Đổi mới tổ chức bộ máy - kỳ 2: Nhiều việc làm ngay được

Người dân giao dịch tại trung tâm hành chính TP Đà Nẵng. Thời gian qua, Đà Nẵng đã có nhiều nỗ lực tinh giản bộ máy.
Người dân giao dịch tại trung tâm hành chính TP Đà Nẵng. Thời gian qua, Đà Nẵng đã có nhiều nỗ lực tinh giản bộ máy.
TP - Trao đổi với PV Tiền Phong về đề xuất sáp nhập các bộ có nhiệm vụ tương đồng và các tỉnh có quy mô dân số nhỏ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, sẽ xây dựng chương trình hành động để thực hiện các nội dung Nghị quyết Trung ương 6 đề ra. Trong đó, có những nội dung có thể làm ngay, nhưng cũng có những lĩnh vực cần nghiên cứu định hướng làm thí điểm.

Đúc rút từ quá trình giám sát địa phương, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lê Thanh Vân cho rằng, đề xuất hợp nhất các bộ có nhiệm vụ tương đồng, các tỉnh có quy mô dân số nhỏ hoàn toàn có cơ sở. ĐB Lê Thanh Vân cho biết, ngay từ khóa trước, ông đã đề nghị sáp nhập một số bộ có chức năng nhiệm vụ tương đồng, như Bộ KH&ĐT với Bộ Tài chính, Bộ GTVT với Bộ Xây dựng.

Quan trọng nhất là nhận thức

Ông Vân lý giải, Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính đều liên quan đến quản lý nguồn lực quốc gia. “Một anh thì xây dựng phương án tổ chức nguồn lực, một anh thực thi tổ chức nguồn lực ấy nhưng lại thường xuyên có độ vênh về chính sách”, ông Vân nói và cho rằng, sau khi nhập có thể lấy tên gọi Bộ Kế hoạch - Tài chính. Tương tự với Bộ GTVT và Bộ Xây dựng, sau khi hợp nhất có thể gọi là Bộ Cơ sở hạ tầng.

Tuy nhiên ông Vân cũng lưu ý, khi nói đến sáp nhập, các bộ, tỉnh trong diện này sẽ giật mình vì đụng chạm trực tiếp đến lợi ích của họ. Để tạo ra sự đồng thuận, theo ĐB, quan trọng nhất là nhận thức, phải làm cho họ thấu tỏ, thuyết phục, từ đó mới điều chỉnh hành vi. “Tư tưởng không thông thì đeo bình tông cũng nặng. Nhưng khi nhận thức đã rõ thì đồng thuận sẽ cao”, ông Vân nhìn nhận.

Để giải bài toán này, theo ĐB Vân, cần xây dựng một đề án cụ thể, rà soát lại để phân loại, thiết lập các bộ chủ quản theo nhóm. Trên cơ sở đó có thể chia thành ba khối hành chính chính trị, hành chính công vụ và hành chính tư pháp. Tương tự với việc sáp nhập tỉnh, cần tổng rà soát lại về quy mô dân số, tiềm năng phát triển, lợi thế chính trị, kinh tế, địa lý… “Tất cả cần phải có điều tra cơ bản để tính tới chuyện sáp nhập hoặc chia tách. Đặc biệt, mô hình quản lý đó phải phù hợp với ưu thế vượt trội của từng vùng”, ông Vân nói.

Cùng đề cập bộ máy hành chính, tại phiên thảo luận về kinh tế xã hội ngày 1/11, ĐBQH Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho rằng, chủ trương sáp nhập, tách ra chúng ta đã từng làm. Nhập vào cũng có lý, tách ra cũng có lý. Tuy nhiên, dường như sự nhập vào tách ra chỉ mang yếu tố chủ quan của những người được giao phụ trách nhiệm vụ này.

“Đã có ý kiến nêu hợp nhất Văn phòng ĐBQH với văn phòng HĐND và văn phòng UBND làm một. Tôi thấy điều này chưa phù hợp. Văn phòng tham mưu cho UBND triển khai, rồi lại tham mưu cho HĐND giám sát. Như vậy tính khách quan không có, lại không đảm bảo tinh thần của Hiến pháp là các cơ quan cần có sự phân công phối hợp nhưng kiểm soát lẫn nhau”, ông Phương dẫn dụ về việc hợp nhất.

