Để Thủ Thiêm ra nông nỗi này có trách nhiệm của lãnh đạo TPHCM

Người dân tại buổi tiếp xúc cử tri quận 2 ngày 22/11 Ảnh: Đ.D
Người dân tại buổi tiếp xúc cử tri quận 2 ngày 22/11 Ảnh: Đ.D
TP - Đó là thừa nhận của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM tại buổi tiếp xúc cử tri quận 2, kéo dài từ chiều đến gần 20 giờ tối 22/11.

Những hồi ức kinh hoàng

Cử tri Lê Thị Nga -phường Bình An- TPHCM ngực đeo đầy huân huy chương ngậm ngùi nhớ lại: Nhà tôi giấy tờ đàng hoàng, có công an xác nhận. Ngày 7/4/2016, cả một đoàn cả trăm người kéo đến cưỡng chế đập nhà tôi. Họ dùng hơi cay xịt vào nhà chỉ có hai ông bà già. Chồng tôi 80 tuổi bị nhiễm độc, phải vào Bệnh viện Thống Nhất điều trị. “Gia đình tôi có công cách mạng. Huân, huy chương, bằng khen Nhà nước cấp và toàn bộ tài sản họ ngang nhiên chở đi, đến nay vẫn không trả. Tôi khiếu nại không ai thèm trả lời. Vì sao lại hành xử như vậy?...”, bà Nga uất ức.

Cử tri Nguyễn Thị Nai (phường Thảo Điền) cho biết mẹ là Mẹ Việt Nam anh hùng. Các cô, chú, dì là liệt sỹ. Chính quyền đã cho người cưỡng chế thu hồi hơn 9.100m2 đất của gia đình bà ở phường Thạnh Mỹ Lợi để xây trụ sở cơ quan. Con tôi phản ứng thì bị công an trấn áp, bà Nai nhớ lại.

Cử tri Đặng Văn Truyền (phường Bình An) bức xúc: “Lực lượng cưỡng chế dùng bọt khí, hơi cay xịt vào nhà tôi. Tôi cố thủ trong nhà bị lôi ra đánh từ trong nhà ra tới ngoài đường. Đến lúc tôi bị thương, bị quăng lên xe cứu thương rồi cũng còn bị đánh với lý do ngoan cố không chịu giao nhà. Đến lúc tôi ngất xỉu mới đưa đi cấp cứu”.

“Nhà tôi bây giờ đã xác định ngoài ranh giới, vậy người ra quyết định cưỡng chế có đáng bị truy cứu hình sự không? Tài sản, chén cơm, manh áo, công ăn việc làm, cuộc sống tương lai của dân mất trắng. Lấy đất của dân giao cho doanh nghiệp phân lô bán nền thì có tội không?”, ông Truyền nêu vấn đề.

Cử tri Huỳnh Thị Hồng Loan (phường Bình An) vừa khóc nói: “Nhà tôi trước kia trong cư xá công nhân. Nhà có giấy tờ hợp pháp nhưng bị cưỡng chế năm 2009, đẩy cả 3 người ra đường, sống lang thang gần 1 năm, đến khi Bí thư Thành ủy chỉ đạo mới có chỗ”.

Cử tri Nguyễn Thị Thúy Lan (phường Bình Khánh) nhớ lại: Quyết định cưỡng chế ngày nào quận cũng đưa xuống và đe dọa nếu không đi sẽ mất luôn hơn 40 triệu đồng đền bù hỗ trợ. Nửa đêm đang ngủ thì ai đó vứt con rắn lên người. Bị khủng bố tinh thần, chúng tôi buộc phải giao nhà. Bố mẹ già và 4 đứa trẻ phải sống lăn lóc ngoài đường. Khiếu nại ra Thanh tra TPHCM thì bị bác đơn. Họ mời chúng tôi vào phòng làm việc khuyên đừng đi kiện nữa, không thắng được đâu.

"Mấy anh thanh tra cũng là người có tâm, thấy gia đình tôi lang thang cũng xót xa và khuyên nhận căn hộ chung cư. Tôi chỉ được đền bù hơn 40 triệu, lấy tiền đâu mua nhà hơn một tỷ? Bây giờ Thanh tra Chính phủ xác định nhà tôi ngoài ranh, chính quyền phải trả lại cho tôi”, bà Lan kiến nghị.

Để Thủ Thiêm ra nông nỗi này có trách nhiệm của lãnh đạo TPHCM ảnh 1 Người dân Thủ Thiêm sử dụng bản đồ để chứng minh cả 5 khu phố thuộc 3 phường với tổng diện tích hơn 100 ha nằm ngoài ranh dự án và bị giải tỏa oan. Ảnh: Đình Du. 

