Đình chỉ 'siêu dự án' Panorama phiên bản Đồng Văn

Toàn cảnh thị trấn Đồng Văn. Ảnh: Nguyễn Hoàn
Toàn cảnh thị trấn Đồng Văn. Ảnh: Nguyễn Hoàn
TP - UBND huyện Đồng Văn (Hà Giang) vừa đình chỉ công trình “siêu thang máy 102m” cùng tổ hợp nhà hàng, khách sạn trên đỉnh di tích Đồn Cao, nơi có vị trí đắc địa nhất, bao quát toàn cảnh thị trấn phố cổ Đồng Văn và có thể nhìn ruộng bậc thang và cao nguyên đá từ xa.  

Siêu dự án giữa phố cổ Đồng Văn

Dự án “thang máy ngắm cảnh, tham quan di tích Đồn Cao” được Sở KH&ĐT tỉnh Hà Giang cấp chứng nhận đầu tư ngày 24/11/2017, do một cá nhân sống tại TP Hà Giang làm chủ.

Theo thiết kế, dự án thang máy cao 102m, diện tích lòng thang 15m2, được xây dựng gần chính giữa vách đá di tích Đồn Cao, nơi có vị trí đắc địa, trung tâm bao quát toàn bộ khu phố cổ Đồng Văn. Ở đỉnh di tích Đồn Cao có độ cao 1.200m so với mặt nước biển, vị trí đẹp nhất để nhìn toàn cảnh thị trấn, phố cổ, cánh đồng Làng Nghiến và hàng trăm ngọn núi đá tai mèo, ruộng bậc thang lớn nhỏ xung quanh. Ngoài ra, dự án còn sử dụng khuôn viên khoảng 5.600m2 thuộc di tích Đồn Cao để xây dựng một tổ hợp nhà hàng, nhà nghỉ, quầy cà phê, lưu niệm… để phục vụ khách du lịch.

Mô hình dự án này có nhiều điểm tương đồng với tổ hợp nhà hàng, khách sạn Panorama trên đỉnh đèo Mã Pì Lèng (huyện Mèo Vạc) gây xôn xao dư luận thời gian gần đây. Ngoài điểm chung có vị trí đắc địa, dự án “siêu thang máy 102m” cùng tổ hợp nhà hàng, khách sạn có quy mô khủng hơn nhiều so với Panorama.

Dự kiến khi hoàn thiện, thang máy khổng lồ với thiết kế hệ thống kính trong suốt, được lắp hệ thống đèn điện chiếu sáng; hệ thống nhà hàng, nhà nghỉ, quầy bar… trên đỉnh núi. Công suất thiết kế khi hoàn thành sẽ đưa đón khoảng 3.500 lượt khách/ngày và sẽ là dự án hiện đại, “sang chảnh” nhất tồn tại giữa không gian phố cổ Đồng Văn.

Tuy nhiên, đến ngày 21/8, UBND huyện Đồng Văn bất ngờ ra quyết định tạm đình chỉ thi công “siêu thang máy 102m ” với lý do, công trình chưa hoàn tất hồ sơ, thủ tục, hồ sơ đầu tư dự án theo quy định. Công trình nằm trong phạm vi khu vực 2 (vành đai xanh) của bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích; thuộc phạm vi không được xây mới; bảo tồn, tôn tạo khu phố cổ Đồng Văn, làng văn hóa Quyết Tiến, khu di tích Đồn Cao, hình thành không gian có giá trị văn hóa, lịch sử của cao nguyên đá Đồng Văn trong bản đồ quy hoạch xây dựng Công viên địa chất toàn cầu của Hà Giang.

“Panorama phiên bản Đồng Văn”

Theo quan sát của phóng viên, “siêu thang máy 102m” đặt gần vị trí chính giữa vách đá Đồn Cao. Dưới chân vách đá này là hàng chục nhà cổ được xây dựng hàng trăm năm qua và vừa được UBND huyện Đồng Văn trùng tu, cải tạo. Những ngôi nhà cổ có kiến trúc xây dựng bằng đá, gỗ và lợp bằng ngói âm dương tạo không gian cổ kính và là không gian họp chợ phiên của bà con khắp vùng Đồng Văn. Hiện nay, khu phố cổ cũng là điểm thu hút rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước, nhiều hệ thống nhà nghỉ giá rẻ được xây dựng theo kiến trúc nhà cổ và nhà người Mông.

Anh Quang (chủ một nhà nghỉ, người địa phương) cho biết, dự án này thi công được một thời gian thì bị tạm dừng. Vị trí xây dựng “siêu thang máy 102m” đối diện với khu nhà đặt trụ sở làm việc của Phòng Kinh tế hạ tầng; Tài nguyên Môi trường; Ban quản lý dự án huyện Đồng Văn và cách trụ sở Huyện ủy - UBND huyện Đồng Văn khoảng 100m. Ngoài ra, nó còn nằm liền kề với hàng chục nhà cổ của người bản địa.

“Nhiều hộ dân địa phương khi xây dựng nhà nghỉ, nhà hàng tại thị trấn cũng thiết kế dạng nhà cổ, nhà của người dân tộc để giữ bản sắc, không gian văn hóa Đồng Văn. Nếu thi công xong, đưa vào hoạt động, sẽ xuất hiện một khối kim loại khổng lồ mọc giữa không gian phố cổ, thị trấn. Dù có thể thu hút khách du lịch nhưng dự án này sẽ phá vỡ không gian cổ kính vốn có và nó không khác gì Panorama phiên bản Đồng Văn”, anh Quang nói.

Đình chỉ 'siêu dự án' Panorama phiên bản Đồng Văn ảnh 1 Cận cảnh dự án “siêu thang máy 102m” tại Đồng Văn bị đình chỉ

Ngày 21/8, UBND huyện Đồng Văn bất ngờ ra quyết định tạm đình chỉ thi công “siêu thang máy 102m” với lý do, công trình chưa hoàn tất hồ sơ, thủ tục, hồ sơ đầu tư dự án theo quy định. Công trình nằm trong phạm vi khu vực 2 (vành đai xanh) của bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích; thuộc phạm vi không được xây mới.

MỚI - NÓNG