Đẩy nhanh nghiên cứu vắc-xin phòng COVID-19

Các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu virus gây bệnh COVID – 19 ảnh: Thái Hà
Các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu virus gây bệnh COVID – 19 ảnh: Thái Hà
TP - Ngày 3/5, TS Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Vắc-xin và Sinh phẩm số 1 (Bộ Y tế) cho biết, bước đầu nghiên cứu thử nghiệm vắc-xin COVID-19. Dự kiến trong tuần này, các mẫu máu trên chuột thí nghiệm sẽ được chuyển đến Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư để đánh giá về khả năng sinh miễn dịch (kháng thể) chống lại virus SARS-CoV-2.

Ngay từ khi Việt Nam ghi nhận các ca mắc COVID-19 đầu tiên vào tháng 1/2020, các nhà khoa học của Công ty TNHH MTV Vắc - xin và Sinh phẩm số 1 đã hợp tác cùng các nhà khoa học của Đại học Bristol (Anh) để nghiên cứu vắc-xin phòng bệnh COVID-19 dựa trên công nghệ vector virus. Đến nay, nghiên cứu đã thành công trong việc tạo chủng mang vùng kháng nguyên đặc hiệu của virus SARS-CoV-2. Kháng nguyên của virus SARS-CoV-2 trong thành phần vắc-xin khi tiêm sẽ giúp cơ thể sinh ra kháng thể chủ động chống lại SARS-CoV-2, tạo miễn dịch phòng bệnh. Đây là nguyên liệu quan trọng cho sản xuất vắc-xin.

Cùng với việc bước đầu phát triển thành công dự tuyển vắc-xin phòng COVID-19 ở quy mô phòng thí nghiệm, dự tuyển vắc-xin đã được tiêm thử nghiệm trên chuột, đánh giá khả năng sinh kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2. Việc tiêm thử nghiệm vắc-xin này trên chuột đã được thực hiện 2 tuần nay.

Theo TS. Đạt, đây mới chỉ là đánh giá ban đầu chứ chưa có ngay vắc-xin phòng bệnh. Sau giai đoạn này, nhóm nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện quy trình sản xuất, đánh giá trên động vật về tính an toàn, khả năng sinh miễn dịch, tiếp sau đó mới thử nghiệm trên người.

TS. Đạt đánh giá: “Nghiên cứu vắc-xin COVID-19 khó, nhưng các nhà khoa học đang nỗ lực để hoàn thiện từng bước. Thành quả nghiên cứu này có sự hợp tác của các nhà khoa học thuộc Công ty VABIOTECH và Đại học Bristol, Anh. Công nghệ này tuy khó khăn ở bước đầu để tạo ra protein đáp ứng miễn dịch nhưng các bước sau sẽ đi nhanh hơn so với công nghệ tổng hợp gene, giúp rút ngắn thời gian phát triển và sản xuất vắc-xin”.

Sớm nhất 12 tháng nữa mới có vắc-xin

Do yêu cầu nghiêm ngặt trong quy trình phát triển vắc-xin với nhiều giai đoạn thử nghiệm nên dù nhanh nhất cũng phải mất 12 tháng mới có kết quả. Nghĩa là sớm nhất phải đầu 2021 mới có vắc-xin. Hiện Việt Nam là 1 trong 39 nước trên thế giới đạt Tiêu chuẩn quốc gia về sản xuất vắc-xin, tức vắc-xin sản xuất ra có thể xuất khẩu.

TS Đạt cho biết thêm: “Loại vắc-xin mà chúng tôi hướng đến là loại sử dụng protein. Công nghệ này tuy khó khăn ở bước đầu để tạo ra protein đáp ứng miễn dịch nhưng các bước sau sẽ đi nhanh hơn so với công nghệ tổng hợp gene. Việc này giúp rút ngắn thời gian phát triển và sản xuất vắc-xin, dễ nâng quy mô sản xuất và giảm giá thành, đáp ứng tốt nhu cầu về vắc-xin trong trường hợp khẩn cấp khi xuất hiện các tác nhân gây bệnh mới, nguy hiểm như COVID-19. Tuy nhiên, do yêu cầu nghiêm ngặt trong quy trình phát triển vắc-xin nên dù nhanh nhất và thuận lợi nhất thì cũng phải mất 12 tháng mới có kết quả”.

