Di dời trụ sở bộ ngành khỏi nội đô Hà Nội: Yêu cầu bức bách, giải pháp nửa vời

Bộ Nội vụ mới 8 đường Tôn Thất Thuyết. Ảnh: Như Ý.
Bộ Nội vụ mới 8 đường Tôn Thất Thuyết. Ảnh: Như Ý.
TP - Mặc dù yêu cầu về việc di dời trụ sở hàng chục bộ, ngành ra khỏi khu vực nội đô được đặt ra từ nhiều năm qua và đã trở thành yêu cầu bức thiết nhằm giảm tải hạ tầng, giảm ùn tắc. Tuy nhiên, sự thờ ơ của cơ quan chức năng, thiếu những giải pháp mạnh đã khiến chủ trương này không biết khi nào mới thành hiện thực...

“Hà Nội chỉ kiến nghị chứ không được quyết”

Theo Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội, sau khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 130 (ngày 23/1/2015), về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong nội thành, Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo di dời cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch đô thị.

Đến nay, nhiều đơn vị đã di chuyển đến địa điểm mới, nhưng chưa bàn giao quỹ đất cũ cho thành phố mà sử dụng làm cơ sở 2. Do đó, việc đề xuất bổ sung hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của thành phố chưa thực hiện được. “Việc di dời trụ sở bộ, ngành ra khỏi nội đô đã thực hiện từ nhiều năm nay, vấn đề vướng mắc hiện nay là việc sử dụng quỹ đất của các bộ, ngành sau khi di dời. Nhưng việc này không thuộc thẩm quyền quyết định của Hà Nội”, vị cán bộ Sở Quy hoạch Kiến trúc cho biết.

Cũng theo Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội trước đây, Sở cũng đã đề xuất Bộ Xây dựng giao Hà Nội chủ trì rà soát, di dời các trụ sở bộ, ngành trung ương ra khỏi nội thành. Trong đó, Sở kiến nghị cho phép Hà Nội thực hiện cơ chế đặc thù lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch thành phần để các dự án đầu tư trọng điểm có thể triển khai sớm theo kế hoạch thành phố đã đề ra.

Trao đổi với PV Tiền Phong, lãnh đạo phòng Quản lý công sản (Sở Tài chính Hà Nội) cho biết, hiện thành phố Hà Nội đang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thực hiện theo đúng Quyết định số 130. “Thành phố kiến nghị Chính phủ sử dụng quỹ đất sau khi di dời trụ sở bộ, ngành ưu tiên bàn giao cho Hà Nội để xây dựng hạ tầng, các trường học. Hiện việc này Bộ Tài chính đang được giao chủ trì thực hiện rà soát, kiểm tra và báo cáo Thủ tướng xin ý kiến chỉ đạo”, lãnh đạo phòng Quản lý công sản cho biết.

Về việc một số bộ, ngành dù di dời tới trụ sở mới nhưng vẫn giữ lại trụ sở cũ vì lý do trụ sở mới thiếu diện tích, đại diện Phòng Công sản lý giải: “Về lý, Sở TN&MT quản lý đất đai trên địa bàn nhưng lại không xử lý được. Chẳng hạn trụ sở cũ của Bộ TN&MT ở đường Nguyễn Chí Thanh lâu nay vẫn không giải quyết được, vì Hà Nội chỉ là đơn vị phối hợp có kiến nghị đề xuất mà thôi”, vị này phân trần.

Di dời trụ sở bộ ngành khỏi nội đô Hà Nội: Yêu cầu bức bách, giải pháp nửa vời ảnh 1 Bộ Nội vụ cũ 37A Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Vì sao chậm thực hiện quyết định của Thủ tướng?

Quyết định 130 của Thủ tướng Chính phủ đã nói rõ: Việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời được ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, công trình hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị; không làm tăng chất tải cho khu vực nội thành, đảm bảo cân bằng nhu cầu về hạ tầng xã hội, kỹ thuật và môi trường đô thị, không được sử dụng để xây dựng chung cư cao tầng sai quy hoạch.