Tại sao nhập, tại sao lại tách?

Trao đổi với PV xoay quanh đề xuất này, TS Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, khi nói đến sáp nhập, hay tách ra phải xem lại lịch sử. Tại sao nhập hay tại sao lại tách? “Nhiều khi nhập chưa chắc đã tốt, tách chưa chắc đã xấu nên nói chung là khó. Đúng hay không đúng thì chứng cứ ở đâu? Chúng ta phải tranh luận theo cách phương Tây vẫn làm, để có chứng cứ thuyết phục”, ông Dũng nói.

Trước đề xuất sáp nhập các bộ tương đồng và các tỉnh có quy mô dân số thấp, trao đổi với PV Tiền Phong, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân nói, tới đây sẽ xây dựng chương trình hành động để thực hiện các nội dung Nghị quyết Trung ương 6 đề ra. Việc sáp nhập các bộ, hay địa phương, theo ông Tân, cũng phải đi từ Nghị quyết Trung ương 6. Có những nội dung có thể áp dụng ngay, nhưng cũng có những lĩnh vực cần nghiên cứu định hướng làm thí điểm, cũng có những vấn đề chuẩn bị cho Đại hội XIII tới.

Bộ trưởng Nội vụ lý giải, cái có thể làm ngay được là sắp xếp lại cơ cấu tổ chức bên trong các bộ ngành, địa phương. Rà soát lại chức năng nhiệm vụ của các cơ quan không bị chồng lấn, sắp xếp lại các bộ ngành, kể cả các đơn vị trực thuộc, để đảm bảo trong mỗi cơ quan chuyên môn cấp tỉnh chỉ còn lại một đơn vị sự nghiệp công. Còn lại cơ quan chuyên môn của các ngành cũng phải sắp xếp cho phù hợp. Một số nhiệm vụ có thể chuyển giao, phân cấp từ trung ương cho cấp tỉnh, cấp tỉnh cho cấp huyện để giảm bớt đầu mối.

Về lộ trình sáp nhập, ông Tân cho biết, Bộ Nội vụ được Thủ tướng giao hai chương trình hành động là thực hiện sắp xếp lại bộ máy của cơ quan hành chính nhà nước và sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp theo Nghị quyết Trung ương 6. Lộ trình các bước thực hiện sẽ được bám vào nội dung của Nghị quyết Trung ương 6.

Đánh giá về đề xuất sáp nhập các tỉnh có quy mô dân số nhỏ, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho rằng, vấn đề này phải tổng kết, đánh giá lại, bởi mỗi tỉnh lại phù hợp với điều kiện đặc điểm đồng bằng, miền núi, hải đảo hay đô thị khác nhau nên phải có tổng kết mới đánh giá được. Tuy nhiên, theo ông Tân, Nghị quyết Trung ương 6 chỉ đề cập đến các cơ quan chồng lấn, có chức năng nhiệm vụ tương đồng thì rà soát lại, và chưa nói đến vấn đề sáp nhập tỉnh. Còn về sáp nhập các bộ, Bộ trưởng Nội vụ cho biết, chủ trương này thuộc đối tượng thứ ba là “tiếp tục nghiên cứu”. 

Nghị quyết 18, Trung ương 6 về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” nêu, tiếp tục nghiên cứu làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về phạm vi quản lý đa ngành, đa lĩnh vực của một số bộ, ngành, nhất là những bộ, ngành có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, trùng lắp để có giải pháp phù hợp và thực hiện kiện toàn, sắp xếp tổ chức, thu gọn đầu mối trong nhiệm kỳ tới, như: Ngành giao thông - xây dựng; tài chính - kế hoạch đầu tư; lĩnh vực dân tộc - tôn giáo…Nghị quyết cũng khuyến khích sáp nhập, tăng quy mô các đơn vị hành chính các cấp ở những nơi có đủ điều kiện để nâng cao năng lực quản lý, điều hành và tăng cường các nguồn lực của địa phương.

MỚI - NÓNG