, xem xét quy trình để trình chính phủ cho phép nhập khẩu thuốc Bắc, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có kết quả”. Đồn trưởng biên phòng Chi Ma chia sẻ. (còn nữa)

MỚI - NÓNG