Đề xuất tòa án có quyền tự điều tra

TP - Ngày 27/10, thảo luận Luật Tòa án nhân dân (sửa đổi), một số đại biểu nhấn mạnh: Để giảm oan sai, bỏ lọt tội phạm, trong quá trình xét xử Tòa án phải bảo đảm nguyên tắc xét xử độc lập, nếu cần thiết phải bác quyết định khởi tố, bác cáo trạng... Đặc biệt, để chống oan sai, có đại biểu đề nghị bổ sung vào luật quyền tự điều tra của Tòa án.
Đề xuất tòa án có quyền tự điều tra ảnh 1

Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Sơn phát biểu ý kiến. Ảnh: Như Ý

Không đủ căn cứ - tuyên vô tội ngay

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) nhấn mạnh, dự thảo luật sửa quy định về thẩm quyền của Tòa án trong quá trình điều tra, xét xử vụ án hình sự là cần thiết, tránh tình trạng xét xử trên “mâm cỗ đã dọn sẵn” của cơ quan điều tra.

“Về quy định quyền trả hồ sơ, tôi rất băn khoăn. Theo tôi không nên áp dụng khái niệm “trả hồ sơ”, mà nếu thấy không đủ yếu tố buộc tội, Tòa án có quyền tuyên bác quyết định khởi tố, bác cáo trạng và tuyên vô tội ngay” - ĐB Nghĩa kiến nghị.

Đề cập tới kỳ án “Vườn mít” (vụ án Lê Bá Mai bị tuyên án tù chung thân) có dấu hiệu oan sai, đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) cho biết, vụ án này còn một chi tiết đáng chú ý là một nhân chứng đứng ra cung cấp thông tin, minh oan cho Lê Bá Mai là bà Hảo.

“Kể từ khi làm đơn xin ra làm chứng, bà bị nhiều cú điện thoại nặc danh đe dọa, phải về quê lánh nạn. Với bằng đó thông tin, cần tái thẩm hay giám đốc thẩm bản án, nhằm tránh oan sai” - ĐB Hùng dẫn chứng.

Thực tế những vướng mắc trong quá trình xét xử của Tòa án cũng được ĐB Nguyễn Sơn (TP Hà Nội) nêu rõ, bên cạnh quy định “quyền trả hồ sơ”, cần bổ sung cho Tòa án quyền tự điều tra, xác minh lại chứng cứ khắc phục tình trạng điều tra làm oan sai, truy tố sai như thời gian qua.

Tòa phải xét xử độc lập

Nguyên tắc Tòa án xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Thẩm phán xét xử cũng phải độc lập với Chánh án của cấp đó, cấp trên. Không thể dùng quan hệ hành chính cấp trên - cấp dưới để yêu cầu Thẩm phán phải xét xử thế này hoặc thế kia.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo

Về nhiệm kỳ của Thẩm phán, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết, UBTVQH chỉ đạo chỉnh lý quy định nhiệm kỳ đầu của Thẩm phán là 5 năm, nếu được tái bổ nhiệm thì nhiệm kỳ tiếp theo là 10 năm, không phân biệt đối với Thẩm phán TAND Tối cao và Thẩm phán các Tòa án khác. Tuy nhiên, ĐB Đặng Công Lý (Bình Định) nêu ý kiến, nên bổ nhiệm Thẩm phán TAND Tối cao không kỳ hạn cho đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác. Còn các Thẩm phán khác, nhiệm kỳ đầu là 5 năm, nếu được tái bổ nhiệm thì các nhiệm kỳ tiếp theo là 10 năm.

Viện Kiểm sát phải được khởi tố án kinh tế

Thảo luận về Luật Viện kiểm sát (VKS) sửa đổi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền nói rằng, VKS là thiết chế đặc biệt thực hiện quyền công tố. Phải thực hiện quyền này từ khi có tin báo tội phạm, tố giác tội phạm để tránh oan sai, bức cung (thường xảy ra ở giai đoạn này). Do vậy phải để VKS thực hiện quyền công tố từ giai đoạn tiền điều tra. Đồng thời, cần quy định rõ vụ án đến giai đoạn xét xử, nếu không đủ căn cứ thì không cho trả hồ sơ nữa!

Mặt khác, nên giao cho VKS quyền khởi tố cả các vụ việc dân sự, kinh tế, nhất là trong trường hợp các vụ việc đó có liên quan đến các doanh nghiệp nhà nước.

“Thực tế có những vụ việc như vậy, nhưng DN, bộ ngành không đứng ra, trong trường hợp đó, phải để VKS khởi tố vụ án. Nếu VKS có quyền này, chắc chắn chúng ta không mất tới hàng nghìn tỷ đồng như trong một số vụ án kinh tế xảy ra thời gian qua” - ông Quyền cho hay.

Tâm sáng sẽ giảm oan sai

Để phát huy được vai trò giữ quyền công tố, ĐB Phạm Văn Gòn (TPHCM) và một số ĐB đề nghị cần giao cho Cơ quan điều tra Viện kiểm sát thẩm quyền điều tra đối với tất cả các tội xâm phạm trong hoạt động tư pháp, một số vụ án tham nhũng, vụ án có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) kiến nghị, đội ngũ kiểm sát viên, thẩm phán cần được lựa chọn qua hình thức thi cử, chọn ra những người có đủ năng lực, phẩm chất. Khi thông qua sát hạch cần tính toán đến việc bổ nhiệm suốt đời.

“Nếu chất lượng kiểm sát viên được nâng cao và làm việc với cái tâm trong sáng, thì dù luật pháp có yếu kém một chút, án oan, sai sẽ hạn chế rất nhiều” - ĐB Thuyền nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.