Di sản thế giới bị xâm hại nghiêm trọng

Vịnh Hạ Long: Ai đang bê tông hóa?

Hàng loạt máy móc cơ giới tác động phá vỡ cảnh quan thiên nhiên vốn có của vùng lõi di sản
Hàng loạt máy móc cơ giới tác động phá vỡ cảnh quan thiên nhiên vốn có của vùng lõi di sản
TP - Hàng loạt công trình trái phép thi nhau xây dựng giữa vùng lõi di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long (Quảng Ninh). Hàng nghìn tấn bê tông vận chuyển ra vùng lõi xây dựng công trình, các bãi cát nhân tạo mọc lên phục vụ du lịch nhiều năm nay.

Hối hả khoan nhồi bê tông xuống vịnh

Qua nhiều năm khảo sát, nghiên cứu, các chuyên gia của tổ chức UNESCO đã 2 lần công nhận Vịnh Hạ Long là di sản thế giới về giá trị thẩm mỹ và giá trị địa chất địa mạo. Dựa trên những giá trị về khảo cổ học và đa dạng sinh học trong vùng vịnh, Quảng Ninh cũng đang đệ trình UNESCO công nhận vịnh Hạ Long là di sản thế giới lần thứ 3. Bên cạnh đó, Vịnh Hạ Long cũng đã được bình chọn là một trong bảy kì quan thiên nhiên mới của thế giới.

Với những lợi thế về tính thẩm mỹ, sự độc đáo của gần 2 nghìn hòn đảo được hình thành qua quá trình vận động của lớp vỏ trái đất, sau 20 triệu năm, Vịnh Hạ Long mang một hình hài “độc nhất vô nhị” trên thế giới, trở thành điểm đến tham quan của hàng triệu lượt khách mỗi năm khi đến Quảng Ninh.

Những năm gần đây, Vịnh Hạ Long đang phải oằn mình chịu đựng những tác động tiêu cực từ con người. Áp lực từ mức tăng trưởng nhanh về cơ sở hạ tầng, đặc biệt về mặt giao thông, tàu biển, khai thác than và các ngành du lịch, dịch vụ. Áp lực từ việc xây dựng cảng mới ở vùng vịnh dẫn đến sự gia tăng về giao thông đường biển trong khu vực, và phát triển cơ sở hạ tầng của du lịch là các mối đe dọa đối với vịnh.

Theo chân một ngư dân sống trên vịnh, chúng tôi được tận mắt mục sở thị những công trình hoành tráng do các cá nhân, doanh nghiệp, thậm chí của chính Ban quản lý (BQL) Vịnh Hạ Long xây dựng trên các hòn đảo giữa vùng lõi của di sản. Hàng loạt các bến cập tàu, bãi tắm, các công trình phụ trợ liên quan mọc lên như nấm. Điều đặc biệt, tất cả đều được đổ bê tông, tác động không thương tiếc vào cảnh quan có một không hai này.

Tiến sâu vào vùng vịnh, chúng tôi bắt gặp hàng loạt máy móc cơ giới đang hối hả khoan, nhồi bê tông xuống vịnh. “Đây là khu vực động Mê Cung, họ đang làm bến cảng cho tàu du lịch cập vào. Công trình này của BQL vịnh làm chủ đầu tư, khởi công nhiều tháng nay rầm rộ lắm” - anh T. ngư dân dẫn đường cho chúng tôi, nói.

Theo quan sát của phóng viên (PV), công trình này đã hoàn thành cơ bản phần bờ kè bằng bê tông kéo gần 100 mét. Những khối bê tông khổng lồ được đơn vị thi công đổ thẳng xuống vịnh. Xung quanh, các thiết bị máy móc cỡ lớn vẫn đang hoạt động hết công suất. Hàng chục khối cọc nhồi đóng xuống lòng vịnh để làm trụ cho cầu cảng đang gấp rút hoàn thành.

Ngay cạnh đấy, khu vực hòn Bà Men (ngư dân lập đền thờ trên đảo để hương khói mỗi khi ra vào vịnh) cũng đang được thi công rầm rộ. Hệ thống tường bao và cả một khu nhà lớn hình thành ngay trên đảo, bên dưới là một bãi cát nhân tạo rộng chừng 500 mét vuông chạy dọc theo bờ biển. “Công trình này là của một người dân tự bỏ tiền ra xây dựng lại đền Bà Men đã hư hại trước đó. Nhưng họ không xây trên nền cũ mà cơi nới, mở rộng ra hàng trăm mét vuông” - anh T nói.

