Dân Thủ đô chật vật vì bệnh nhân số 17

Người dân chen chân, xếp hàng tích trữ thực phẩm. Ảnh: Long Vân
Người dân chen chân, xếp hàng tích trữ thực phẩm. Ảnh: Long Vân
TP - Trước thông tin về ca nhiễm Covid-19 thứ 17 tại Việt Nam, cũng là ca nhiễm đầu tiên ghi nhận tại Hà Nội, người dân đã đổ xô đi sắm thực phẩm để dự trữ, khẩu trang, cồn và nước rửa tay. Nhiều gia đình cũng đã bắt đầu đưa con về quê…  

Nửa đêm đi gom thực phẩm

Chị Nguyễn Thúy An (cư dân Times City) khoe đã “bỏ tủ lạnh” 5kg rau cải, 6kg bắp cải, 5kg cà rốt, 12kg thịt, 10kg cá, 50 quả trứng và một danh sách những nhu yếu phẩm khác để phòng dịch. Chị Trần Minh (Q. Hoàng Mai) đăng ảnh 7 thùng mì tôm, một bịch xúc xích và một bịch thịt kèm một bao tải rau xanh.

Anh Lê Đình Quân (Q.Thanh Xuân) thì khoe một chồng giấy vệ sinh cao gần tới nóc tủ với cả thùng nước rửa tay, xà bông diệt khuẩn các loại. Trong khi rất nhiều người vào bình luận hâm mộ, thì cũng chừng đó người thắc mắc “trữ giấy vệ sinh để làm gì”?

Dân Thủ đô chật vật vì bệnh nhân số 17 ảnh 1 Người dân chen chân, xếp hàng tích trữ thực phẩm. Ảnh: Long Vân

Những hình ảnh và câu chuyện tương tự liên tục xuất hiện trên facebook khiến rất nhiều người “sốt ruột cũng phải đi mua”. Hậu quả là hầu hết các cửa hàng thịt, siêu thị đến khoảng 8h sáng ngày 7/3 đã đồng loạt hết hàng. Các kệ thịt trong cửa hàng Meat Deli trống rỗng. Người dân Thủ đô xếp hàng cả trăm mét để mua mỳ tôm về dự trữ.

Tình trạng ở các chợ dân sinh không khá hơn. Người ta đổ xô đi mua rau, mua thịt, cá, trứng. Anh Nguyễn Văn Hiển (tiểu thương chợ Kim Giang, Thanh Xuân) cho biết: “Tôi vừa đổ ra một tải bí là có người mua hết ngay. Các loại rau để được lâu như su hào, cà rốt, su su, bí đao, bí đỏ, bắp cải... bị người dân tranh cướp. Có bà ra sau, thấy tôi bán 1 cây bắp cải mười nghìn lập tức đòi mua với giá 12 nghìn. Tôi đi buôn bao năm nay chưa bao giờ thấy tình trạng như thế này”. Hi hữu hơn, bà Lê Thị Liên (tiểu thương chợ Kim Giang) sau nửa tiếng bán thịt thì quyết định mang về non nửa con lợn “để nhà dùng” vì hoảng hốt trước sức mua quá lớn.

Các shop thực phẩm online cũng vào thời kỳ “nước sôi lửa bỏng” giống hệt đợt cháy khẩu trang dạo sau Tết. Có người giờ trước thông báo “về một tấn cam Hà Giang”, mười lăm phút sau đã thấy trạng thái “cháy hàng”. Các shop bán hải sản, thịt, rau củ quả cũng tấp nập kẻ bán người mua. Chỉ trong vòng một buổi sáng, nhiều loại thực phẩm chức năng trước đó đang giảm giá mạnh vì cận hạn sử dụng cũng trở thành hàng hiếm.

Từ sáng sớm 7/3, các siêu thị lớn trên địa bàn Hà Nội lượng khách hàng mua sắm thực phẩm tăng đột biến. Trong đó, các sản phẩm như mỳ tôm, bánh phở sữa và rau củ quả, thực phẩm tươi sống được mua với số lượng lớn. Tại siêu thị Big C Thăng Long (Trần Duy Hưng, Cầu Giấy) từ sáng sớm đã kín người đến xếp hàng lên các quầy thực phẩm. Các kiện mỳ tôm bầy thêm tại lối đi, liên tục hết hàng, có lúc siêu thị phát loa thông báo: Mỗi khách hàng chỉ mua 2 sản phẩm/ngày đối với sản phẩm như mỳ tôm, nước rửa tay… Đến gần trưa, hàng nghìn người vẫn xếp hàng dài đợi thanh toán.