Trong số rất nhiều chủng coronavirus có khả năng lây nhiễm ở người, đến nay mới chỉ có 3 chủng được đặt tên riêng vì dịch bệnh và hậu quả quy mô lớn mà chúng gây ra. Đó là SARS-CoV gây ra dịch năm 2003, MERS-CoV gây ra dịch năm 2012 và lần này là COVID-19. Cả 2 đại dịch lần trước, thế giới đều chưa có vắc-xin nào được thương mại hóa.

“Bởi thế lần này nếu sản xuất thương mại được vắc-xin phòng COVID-19 thì sẽ là một bước tiến rất lớn. Chúng ta không thể dự báo được trong tương lai có thể có thêm chủng coronavirus nào mới xuất hiện và gây đại dịch ở người. Nếu tình huống xấu xảy ra, khi đã có trong tay công nghệ vắc-xin rồi, lúc đó chỉ cần lắp ráp phần gene của chủng virus mới vào sẽ rất nhanh có vắc-xin mới. Nói cách khác, lần này nếu thành công thì sẽ là nền tảng để phát triển các vắc-xin phòng đại dịch sau này chứ không chỉ riêng phòng coronavirus”, TS Đạt nói

Trước đó, tại một cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với Bộ Y tế, Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam và các cơ quan liên quan tổ chức nghiên cứu, sản xuất vắc-xin phòng, chống dịch COVID-19. Tuy đây là nhiệm vụ khó khăn nhưng Việt Nam đã có những thành quả nghiên cứu bước đầu như: phân lập được virus, sản xuất thành công sinh phẩm xét nghiệm…

Thêm ca mắc mới, nguy cơ dịch vẫn hiện hữu

Tối 3/5, Bộ Y tế cho biết trong ngày ghi nhận thêm 1 ca mắc mới. Như vậy, Việt Nam đã có bệnh nhân thứ 271 mắc COVID-19. PGS.TS Trần Ðắc Phu, Cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, Việt Nam đang thực hiện giãn cách cộng đồng tốt nhưng chưa thể dứt điểm 100% ca mắc.

Bệnh nhân mới nhất là nam giới, 37 tuổi, quốc tịch Anh, là chuyên gia của Tập đoàn Dầu khí được nhập cảnh để thực hiện dự án kinh tế. Ngày 28/4, bệnh nhân bay từ Anh tới Sân bay Tân Sơn Nhất trên chuyến bay riêng mang số hiệu AXY 2504 (không phải chuyến bay chở khách thương mại). Cùng đi với bệnh nhân có 12 chuyên gia khác, tất cả đã được quản lý, cách ly tập trung ngay sau khi nhập cảnh tại huyện Cần Giờ (TP HCM), nên không lây ra cộng đồng. Xét nghiệm lần 1 ngày 28/4 của tất cả 13 người đều cho kết quả âm tính. Ngày 2/5 những người này được lấy mẫu xét nghiệm lần 2. Kết quả 12 người có kết quả âm tính, riêng bệnh nhân 271 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân này được cách ly và điều trị tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi (TPHCM).

“Tôi muốn nhấn mạnh việc đeo khẩu trang rất quan trọng. Việt Nam làm tốt đeo khẩu trang từ sớm nên dịch không lây lan. Tuy nhiên, hiện có một bộ phận người dân đã chủ quan, đi uống bia, cà phê và không thực hiện giãn cách, bảo đảm an toàn. Người dân cứ thấy không công bố thêm ca bệnh mới thì coi như an toàn nhưng thực tế không phải vậy. Chính quyền phải tăng cường kiểm tra để người dân tuân thủ các quy định đã được khuyến cáo”, PGS.TS Trần Ðắc Phu nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Ðỗ Xuân Tuyên, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia cho biết, Ban Chỉ đạo vẫn chưa tính đến thời điểm công bố hết dịch vì không thể chủ quan trong khi số ca mắc mới ghi nhận trên thế giới vẫn còn cao.

Hà Minh

MỚI - NÓNG