Dân muốn trở về làm nhà đón tết

Theo một số cử tri, 160 ha đất tái định cư Thủ tướng dành cho người dân Thủ Thiêm thì UBND TPHCM phải sớm trả lại để dân an cư vì Tết cổ truyền đã sắp đến. Cử tri Nguyễn Thị Tám (phường Bình Khánh) nói hơn 20 năm nay cán bộ thì ở phòng máy lạnh còn người dân lang thang đầu đường xó chợ. Nhà chúng tôi ngoài ranh quy hoạch, theo lời Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân thì không phải giải tỏa. “Người dân không thể chờ lâu hơn. Tết sắp đến, phải có chỗ để chúng tôi thờ cúng”, bà Tám nói.

Cử tri Nguyễn Hào Hà (phường An Khánh) cho rằng quyền lợi của người dân liên quan đến khu 160 ha tái định cư, nếu UBND TPHCM đối thoại mãi mà không có giải pháp thì sẽ không có điểm dừng. “Đề nghị UBND TPHCM bồi thường nhà đất của người dân theo giá thị trường năm 2018. Người nào nhận tiền đi rồi, đề nghị quy nhà đất ra giá trị trường rồi hoàn trả lại phần chênh lệch cho người dân. Nếu làm được như vậy, tôi tin người dân sẽ đồng thuận”, ông Hà nói.

Thay mặt Tổ đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cám ơn các cử tri đã đề xuất các giải pháp giúp chính quyền sửa sai và cam kết sẽ báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy xem xét, giải quyết. Theo bà Tâm, Ban Thường vụ Thành ủy đã giao Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong gặp gỡ, đối thoại người dân Thủ Thiêm, tinh thần là đã làm sai thì phải sửa. Thường trực UBND TPHCM cũng đã mời thường trực UBND TPHCM các thời kỳ và lãnh đạo sở ban ngành các nhiệm kỳ có liên quan về họp để xác định rõ đúng - sai.

“Dự án trải qua hàng chục năm. Lãnh đạo TPHCM xác định rất khó nhưng dù khó đến mấy cũng phải sửa. Ban Thường vụ Thành ủy đã giao UBND TPHCM đưa một số phương án sửa sai báo cáo Thành ủy và khi Thành ủy đồng ý mới lấy ý kiến người dân. Việc lấy ý kiến không được áp đặt, phải thảo luận căn cứ vào các quy định pháp luật, đảm bảo có tình, có lý, hài hòa lợi ích người dân, chính quyền và doanh nghiệp, công khai minh bạch”, bà Tâm cho hay.

“Để Thủ Thiêm ra nông nỗi như thế này là trách nhiệm của lãnh đạo thành phố. Trách nhiệm đến đâu thì còn phải kiểm điểm làm rõ và xử lý. Cô bác phê bình chúng tôi giám sát chưa kịp thời, chúng tôi xin nghiêm túc rút kinh nghiệm và sẽ cố gắng nhiều hơn để đáp ứng mong mỏi của cử tri”, bà Tâm nói.

Người dân Thủ Thiêm đề nghị xử lý nghiêm ông Tất Thành Cang

Tại buổi tiếp xúc, cử tri Nguyễn Thị Tám chất vấn vì sao ông Tất Thành Cang, Phó bí thư thường trực Thành ủy làm khổ hàng nghìn người chỉ bị xem xét kỷ luật? “Các dự án lớn khi triển khai phải trình qua HĐND TPHCM. Vụ ông Tất Thành Cang bán rẻ 32 ha đất ở Phước Kiển (Nhà Bè), ký hợp đồng trái pháp luật để làm 4 con đường “dát vàng” ở Thủ Thiêm, HĐND TPHCM có biết không?”, bà Tám bức xúc nói.

Cử tri Đoàn Công Phương (phường Bình Khánh) cho rằng, muốn giải quyết vụ Thủ Thiêm, cần đưa những tổ chức, cá nhân cố ý làm trái ra xử trước pháp luật. Như ông Tất Thành Cang lúc còn là Bí thư kiêm Chủ tịch UBND quận đã dùng quyền lực đập hàng trăm nhà dân, lấy đất tái định cư giao cho doanh nghiệp. “Ông Cang đập rất nhiều nhà dân trong 5 khu phố ngoài ranh quy hoạch, phải xử lý thật nghiêm”, ông Phương kiến nghị.

Sáng cùng ngày, trao đổi với báo chí bên lề buổi tiếp xúc cử tri quận Thủ Đức, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết chiều 21/11, Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM đã bỏ phiếu kỷ luật ông Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư thường trực Thành ủy TPHCM theo quy trình nhưng bà từ chối cho biết hình thức kỷ luật.
Trước đó, Ban Thường vụ Thành ủy cũng đã bỏ phiếu kỷ luật ông Tất Thành Cang.

Kết quả bỏ phiếu đã được báo cáo với Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM. Việc bỏ phiếu này, theo bà Nguyễn Thị Quyết Tâm là theo quy trình các bước thực hiện kỷ luật và yêu cầu của Trung ương.

Bà Tâm cho biết, kết quả bỏ phiếu kỷ luật của Thành ủy TPHCM sẽ được chuyển ra Trung ương như là một cơ sở tham khảo để Trung ương xem xét đưa ra hình thức kỷ luật đối với các sai phạm của ông Tất Thành Cang.

Thịnh - Du

MỚI - NÓNG