Ở siêu thị CoopMart (Hà Đông) lượng khách đeo khẩu trang đến sắm thực phẩm tăng đột biến. Ở đây cũng có thông báo hạn chế mua hàng. Chị Nguyễn Thị Lệ, nhà ở khu vực Triều Khúc (xã Tân Triều, Thanh Trì) đẩy chiếc xe đầy ắp rau, thịt, củ quả, sữa cho biết, từ tối 6/3, chị đã lên kế hoạch sẽ đi siêu thị tích luôn đồ ăn cho cả tuần. Ghi nhận tại các siêu thị Vinmart, BigC (Hà Đông) cũng đông kín khách hàng, nhiều khách hàng mua lượng lớn để dùng dần.

Ở các chợ truyền thống cũng xảy ra tình trạng tương tự. Từ khoảng 8h sáng nhiều phản thịt tại chợ Khương Trung đã hết nhẵn. Theo ghi nhận của PV, tại các khu chợ khu vực Cổ Nhuế, chợ Vẽ (Bắc Từ Liêm), chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy), chợ Ngã Tư Sở (Đống Đa) đều rất đông.

Ngoài ra, mặt hàng khẩu trang và nước rửa tay lại khởi động nóng trở lại sau ít ngày lắng xuống. Tại phố Khâm Thiên, người dân phải xếp hàng dài để mua khẩu trang của công ty dệt kim Đông Xuân. Ở đây, dù phải xếp hàng khá lâu nhưng mỗi khách được mua tối đa 50 chiếc (giá 7.000đồng/chiếc). Trên tuyến phố Phủ Doãn, các hiệu thuốc trưng biển không bán khẩu trang.  

Rục rịch đưa con về quê tránh dịch

Dân Thủ đô chật vật vì bệnh nhân số 17 ảnh 2 Chị Nguyễn Thị Thanh quyết định cho con về quê ngay trong sáng 7/3 để tránh dịch Covid-19. Ảnh: Võ Hóa

7h30 sáng thứ 7, gia đình chị Nguyễn Thị Thanh, cư dân chung cư Hải Phát (Hà Đông) đã tay xách nách mang đồ đạc, đưa con gái đang học mầm non về quê. Theo chị Thanh, thời điểm ra Tết chị cho con về Nghệ An với ông bà. Thông tin dịch dần được kiểm soát nên cô con gái lên Hà Nội được mấy ngày, chuẩn bị đi học nhưng nay phải thay đổi kế hoạch. “Tình hình này chắc các trường học còn cho học sinh nghỉ dài nên tôi quyết định lại để con về với ông bà”, chị Thanh nói.

Anh Trần Hoàng Trúc, trú tại phường Nhân Hòa (Thanh Xuân) cũng đang lên kế hoạch cho hai cậu con trai về Nam Định với ông bà nội. Theo anh Trúc, việc có người nhiễm bệnh Covid-19 thì chắc chắn Hà Nội sẽ còn cho học sinh nghỉ học thêm. Chị Bùi Thị Lan, giáo viên mầm non tại quận Đống Đa cho biết, dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhà trường tiếp tục nghỉ học thì phương án để con về quê cũng là một lựa chọn thích hợp.

Siêu thị cam kết đủ hàng, không tăng giá

Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail (quản lý chuỗi siêu thị BigC) xác nhận: Trong buổi sáng 7/3, lượng khách hàng tới siêu thị tăng đột biến, vì thế có thời điểm thiếu hàng cục bộ trên một số quầy. Để khắc phục tình trạng trên, siêu thị huy động và tăng cường nhân viên làm việc tối đa, thậm chí làm thêm giờ cả ban đêm.Đại diện siêu thị cho biết, khách hàng không nên quá lo bởi từ khi có dịch bệnh, hệ thống bán lẻ thực phẩm Central Retail đã chủ động trữ lượng tồn kho tăng lên 3-4 lần, cam kết tiếp tục bình ổn giá, không tăng giá đối với hàng hóa, thực phẩm thiết yếu.  Ngoài ra, trao đổi với Tiền Phong, đại diện chuỗi siêu thị bán lẻ Vinmart và VinMart+ cung cam kết không tăng giá hàng hóa, đảm bảo nguồn cung trên toàn quốc.

Long Vân

MỚI - NÓNG