ĐBQH đề nghị coi hành hung bác sỹ là 'chống người thi hành công vụ'

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan
TPO - Trước tình trạng hành hung bác sỹ xảy ra trong thời gian qua, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị phải có chế tài phù hợp ngăn chặn, thậm chí cần coi đây là hành vi “chống người thi hành công vụ”.

Ngày 24/4, Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội họp phiên toàn thể, cho ý kiến thẩm tra về tình hình thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Y tế.

Theo Bộ Y tế, tình hình an ninh trật tự an toàn tại một số bệnh viện chưa được đảm bảo, trong quý I/2018 tiếp tục xảy ra nhiều vụ hành hung, tấn công thầy thuốc khi làm nhiệm vụ, điển hình tại bệnh viện sản nhi Yên Bái, Bệnh viện đa khoa Bắc Kạn, Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh, Bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội.

Tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi nêu tình trạng “hai thầy” đang bị coi thường là thầy thuốc và thầy giáo. Điển hình như tình trạng bắt cô giáo quỳ, đánh bác sỹ trong bệnh viện vừa qua, đi giám sát khi đại biểu Quốc hội nêu vấn đề này ra, các tỉnh thành địa phương rất bức xúc. Ông Lợi cho rằng, bản thân các đại biểu Quốc hội phải lên tiếng mạnh mẽ về tình trạng này

Đề cập đến vấn đề con người, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, TPHCM đề nghị phải có giải pháp mạnh trên cơ sở xem xét ở khía cạnh pháp luật, liệu có khép vào tội hành hung bác sĩ được không? Theo bà Lan, phải coi đó là hành vi chống người thi hành công vụ, nếu không tình trạng này sẽ tiếp tục xảy ra.

Bên cạnh đó đại biểu đoàn TP HCM cũng cho rằng, ngành y tế cần tăng cường các giải pháp pháp chế bảo vệ cho đội ngũ y bác sỹ. “Bác sỹ Hoàng Công Lương bị khởi tố, chúng ta không thể để bác sỹ này đơn độc được”, bà Lan cho hay.

Từ phiên họp về BHXH hôm qua, bà Lan chia sẻ: “Tôi có một ước mơ, làm sao để đội ngũ nhân viên y bác sỹ cũng được hưởng mức lương 1,8 như BHXH, lương trung bình 8,8 triệu đồng/tháng. BHXH rất nhiều áp lực trong công việc, cố làm cả thứ bảy, chủ nhật, nhưng chưa biết ai tốn công sức nhiều hơn, áp lực nhiều hơn? Tôi mong ước mơ đó thành hiện thực, đề nghị Bộ Y tế phải đấu tranh mạnh mẽ hơn”, bà Lan bày tỏ.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng, Uỷ viên Uỷ ban Về các vấn đề xã hội cho rằng, tình trạng đạo đức xuống cấp như vừa qua sẽ đẩy ngành y tế xuống bờ vực, làm cho qua loa, làm cho xong chuyện, rất gay go. Cũng theo đại biểu Thắng, phải làm nóng vấn đề này lên để các ngành cùng vào cuộc, xem xét nghiêm túc chứ không phải chỉ ngành y tế.

Việc Bộ Y tế đề nghị có lực lượng công an cắm chốt ở các bệnh viện, theo ông, không giải quyết được vấn đề, không có chuyện công an thay ca nhau canh ở bệnh viện được. Ông đề nghị tại kỳ họp 5 tới, phải có bài tham luận nói về vấn đề này. Đây là trách nhiệm của Chính phủ, của chính quyền chứ không riêng gì ngành y tế.

Về giải pháp, theo ông Thắng, phải làm sâu để tuyên truyền nhận thức trong nhân dân. Nếu không bảo vệ đội ngũ y bác sỹ thì chẳng khác gì “lấy đá ghè chân mình”, bệnh nhân là người chịu thiệt thòi đầu tiên.

“Cần thiết phải có giải pháp nào đó, lập lại trật tự trong cơ sở y tế chứ không chỉ Bộ Công an. Phải luật hóa vấn đề này, không chỉ xử lý về hành chính, mà phải có chế tài xử lý đủ sức răn đe, chứ chỉ xử lý tội gây rối thì không ăn thua”, ông Thắng nêu.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.