Đi một vòng quanh vịnh, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự thay đổi đến chóng mặt từ các công trình bê tông hóa vịnh Hạ Long. Nhiều hòn đảo bị chiếm dụng, doanh nghiệp, cá nhân tự ý xây dựng ngay giữa vùng lõi của di sản. “Lúc xây thì rầm rộ thế, nhưng khi không xin được giấy phép hoạt động họ lại để hoang hóa mặc cho thiên nhiên định đoạt. Ở đây còn hàng chục công trình bê tông vô chủ. Đa số là các kè bê tông quây đảo làm du lịch” - anh T. cho biết.

Biến di sản thành “ao làng”?

Tại hòn Soi Cỏ (điểm du lịch tham quan tuyến 4 của Vịnh Hạ Long), doanh nghiệp tư nhân có tên Đông Dương đã ngang nhiên xây dựng hàng trăm mét kè bê tông, đổ hàng nghìn khối cát để làm bãi biển nhân tạo. Đường đi lối lại trên đảo đều được bê tông hóa. Điều đáng nói, đảo này nằm trong tuyến du lịch và thường xuyên có người của BQL vịnh túc trực soát vé, đếm người.

Không chỉ phá tan tành hòn Soi Cỏ, doanh nghiệp Đông Dương còn tự ý đổ hàng trăm mét bờ kè bằng bê tông lên một hòn đảo hoang tại khu vực Cống Đỏ để làm du lịch. Sự việc bị phát giác nên nhiều năm nay bờ kè này bị bỏ hoang, tạo nên một công trình bê tông hoang tàn ngay giữa vùng lõi di sản.

“Vịnh giờ như cái ao của ai đó. Họ muốn làm gì thì làm, cho ai xây thì xây. Quản lý không được thì họ quay ra cấm. Mà sợ nhất là các dịch vụ du lịch tự phát đang được mở ra trên vịnh. Tất cả đều không có thủ tục, giấy tờ gì, chỉ cần làm hợp đồng thuê mặt nước với BQL Vịnh mỗi năm vài triệu là vô tư kinh doanh” - anh T. nói.

Vịnh Hạ Long được UBND tỉnh Quảng Ninh giao toàn quyền cho BQL Vịnh Hạ Long quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị của di sản. Thay vì bảo vệ, BQL Vịnh Hạ Long đã để xảy ra nhiều vụ việc xâm hại đến di sản. Đơn cử như vụ việc để cho hàng loạt doanh nghiệp du lịch tự ý tổ chức cho du khách ăn nhậu trong hang động giữa vùng lõi Vịnh Hạ Long hàng chục năm; vụ việc để cho hàng loạt doanh nghiệp tự ý khai thác du lịch nhưng không có giấy tờ thủ tục làm thất thoát hàng chục tỷ đồng tiền thuế của nhà nước…

Mới đây nhất, UBND TP Hạ Long tiến hành khởi công dự án lấn vịnh mở rộng đường bao biển, đổ hàng triệu khối cát làm biển nhân tạo ngay vùng đệm di sản với mức tổng vốn đầu tư 870 tỷ đồng được lấy từ nguồn thu của Vịnh Hạ Long. Sự việc đã dấy lên quan ngại về việc di sản Vịnh Hạ Long bị xâm hại nghiêm trọng trước những tác động của chính QBL di sản Vịnh Hạ Long.

Đi một vòng quanh vịnh, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự thay đổi đến chóng mặt từ các công trình bê tông hóa vịnh Hạ Long. Nhiều hòn đảo bị chiếm dụng, doanh nghiệp, cá nhân tự ý xây dựng ngay giữa vùng lõi của di sản. “Lúc xây thì rầm rộ thế, nhưng khi không xin được giấy phép hoạt động họ lại để hoang hóa mặc cho thiên nhiên định đoạt. Ở đây còn hàng chục công trình bê tông vô chủ. Đa số là các kè bê tông quây đảo làm du lịch” - anh T. cho biết.

Vịnh Hạ Long: Ai đang bê tông hóa? ảnh 1 Doanh nghiệp tự ý đổ hàng trăm mét bờ kè bê tông quây đảo làm du lịch ở khu vực Cống Đỏ.
MỚI - NÓNG