Đặc biệt, Quyết định 130 cũng quy định trách nhiệm các cơ quan thực hiện như, Bộ Xây dựng được giao chủ trì, phối hợp với Hà Nội và các bộ, ngành liên quan lập danh mục, cụ thể hóa tiêu chí, lộ trình và biện pháp di dời các cơ quan, đơn vị (các bộ, ngành, cơ quan Trung ương) cần di dời ra ngoài khu vực nội thành Hà Nội; Giám sát việc tổ chức thực hiện, quản lý và xây dựng theo quy hoạch, phối hợp với Hà Nội, các bộ, ngành có liên quan trong quá trình thực hiện việc di dời… UBND TP Hà Nội giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất phương án sử dụng quỹ đất sau khi di dời được cụ thể hóa trong quy hoạch được duyệt; Đề xuất cơ chế chính sách phù hợp để hỗ trợ khuyến khích thực hiện di dời, khai thác sử dụng quỹ đất tạo nguồn vốn tái đầu tư cho các cơ sở phải di dời.

Tuy nhiên, kết quả di dời các cơ sở ra khỏi nội đô theo Quyết định 130 được đánh giá là nhiều hạn chế. Các bộ liên quan như: Xây dựng, Y tế và Giáo dục - Đào tạo đến nay chưa hoàn thành danh mục, tiêu chí, lộ trình, biện pháp di dời trụ sở cơ quan trung ương, bệnh viện, cơ sở đào tạo khỏi nội đô.

Chẳng hạn, Bệnh viện Nội tiết Trung ương và Bệnh viện K đã đầu tư cơ sở mới nhưng vẫn tiếp tục sử dụng cơ sở cũ trong nội đô. Trong khi đó, khu đất “vàng” của ĐH Y tế công cộng sau khi di dời tại số 138 Giảng Võ (quận Ba Đình) đã được chấp thuận chuyển nhượng quyền sử dụng cho một tổ hợp dự án nhà cao tầng.

Được biết, hiện có 9 cơ quan được bố trí đất để chuyển trụ sở ra nội đô, gồm: Bộ Công an, Ngoại giao, Nội vụ, TN&MT, KH&CN; Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Tòa án nhân dân tối cao; Thanh tra Chính phủ; Ủy ban Dân tộc. Trong đó, 7 đơn vị tiếp tục giữ trụ sở cũ như: Bộ TN&MT, KH&CN…, hoặc bàn giao cơ quan trung ương quản lý; 2 cơ quan được chấp thuận chuyển đổi mục đích sang đầu tư xây dựng nhà ở, văn phòng cao tầng cho thuê.

Mới đây, trả lời ý kiến cử tri quận Hoàn Kiếm về thực trạng các cơ quan, nhà máy, đơn vị bộ, ngành khi được cấp đất xây trụ sở mới nhưng không chịu trả đất cho thành phố, ông Nguyễn Đức Chung- Chủ tịch UBND TP Hà Nội thừa nhận, việc di dời các cơ quan bộ, ngành ra ngoài 4 quận nội thành thực hiện theo quyết định của Chính phủ có từ năm 1997.

Tuy nhiên, nhiều bộ, ngành đã di dời nhưng từ đó đến nay, Hà Nội chưa thu được một khu đất nào để xây dựng công viên hay bãi đỗ xe...“Vấn đề trên hiện còn nhiều ý kiến trái ngược nhau. Bây giờ, các bộ muốn chuyển phải có tiền đầu tư, mà đầu tư muốn khu đất cũ làm cái gì… Trong thời gian tới, Thủ tướng sẽ chủ trì để họp đánh giá lại việc di chuyển các cơ sở”, ông Chung nói.

Đại diện Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, việc di dời trụ sở các bộ, ngành ra khỏi nội đô là một trong những biện pháp quan trọng để kéo giãn các cơ sở, dân cư ra khỏi nội đô trong bối cảnh ùn tắc giao thông hiện nay. Vì vậy, Chính phủ phải có cơ chế, quy định bắt buộc bàn giao quỹ đất sau di dời cho thành phố để ưu tiên phát triển công trình công cộng, hạ tầng xã hội, kỹ thuật. 

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.